Gương mặt Fulbright

GS.TS Lê Vũ Quân: Hành trình mới với YSEALI tại Fulbright

image

GS.TS Lê Vũ Quân là một trong những học giả người Việt phát triển sự nghiệp học thuật tại Mỹ với bề dày kinh nghiệm cùng di sản thành tựu nổi bật. Ông được phong chức danh Giáo sư Danh hiệu Eva Albers ngành Kinh tế, từng là Giám đốc Chương trình Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Seattle, Hoa Kỳ trong nhiều năm.

 Từ những năm thập niên đầu 2000, TS. Lê Vũ Quân bắt đầu bị cuốn trở lại Việt Nam với những dự án giáo dục nghiên cứu, giảng dạy, và tư vấn mà như ông nói vui rằng những trải nghiệm này đã giúp bản thân có sự nhẫn nại không có trong môi trường học thuật ở Mỹ. Đó là không gian để ông phát triển chuyên môn gắn với thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế tại quê nhà. Sau 15 năm, TS. Lê Vũ Quân đã về nước sống và làm việc toàn thời gian. Ông đang rất hào hứng với công việc dẫn dắt học thuật và quản lý Học viện YSEALI (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á) đặt tại Đại học Fulbright Việt Nam – một dự án giáo dục trong khu vực của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Thực nghiệm đỉnh cao học thuật trong trải nghiệm xã hội

 Trong vòng 24 giờ của ngày đầu tiên mở hồ sơ đăng ký hội thảo đào tạo của Học viên YSEALI, TS. Lê Vũ Quân đã rất hồi hộp và lo lắng. Thành lập từ tháng 9 năm ngoái, Học viện YSEALI có thể được coi là một phiên bản sáng tạo Chương trình YSEALI theo hướng đẩy mạnh chất lượng chiều sâu. Kể từ khi khởi động vào cuối năm 2013, đến nay mạng lưới Chương trình YSEALI đã có hơn 150.000 thành viên, trong đó có 30.000 thành viên Việt Nam. Sự thành công nổi bật của chương trình đã góp phần tăng cường phát triển nguồn nhân lực ở Đông Nam Á. Các chương trình truyền thống đặc sắc của YSEALI giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các nhà lãnh đạo triển vọng của 10 quốc gia thành viên ASEAN và Đông Timor.

Đó là một di sản thử thách lớn đối với người đứng đầu Học viện YSEALI. Sự khởi đầu diễn ra trong bối cảnh hạn chế bị chi phối của đại dịch Covid-19. Dù vậy, không gian giãn cách giữa các quốc gia trong khu vực khiến định dạng mô hình đào tạo trực tuyến của hội thảo đào tạo vừa là thuận lợi vừa là một thử thách. Khi số lượng học viên ứng tuyển đứng ở ba con số sau một ngày mở đăng ký, TS. Lê Vũ Quân đã rất bất ngờ.

“Với uy tín truyền thống, YSEALI luôn được các bạn trẻ đón đợi và kỳ vọng. Đó là áp lực cho các chương trình đào tạo đi sau. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khoá tập huấn của chúng tôi cũng là hàn thử biểu về sức hấp dẫn của YSEALI. Dù vậy, tôi vẫn rất bất ngờ về con số đăng ký rất lớn bởi chương trình chỉ tuyển chọn 25 bạn học viên cho khoá đầu. Điều đó làm chúng tôi hào hứng đến mức bắt tay chuẩn bị ngay cho khoá hội thảo kế tiếp” – ông chia sẻ.

Với khoá đào tạo mở màn về Chính sách Công về Kinh tế Năng lượng và Chính sách, TS. Lê Vũ Quân và các giảng viên cộng sự tại Học viện YSEALI cho thấy một định hướng học thuật rất rõ ràng. Học viện YSEALI sẽ đào tạo các chuyên đề hẹp chuyên sâu, có tính học thuật cao. Theo đó, các chương trình đào tạo tại Học viện sẽ giúp củng cố mạng lưới quan hệ của YSEALI theo hướng quy tụ, gia tăng kết nối dựa trên chuyên môn sâu, nhờ đó lan toả bền vững các mối quan hệ nội khối. Các chuyên đề sẽ được may đo dựa vào những vấn đề nổi cộm khu vực đang đối mặt như kinh tế năng lượng và chính sách, các thách thức an ninh mạng cũng như cơ hội và nền tảng đầu tư khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Đây là sự khác biệt nhận diện của các chương trình hội thảo đào tạo, tập huấn thuộc Học viện YSEALI trong nỗ lực quy tụ các nhà lãnh đạo trẻ tương lai, các chuyên gia của ASEAN đối với các vấn đề chung của khu vực.

Với TS. Lê Vũ Quân, tinh thần trên giúp ông phát huy thế mạnh chuyên môn học thuật về nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu về kinh tế quốc tế, kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế cũng như khởi nghiệp, quản trị, phát triển bền vững…

GS.TS Lê Vũ Quân tại Hội nghị Khởi nghiệp Toàn cầu năm 2017 ở Hyderabad, Ấn Độ cùng cựu học viên YSEALI Nguyễn Hà Quân

Ông cũng mang theo tinh thần học thuật của mình vào các chương trình học thuật của YSEALI tại Fulbright. TS. Lê Vũ Quân theo đuổi con đường học thuật không tách rời thực tiễn, từ nghiên cứu đến giảng dạy, và tư vấn, ông đều đưa mình vào thực tế để nghiệm thu tri thức. Đó là lý do ông luôn tạo ra những không gian giảng dạy và học tập trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên.

Điều này sẽ vẫn nhất quán trong các hội thảo tập huấn, đào tạo chuyên môn theo chuyên đề của YSEALI. Trong kế hoạch, ông sẽ đưa các học giả đến từ châu Âu, Mỹ, ASEAN, Việt Nam – những chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực tham gia vào các hội thảo đào tạo của Học viện. Khi dịch bệnh Covid-19 đi qua, phần nội dung này sẽ được làm trực tiếp sống động không chỉ diễn ra trong lớp học mà còn ở các tổ chức, doanh nghiệp…

Các học viên đến với chương trình là những người rất tài năng, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Điều này khiến tôi lo lắng làm sao có thể thoả mãn kỳ vọng tạo ra một sân chơi học thuật thực tế, đẳng cấp cho những nhà lãnh đạo trẻ tài năng ASEAN này. Do đó, trong thiết kế đào tạo, bên cạnh kiến thức học thuật hàn lâm, sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực là một phần không thể thiếu để khoá học thêm sinh động và gắn liền với thực tiễn. Quan trọng hơn hết, các học viên có thể thiết lập quan hệ, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật thực tế trực tiếp từ các chuyên gia hàng đầu này.” – TS. Lê Vũ Quân cho biết.

GS.TS Lê Vũ Quân cùng các sinh viên trong một chuyến đi thực địa giao lưu cùng người trồng cà phê tại Nicaragua năm 2018

Trở về nhà Fulbright

TS. Lê Vũ Quân từng thỉnh giảng và làm nghiên cứu tại nhiều trường đại học trên khắp cả nước, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức đa quốc gia tại Việt Nam. Trường Fulbright là một cơ duyên đặc biệt. Năm 2015-2016, ông làm học giả và thỉnh giảng tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), tiền thân của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) ngày nay. Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của Đại học Fulbright Việt Nam lọt vào tầm mắt của TS. Lê Vũ Quân.

GS.TS Lê Vũ Quân giảng dạy tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016

“Tôi nhận thấy xu hướng những người Việt trẻ tài giỏi ở nước ngoài quy tụ tại Đại học Fulbright và ấn tượng về sự trở về của họ” – ông chia sẻ.

Sau 5 năm trở lại Fulbright với dự án Học viện YSEALI, các đồng nghiệp quen thuộc tại FSPPM không ngần ngại hỗ trợ ông khởi sự hành trình mới. TS. Lê Vũ Quân đã tận dụng hệ sinh thái của Đại học Fulbright cho các khoá đào tạo của mình. Hội thảo đào tạo đầu tiên của Học viện sẽ do các giảng viên của FSPPM giảng dạy, cùng các đối tác của Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo tại Đại học Fulbright Việt Nam (CEI), Trường Harvard Kennedy (Đại học Harvard) – đối tác truyền thống của FSPPM, các học giả quốc tế và khu vực, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế năng lượng và chính sách tham gia hỗ trợ.

“Với tôi, đây là trở về nhà” – ông chia sẻ sự quen thuộc văn hoá vận hành đại học kiểu Mỹ ở Fulbright là một thuận lợi cho bản thân. Đến Mỹ sinh sống, học tập từ khi còn thiếu niên rồi bắt đầu sự nghiệp học thuật ở Mỹ, ông mang đậm tư duy và ảnh hưởng văn hoá Mỹ. Bởi vậy môi trường làm việc tại Fulbright là một phép cộng lý tưởng khi cho phép ông dung hoà sự đa dạng của hai nền văn hoá Việt-Mỹ trong con người mình.

GS.TS Lê Vũ Quân trong một chuyến đi thiện nguyện với PeaceTrees Việt Nam tại Quảng Trị năm 2012

Trở về Việt Nam sống và làm việc đã thành một mục tiêu định hình của TS. Lê Vũ Quân. Ông và gia đình đang sinh sống tại thành phố biển Đà Nẵng, một trong những địa phương ông có nhiều gắn bó những ngày đầu mới về nước. Ông từng tư vấn thiết kế chương trình đào tạo tiên tiến ngành kỹ thuật theo mô hình giáo dục khai phóng của Mỹ cho Đại học Đà Nẵng liên kết với Đại Học Washington và Đại Học Seattle. Ông cũng tìm thấy cảm hứng trở về Việt Nam bởi sự thay đổi của giới trẻ, những thế hệ người Việt mới hiện đại, có khát vọng, chính kiến và năng động hội nhập trí thức toàn cầu. Khi giảng dạy tại Mỹ, ông đã gặp nhiều sinh viên đến từ môi trường giáo dục trong nước nhưng vẫn có thể cạnh tranh xuất sắc với các sinh viên quốc tế. TS. Lê Vũ Quân chia sẻ, đồng nghiệp của ông ở Mỹ, những Giáo sư đầu ngành luôn nhắn nhủ: “Nếu có sinh viên Việt Nam, hãy gửi họ cho tôi”.

Những cảm hứng đổi mới giáo dục, những cơ hội trải nghiệm học thuật gắn với thực tiễn ở Việt Nam, sự thay đổi của giới trẻ với tầm nhìn rộng mở đã luôn mở ra những con đường mới nối tiếp.

“Trải nghiệm ở nhiều nơi tôi nhận ra rằng tinh thần học thuật không nên chỉ gói gọn trong bốn bức tường lớp học. Đẳng cấp học thuật không phản ánh ở khuôn viên trường to rộng, sang trọng hay hào nhoáng. Đỉnh cao học thuật chỉ có thể đạt được khi tri thức mang ảnh hưởng ra khỏi không gian lớp học và đi vào thực nghiệm trong xã hội” – ông chia sẻ thêm.

TS. Lê Vũ Quân đang hào hứng với những thử thách mới tại YSEALI Việt Nam. Được làm việc với giới trẻ ASEAN là một trải nghiệm mới tuyệt vời.

Những người có tố chất thành công đặt đâu cũng sẽ thành công. Nhưng nếu sự thành công của họ có phần đóng góp của YSEALI tại Đại học Fulbright Việt Nam thì đó là một điều may mắn và vinh dự của Học viện. Công việc trước mắt của tôi là chọn lọc những hồ sơ ứng tuyển chương trình. Tôi không muốn bỏ sót một người tài giỏi nào. Thành viên YSEALI là những người tài năng và để quy tụ họ, liệu mình có thể mang đến món ăn học thuật nào đủ tầm thoả mãn? Chỉ còn một cách thực dụng: làm khó chính mình, đồng đội và các cộng sự thỉnh giảng của chương trình trong việc xây dựng những chương trình đào tạo thực sự đẳng cấp chất lượng”– ông nhấn mạnh.

Xuân Linh – Bảo Trâm

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer