Ngày 10 Tháng 8, 2017.
TS Vũ Thành Tự Anh khẳng định chương trình thạc sĩ chính sách công năm nay, khóa đầu tiên của Đại học Fulbright, có nhiều thay đổi so với khi còn là chương trình giảng dạy kinh tế FETP.
Đại học Fulbright Việt Nam vừa chính thức bắt đầu tuyển sinh cho Chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách công (MPP) khóa 2017. Zing.vn có cuộc trao đổi với tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý thuộc FUV, về những thay đổi khi chương trình giảng dạy chính sách trở thành Trường Chính sách của FUV cũng như định hướng của trường trở thành đại học đạt chuẩn quốc tế
Chính sách hiệu quả không chỉ là chính sách tốt
– Đây là lứa sinh viên đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam, nhưng chương trình là kế thừa từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP). Lần tuyển sinh đầu tiên của FUV có gì khác biệt hay chỉ là “bình mới rượu cũ”?
TS. Vũ Thành Tự Anh: Bất kỳ chương trình chính sách công nào cũng có 3 trụ cột: kinh tế học, quản lý và lãnh đạo. Điểm khác biệt của chương trình chính sách công năm nay là chúng tôi không chỉ tập trung vào năng lực phân tích kinh tế mà còn hướng tới năng lực quản lý, lãnh đạo.
Trong một quy trình chính sách, đầu tiên chúng ta phải có chính sách tốt. Sau đó, để thực thi chính sách này cần có kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Quản lý tốt sẽ tạo ra được bộ máy hiệu quả để triển khai chính sách.
Bên cạnh đó, khả năng lãnh đạo rất cần thiết để huy động được sự ủng hộ của nhiều nhóm trong xã hội, bao gồm sự chấp nhận của các nhóm có thể bị thiệt hại trong quá trình thực thi chính sách. Vì vậy, nếu chỉ dạy về chính sách thì ta có thể có các chính sách tốt ra đời, nhưng khó thực thi và mang lại hiệu quả.
Về thay đổi cụ thể, thứ nhất, chúng tôi tăng cường thời lượng môn học dạy về 2 kỹ năng quản lý và lãnh đạo hiện nay lên gấp đôi. Ngoài ra, chúng tôi bổ sung thêm 3 môn mới là Đàm phán và Giao tiếp, Chính sách Công So sánh, Thực thi Chính sách.
Ngoài ra, năm nay chúng tôi sẽ phỏng vấn để tìm kiếm ứng viên xứng đáng nhất. Vì đôi khi những người xứng đáng nhất không phải là người có bài thi tốt nhất.
Đại diện từ các nhóm xã hội
– Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) trước đây được bàn giao về Trường Chính sách Công và Quản lý thuộc FUV, vậy ngoài giảng dạy kinh tế, trường còn làm gì nữa không?
Trường Chính sách công và Quản lý thuộc FUV, nơi tự coi mình là một đại học nghiên cứu, vì vậy chúng tôi sẽ phải đẩy mạnh sứ mệnh nghiên cứu cho trường, thay vì chủ yếu tập trung vào giảng dạy và phân tích chính sách như trước. Từ năm nay, định hướng nghiên cứu, các hệ thống khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu cho giảng viên sẽ được đẩy mạnh hơn nhiều.
Chúng tôi đang tuyển thêm 3 giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ từ các trường hàng đầu thế giới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Chúng tôi muốn bổ sung các giảng viên nước ngoài để có góc tham chiếu chính sách đối với các nước khác.
Kinh nghiệm của các giảng viên này sẽ là nguồn tham chiếu để chúng tôi điều chỉnh chương trình giảng dạy và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Mục đích của Trường Chính sách Công và Quản lý là trở thành trung tâm nghiên cứu chính sách ở tầm khu vực.
“Chúng tôi hy vọng tạo ra môi trường tương tự như thực tế, mổ xẻ các vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau”
– Vì sao một người từ khối tư nhân hoặc tổ chức phi chính phủ (NGO) lại nên quan tâm tới MPP?
Trong 20 năm qua, hơn 60% sinh viên của chúng tôi là từ khối Nhà nước. Mục đích chính của chương trình vẫn là hướng đến người từ khu vực Nhà nước, những người hoạch định, nghiên cứu hoặc tham mưu chính sách.
Dù vậy, từ góc độ của doanh nghiệp, sự hiểu biết về chính sách cũng rất quan trọng để họ lường trước được những tác động của chính sách lên doanh nghiệp mình và hiểu về vận hành của hệ thống Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng thường có bộ phận phải thường xuyên tương tác với Nhà nước, và những người học chính sách công sẽ rất phù hợp để làm các công việc này.
Ngược lại, ở trường chúng tôi cũng như ở cũng như ở các trường chính sách công trên thế giới, khi giảng dạy, chúng tôi muốn tạo ra môi trường thảo luận chính sách ngay trong lớp học với đầy đủ tiếng nói của các nhóm có lợi ích khác nhau.
Với sự tham gia của người từ khối tư nhân đến Nhà nước và NGO, làm việc ở các cấp từ trung ương đến địa phương, chúng tôi hy vọng tạo ra môi trường tương tự như thực tế, mổ xẻ các vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau và từng bên đều học được góc nhìn của người khác.
– Trường có bất kỳ “quota” nào trong từng nhóm đối tượng trong việc tuyển sinh không?
Chúng tôi không có “quota cứng” cho việc này nhưng có một số ưu tiên. Ưu tiên thứ nhất là khu vực công, vì xuất phát điểm của chúng tôi là giảng dạy chính sách công. Tiếp đến, chúng tôi muốn chọn những người xuất sắc nhất. Thứ ba, chúng tôi muốn cân đối về mặt lĩnh vực để tối đa hóa sự đa dạng trong lớp học. Với 3 nguyên tắc đấy, chúng tôi tự động có tỷ lệ như những năm qua.
– Thông báo tuyển sinh năm nay của chương trình Chính sách Công có khuyến khích phụ nữ và các ứng viên đến từ những vùng có điều kiện bất lợi. Điều này có ý nghĩa gì?
Đây là một hình thức khuyến khích vì chúng tôi muốn tối đa sự đa dạng trong lớp học. Việc có thêm phụ nữ sẽ mang lại giá trị cho chương trình khi họ thường là người học giỏi và thảo luận sôi nổi trong lớp học. Ngoài ra, phụ nữ trong khu vực công ít được khuyến khích đi học, chúng tôi muốn giảm bớt sự bất bình đẳng trong cơ hội thăng tiến của phụ nữ.
Về người thiểu số và các khu vực khó khăn, họ là những đối tượng ít cơ hội học tập, ít được chuẩn bị năng lực hơn là người ở các đô thị lớn. Dù vậy, tất cả mọi người đều phải vượt qua một chuẩn nhất định, sau đấy chúng tôi mới xét đến yếu tố vùng miền.
Tìm kiếm thay đổi từ cấp địa phương
– Nhiều người thường hỏi tại sao MPP không dạy bằng tiếng Anh, trong khi FUV theo đuổi chuẩn của một đại học quốc tế và chương trình dạy chính sách công là lấy từ chương trình của Đại học Harvard?
Khi FETP được thành lập vào năm 1995, trình độ tiếng Anh của người Việt Nam nói chung và người trong khối Nhà nước là rất thấp. Trong khi đó, đối tượng tuyển sinh của chúng tôi thường ở cấp địa phương, xuất phát từ thực tế là các cải cách của Việt Nam thường đi từ dưới lên, xuất phát từ sáng kiến cấp địa phương rồi được nhân rộng khi có kết quả tốt.
Thực tế trong 20 năm qua, sinh viên của chúng tôi đến từ khối quản lý Nhà nước ở cấp trung ương chỉ chiếm 4%, trong khi 34% là từ các địa phương.
“Chúng tôi không muốn chỉ vì thiếu tiếng Anh mà những người ở địa phương mất cơ hội tiếp cận các kiến thức mới nhất”.
Ngoài ra, những người giỏi tiếng Anh thường có nhiều cơ hội khác để đi học ở nước ngoài. Đối tượng chính của trường chúng tôi là những cán bộ hoạch định và tham mưu ở địa phương mong muốn cải cách, muốn tìm cơ hội học chính sách công với chất lượng tốt nhất. Chúng tôi không muốn chỉ vì thiếu tiếng Anh mà những người ở địa phương mất cơ hội tiếp cận các kiến thức mới nhất
– MPP hướng đến việc đào tạo những người làm chính sách cho các địa phương, vậy những người muốn theo đuổi con đường nghiên cứu chính sách thì sao?
Sau khi hoàn thành tất cả môn học, sinh viên của chương trình chính sách công sẽ có 1 năm làm luận văn. Khi đó, học viên có định hướng chính sách sẽ có thể làm luận văn về một vấn đề của địa phương. Với những người muốn nghiên cứu sâu hơn, họ có thể theo đuổi để giải quyết một vấn đề hàn lâm, học thuật.
Mỗi năm, tôi thường viết thư giới thiệu cho 3-5 học viên của trường đi học tiến sĩ, vì vậy tôi tự tin là chương trình MPP đủ sức chuẩn bị cho các học viên theo đuổi chương trình tiến sĩ sau này.
– Đại học Fulbright, cụ thể ở đây là Trường Chính sách công và Quản lý, làm thế nào để bảo đảm môi trường nghiên cứu cho giảng viên với những chuẩn mực về tự do học thuật như các đại học nước ngoài?
Điều kiện quan trọng nhất để thu hút người tài là đảm bảo tài năng của họ được trân trọng. Đó phải là sự kết hợp giữa một môi trường thích ứng và trân trọng tài năng, đồng thời phải tưởng thưởng họ một cách xứng đáng.
Vì chúng tôi xây dựng trường FUV theo mô hình của ĐH Harvard, các yếu tố về tự do học thuật, chuẩn mực luôn được cố gắng giữ ở mức cao nhất. Nói cách khác, tôi không thấy độ chênh của FUV so với môi trường ở Mỹ và có thể tự tin nói rằng FUV tạo ra môi trường tương thích với môi trường học thuật phổ biến trên thế giới.
FUV sẽ tuyển sinh chương trình đại học theo cách riêng
– Chương trình thạc sĩ chính sách công của FUV có dạy cử tuyển không, như nhiều đại học Việt Nam khác đang dạy?
Chắc chắn sẽ không có chương trình cử tuyển. Chúng tôi chỉ giảng dạy những sinh viên đã vượt qua vòng tuyển sinh đúng quy trình và không nhận các cá nhân khác theo yêu cầu mà không qua sát hạch nghiêm ngặt.
– Trường FUV sẽ tuyển sinh như thế nào, có sử dụng điểm trong kỳ thi quốc gia ở Việt Nam không?
Hiện chúng tôi vẫn đang xây dựng chương trình đại học. Tuy nhiên, có thể nói FUV sẽ tuyển sinh chương trình đại học theo cách riêng của chúng tôi, như cách thức tuyển sinh chúng tôi áp dụng với chương trình thạc sĩ chính sách công xưa nay.
– Cá nhân ông có tham gia tư vấn cho chính phủ và quốc hội. Việc tư vấn cho chính quyền và việc giảng dạy ở FUV, hay trước đây là Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, có bổ trợ qua lại gì?
Trên thực tế, cơ sở của cả việc giảng dạy lẫn tư vấn là nghiên cứu. Nếu không nghiên cứu nghiêm túc thì sẽ không thể giảng dạy hay tư vấn tốt được. Vì vậy, việc giảng dạy và tư vấn không liên quan nhiều với nhau, mà cốt lõi là việc nghiên cứu.
Dù vậy, việc tư vấn hỗ trợ nhiều cho việc giảng dạy ở chỗ khi làm tư vấn, mình phải đối diện với những bài toán thật, mục tiêu thật và ràng buộc thật. Còn khi ở trên lớp, nhiều khi đó là bài toán giả định, có tính lý thuyết mà chúng ta không biết hết những ràng buộc thật sự cả về kinh tế và chính trị.