Một ngày tháng 6 năm 2019, Phan Mỹ Dung, học viên MPP 2019 cùng Tiến sĩ Bae Yooil đến Hàn Quốc dự một hội thảo về Quản trị Công. Hai Thầy trò tham gia phiên giới thiệu một đề tài nghiên cứu về lựa chọn làm việc trong khu vực công, tư ở Việt Nam, đi sâu tìm hiểu động lực phụng sự cộng đồng của thế hệ millennial (thế hệ sinh năm 1980-2000).
Đề tài đồng nghiên cứu này xuất phát là chủ đề luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ MPP của Phan Mỹ Dung do Tiến sĩ Bae Yooil trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu, giúp cô giành giải nhất Luận văn Thạc sĩ Xuất sắc nhất khoá MPP 2019.
Được đánh giá cao về chất lượng học thuật và khả năng đóng góp cho cộng đồng chính sách tại Việt Nam, đề tài đã được hai thầy trò bắt tay đồng nghiên cứu mở rộng. Không chỉ dừng ở không gian học thuật của trường, nhờ mạng lưới quan hệ của Tiến sĩ Bae Yooil, họ đã cùng nhau có mặt tại hội thảo của cộng đồng nghiên cứu chính sách ở Hàn Quốc để giới thiệu đề tài nghiên cứu này.
Nhớ lại chuyến đi đến Hàn Quốc, khoảnh khắc phải trình bày đề tài bằng tiếng Anh tại hội thảo khiến Phan Mỹ Dung hồi hộp, lo lắng. Cô sợ vốn tiếng Anh của mình không đủ tốt để thể hiện trước cộng đồng nghiên cứu chính sách của Hàn Quốc. Nhưng Tiến sĩ Bae Yooil đã động viên học trò của mình để cô tự tin và hoàn thành nhiệm vụ.
“Sau buổi thuyết trình, tôi tới gặp để cảm ơn Thầy. Thầy chỉ ôm tôi và nói ‘Tôi coi bạn như người nhà mà’, như một sự công nhận cho những nỗ lực của tôi.” – Phan Mỹ Dung chia sẻ.
Dìu dắt thế hệ học viên mới
Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) là nơi mà Tiến sĩ Bae Yooil gắn bó trong hai năm qua với tư cách giảng viên cao cấp, nghiên cứu và giảng dạy về chính trị so sánh và chính sách công, quản lý công, kinh tế chính trị địa phương và đô thị, và hợp tác phát triển quốc tế. Ông gia nhập đội ngũ giảng viên FSPPM ở một thời điểm bước ngoặt quan trọng : phát triển từ Chương trình đào tạo Thạc sĩ Chính sách công (MPP) dưới thời dự án hợp tác của Đại học Kinh tế TP.HCM với Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy (HKS) với danh nghĩa đơn vị học thuật đầu tiên, nền tảng sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam.
Sau 10 năm gắn bó với Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ) và trường Đại học Quản lý Singapore (Giáo sư Trợ lý), ông quyết định tìm một bước ngoặt mới trong sự nghiệp học thuật với trải nghiệm ở môi trường quốc tế khác. Với nền tảng học thuật vững vàng, ông từng xác định điểm đến tiếp theo sẽ là các học viện, đại học giảng dạy về chính sách công ở các quốc gia phát triển. Tiến sĩ Bae Yooil đã nhận lời tham gia phỏng vấn công việc cho một số trường ở các nước châu Âu, trong đó có Anh, Phần Lan, một trường đại học ở HongKong và cả ở ngay Hàn Quốc – quê hương của ông. Chỉ có duy nhất một trường ở quốc gia đang phát triển mà ông gửi hồ sơ đó là FSPPM.
Cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh vào cuối năm 2017 khi đó là Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã khiến ông suy nghĩ nghiêm túc về việc trở thành giảng viên của trường khi FSPPM có tiềm năng trở thành nhân tố mới nổi trong khối trường giảng dạy về chính sách công của khu vực do nền tảng lịch sử độc đáo, di sản học thuật và tầm nhìn táo bạo.
“Khi tôi trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, ông bày tỏ tham vọng xây dựng trường trở thành đầu tàu nghiên cứu, giảng dạy về phát triển kinh tế và hiện đại hóa. Với những gì FSPPM gây dựng từ di sản FETP, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tầm nhìn này. Khi tìm hiểu thêm sâu về lĩnh vực nghiên cứu và kinh nghiệm của các đồng nghiệp tại FSPPM, tôi muốn cùng họ đào tạo và dìu dắt thế hệ học viên người Việt phụng sự phát triển nhà nước và xã hội Việt Nam trong tương lai” – Tiến sĩ Bae Yooil nhớ lại cơ duyên đưa ông đến Thành phố Hồ Chí Minh và hiện là giảng viên quốc tế cơ hữu của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.
“Tôi đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của những trường chính sách công trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt gần đây các chương trình chính sách công ở châu Á đang thu hút rất nhiều sự chú ý. Các trường chính sách công đang phát triển nhanh ở châu Á có thể kể đến Trường chính sách công Lee Kuan Yew, Viện KDI e-Globe tại Hàn Quốc, Chương trình Hành chính công tại Đại học Tsinghua… Song song với sự phát triển của các chương trình chính sách ở châu Á, tôi có thể khẳng định rằng FSPPM nổi tiếng là chương trình chính sách tốt nhất tại Việt Nam và nó cũng đang mở rộng mối liên kết với các tổ chức trên toàn cầu và khu vực một cách nhanh chóng.”
Theo Tiến sĩ Bae Yooil, so với những nơi khác, FSPPM sở hữu những ưu điểm nổi trội, trong đó phải kể đến mối quan hệ gần gũi và gắn bó của giảng viên và học viên. Học viên và các cựu học viên luôn hào hứng để học hỏi những kiến thức mới và luôn dành sự quan tâm cho các bạn đồng môn. Ông ấn tượng về môi trường học thuật ở đây, các giảng viên luôn nhiệt huyết và tận tâm hướng dẫn những nghiên cứu của sinh viên. Ngoài ra, họ có thể cung cấp những kiến thức thực tiễn sát sườn để phục vụ cho những nhà hoạch định chính sách ở cấp trung ương, cấp địa phương cũng như ở khu vực nhà nước và tư nhân.
Bản địa hoá tri thức toàn cầu
Việt Nam thực tế đã nằm trong “tầm ngắm” của Tiến sĩ Bae Yooil khi ông cùng gia đình đến du lịch lần đầu tiên vào năm 2015. Ấn tượng Việt Nam với cảm giác gần gũi, thân thuộc với Hàn Quốc về văn hoá và sự kết nối con người, sự giao thoa hài hoà giữa phương Đông và phương Tây, ông, bằng con mắt của một nhà nghiên cứu về chính sách công, đã nhìn thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ nơi đây. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nghiên cứu chính sách công là chìa khóa mở ra kho tàng tri thức, kinh nghiệm từ thế giới. Những quốc gia đi trước để lại những bài học đắt giá có khả năng giúp Việt Nam hạn chế trở ngại và bắt nhịp phát triển vượt bậc nếu vận dụng thích hợp các bài học của các quốc gia phát triển.
Nghiên cứu chủ đạo về chính trị so sánh, Tiến sĩ Bae Yooil có những công trình nghiên cứu thú vị như “Địa hình của Nền dân chủ đa cấp: Cộng đồng địa phương và xã hội dân sự định hình nhà nước hiện đại như thế nào”, nằm trong loạt sách danh giá về Chính trị So sánh do Nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành. Hay “Chế độ Dân chủ Địa phương kép của Hàn Quốc” từng đạt giải Cuốn sách Xuất sắc nhất của Hiệp hội Nghiên cứu Chính quyền Địa phương Hàn Quốc năm 2019. Theo ông, một trong những ngộ nhận lớn nhất khi xét đến chính trị quốc tế chính là tâm lý “áp đặt” công thức của quốc gia này lên quốc gia khác.
“Những chiến lược được áp dụng thành công tại các nước phát triển chưa chắc sẽ đem lại hiệu quả tương tự ở Việt Nam. Trên thực tế, mỗi giai đoạn phát triển của một quốc gia đều có những đặc thù riêng và chịu sự chi phối bởi vô vàn yếu tố và biến số khác nhau” – Tiến sĩ Bae Yooil chia sẻ. Và, FSPPM với vai trò là trung tâm nghiên cứu chính sách hàng đầu của Việt Nam là một khởi nguồn thuận lợi cho các nghiên cứu và trải nghiệm thực tiễn mới của ông về chính sách công, quản lý công, kinh tế chính trị địa phương… dựa trên góc độ bản địa hoá tri thức toàn cầu.
Tiến sĩ bày tỏ, là một giảng viên nước ngoài tại FSPPM, một trong những thách thức lớn nhất đối với ông là những khác biệt về xã hội – văn hóa. Đã có lần ông nhận được phản hồi từ học viên rằng những bài học mà ông đưa ra về văn hóa sáng tạo và đổi mới trong doanh nghiệp, dù rất hay nhưng khó có thể áp dụng vào môi trường công sở tại Việt Nam. Khi đó, Tiến sĩ thường nhắc đến hiệu ứng quả cầu tuyết: Khi một khối tuyết nhỏ lăn xuống từ trên đỉnh núi, nó sẽ dần tích lũy thêm khối lượng. Càng lăn, quả cầu tuyết càng to ra và lăn nhanh hơn để cuối cùng trở thành một khối tuyết khổng lồ.
“Tương tự như quả cầu tuyết, ban đầu, việc cá nhân bạn thay đổi thái độ sẽ không tạo nên những khác biệt đáng kể trong tổ chức. Nhưng nếu bạn đủ kiên trì, những người xung quanh bạn – hàng xóm, đồng nghiệp… sẽ bị ảnh hưởng và từng bước mang đến thay đổi cho cả cộng đồng.”
Trong lớp học, Tiến sĩ Bae Yooil thường xuyên có những tìm tòi, sáng tạo về phương pháp giảng dạy. Khi nhận thấy học viên cần trau dồi thêm về kỹ năng truyền tải thông điệp trước công chúng, ông triển khai bài tập thuyết trình theo hình thức “họp báo”. Các học viên phải thực hiện một đoạn clip dài từ 4-7 phút, trình bày về một chủ đề cho trước như một buổi họp báo thực thụ và đăng tải lên mạng xã hội YouTube. Gần đây, Tiến sĩ Bae Yooil bắt đầu áp dụng nguyên tắc về tư duy thiết kế, yêu cầu học viên đặt mình vào vị trí một đối tượng cụ thể để quan sát và xử lý tình huống.
Tại FSPPM, các học viên đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đôi khi với những quan điểm cá nhân rất khác biệt. Điều này góp phần tạo nên một trải nghiệm học tập đa dạng, giúp các học viên có cơ hội trao đổi và nhìn nhận từ những lập trường mới. Tuy nhiên, để cân bằng những luồng ý kiến trong một tập thể không phải điều dễ dàng. Tiến sĩ Bae Yooil chia sẻ, ông luôn hy vọng những học viên trưởng thành từ FSPPM sẽ trở thành những nhà lãnh đạo sáng suốt với năng lực đánh giá vấn đề một cách đúng đắn, dù là khu vực công hay khu vực tư nhân.
“Nếu tất cả mọi người thực sự có những trải nghiệm và thực hành hoàn toàn khác nhau, tôi nghĩ những tổ chức học thuật không còn cần thiết nữa. Chúng ta luôn cố gắng dung hòa những khác biệt và chấp nhận sự đa dạng, nhưng đồng thời chúng ta phải công nhận và hiểu những sự thật đã được lịch sử chứng minh. Chúng ta đang sống dựa trên những kinh nghiệm mà tổ tiên đã tích lũy, dựa trên tri thức. Điều đó có nghĩa là ta phải tìm ra những quy luật, mô hình chung trong cuộc sống.”
Điều này thể hiện rõ trong cách ông dẫn dắt và hướng các học viên của FSPPM trong việc tiếp nhận các kiến thức kinh điển của thế giới.
“Khi giảng dạy về chính sách phát triển, tôi giới thiệu tới học viên mô hình phát triển của các nước, rồi từ đó thảo luận đâu là những chính sách hiệu quả và làm thế nào để quốc gia có thể phát triển – từ những dịch vụ công cộng cho đến cơ sở hạ tầng. Với từng vấn đề cụ thể như đô thị hóa, y tế công cộng hay phúc lợi người dân, tôi luôn gợi mở những câu hỏi như ‘thách thức ở đây là gì’, ‘chúng ta có thể làm gì để đối phó với chúng’…Nguyên tắc của tôi là ‘đừng sợ hãi những tên tuổi lớn’. Những cái tên như Elinor Ostrom, hay Robert Putnam chẳng hạn… Tôi là người ủng hộ triết lý của Karl Popper rằng không có lý thuyết nào hoàn hảo, chỉ có lý thuyết gần hơn với sự thật. Chính vì vậy mà tôi thường khuyến khích học viên đặt những câu hỏi ‘vì sao’ và không bao giờ quá tin vào một quan điểm nào đó. Chỉ khi không ngừng đặt câu hỏi, ta mới có thể tìm ra đáp án cho riêng mình,” Bae Yooil nhận định.
Nguyễn Thị Xuân Hường, cựu học viên Thạc sĩ Chính sách Công (MPP) khóa 2020 chia sẻ, cách giảng dạy của Tiến sĩ Bae Yooil đã giúp cô hình thành tư duy biện luận so sánh. Như khi đề cập đến những bất cập xung quanh việc quản lý quyền sử dụng đất ở Việt Nam, học viên sẽ phải trả lời hàng loạt câu hỏi như ‘Những quốc gia khác có gặp phải vấn đề tương tự không?’, ‘Họ đã giải quyết chúng như thế nào?’, hay ‘Chúng ta có thể học hỏi điều gì từ những quốc gia ấy để giải quyết vấn đề trong nước?
“Thầy Bae Yooil luôn dẫn dắt chúng tôi các bước tư duy, nhờ vậy mà chúng tôi có thể tìm ra lời giải cho những vấn đề hóc búa. Thầy có những tiêu chuẩn thật khắt khe mà nhờ đó mà nghiên cứu tốt nghiệp của tôi chuyên nghiệp và hoàn thiện hơn. Nhưng điều tôi trân trọng và ngưỡng mộ nhất ở thầy đó là lòng tốt, sự kiên nhẫn và bao dung hết mực” – Xuân Hường bộc bạch.
Học viên Đỗ Minh Tâm, lớp MPP2021, chia sẻ, những lớp học của Tiến sĩ Bae Yooil đã giúp cô không chỉ trang bị thêm kiến thức lý thuyết, mà còn hình thành khả năng nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn đa chiều. Nhờ có những điển cứu được chọn lọc, cập nhật thường xuyên và “bản địa hóa” cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam, cô đã có được hiểu biết sâu sắc hơn về những bài toán phát triển mà đất nước đang đối mặt.
“Thầy Bae luôn đến lớp với tác phong chuyên nghiệp và giáo án được chuẩn bị kỹ lưỡng. Kể cả khi đối mặt với khủng hoảng COVID, lớp Quản lý Công của thầy vẫn diễn ra suôn sẻ cả trực tuyến và ngoại tuyến bởi ông luôn nỗ lực hết mình, thậm chí nỗ lực gấp đôi bình thường, để mang đến những bài giảng chất lượng. Mỗi khi tôi cần giúp đỡ, thầy luôn trả lời chi tiết và mở ra những hướng suy nghĩ sâu hơn,” học viên Minh Tâm chia sẻ.
Anh Thư – Xuân Linh