Năm 1998, sau 3 năm dự án Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) (tiền thân Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright – FSPPM) vận hành, ông Nguyễn Vũ Tú, trưởng nhóm phiên dịch sáng kiến một ý tưởng mở chương trình đào tạo về kiến thức kinh tế và thuật ngữ kinh tế cho các phiên dịch. Trong khoá học năm 1999, có một học viên chỉ học vỏn vẹn 1 tháng nghiệp vụ đã bị “bắt cóc” đưa vào đứng lớp phiên dịch cho các giảng viên Mỹ. Đó là Nguyễn Quý Tâm, người sau này phát triển sự nghiệp tại FETP và trở thành Trưởng Phiên dịch của trường Fulbright.
Những năm thập niên 90, Việt Nam mới bước vào đổi mới kinh tế còn nhiều bỡ ngỡ, chưa hội nhập quốc tế, các học viên của FETP là những cán bộ quản lý, lãnh đạo ở các địa phương hoàn toàn phải cậy nhờ vào các phiên dịch trợ giảng để có thể hiểu các kiến thức do các giáo sư Mỹ truyền tải. FETP lúc bấy giờ là chương trình đào tạo kinh tế duy nhất ở Việt Nam có các giáo sư kinh tế nổi tiếng của các trường đại học Mỹ, đặc biệt từ Harvard đến TP HCM giảng dạy trực tiếp những lý thuyết kinh tế hiện đại. Để hỗ trợ các học viên, các giờ học trên lớp của các giáo sư Mỹ luôn có trợ giảng và cán bộ phiên dịch tiếng Việt.
Đối với phiên dịch cho FETP, những giờ học thực sự “cân não” bởi các kiến thức kinh tế hiện đại của các giáo sư Mỹ quá mới mẻ, không có trong các trường đại học Việt Nam cũng như từ điển tiếng Việt. Rất nhiều khái niệm, kiến thức liên quan đến kinh tế thị trường hiện đại của thế giới được các giáo sư Mỹ mang vào lớp học FETP chưa từng xảy ra trong thực tiễn Việt Nam. Vì lẽ đó, công việc phiên dịch của họ không chỉ chuyển ngữ, mà ngẫu nhiên trở thành việc tạo ra những thuật ngữ kinh tế học hiện đại tiếng Việt.
Trước khi gia nhập FETP, Nguyễn Quý Tâm làm việc cho Tổ chức Save the Children của Anh trong ba năm, chuyên về mảng hỗ trợ người khuyết tật. “Bắt đầu từ đầu” về kiến thức kinh tế nên sau 1 tháng học lớp đào tạo về kiến thức kinh tế và thuật ngữ kinh tế cho các phiên dịch, trưởng nhóm phiên dịch FETP lúc đó là ông Nguyễn Vũ Tú đã “kết nạp” Nguyễn Quý Tâm vào đội ngũ biên phiên dịch hiện có của chương trình, ngay khi khóa FETP 5 khai giảng vào tháng 8 năm 1999. Trong suốt năm học đó, Nguyễn Quý Tâm được bố trí học kiến thức kinh tế như các học viên vào buổi sáng, nhưng buổi chiều ông thay vai trở thành phiên dịch cho các giảng viên Mỹ.
“Khởi đầu thú vị theo cách như vậy khiến tôi say sưa gắn bó, như một học viên học mãi không tốt nghiệp. Để đứng dịch trên lớp, người phiên dịch phải luôn đi trước học viên. Học viên đọc gì thì mình đọc đó và phải đọc trước, muốn hiểu khái niệm kinh tế phải đọc nhiều và tích luỹ, chỗ nào không hiểu lập tức hỏi các thầy cô trong trường. Nhờ làm cầu nối trung gian về ngôn ngữ, tôi đã học được vô vàn kiến thức về kinh tế hiện đại mới mẻ. Thông qua các Giáo sư, tôi có nguồn lực kết nối với các học viên và ngược lại, các học viên mang đến thực tiễn Việt Nam sống động để soi chiếu kiến thức” – Nguyễn Quý Tâm chia sẻ.
Trải qua nhiều khoá đào tạo, Nguyễn Quý Tâm trở thành một thành viên nòng cốt thường trực của nhóm phiên dịch ở FETP gồm các anh chị Nguyễn Vũ Tú, Lửa Hạ, Thạch Quân, Kim Chi, Hiếu Hạnh, Xinh Xinh, Nguyễn Xuân Thành, Hoàng Phương…. Nhóm luân phiên thay nhau dịch các tài liệu học thuật về kinh tế, các bài giảng của các giảng viên và đứng lớp phiên dịch, trợ giảng cho các giáo sư của Harvard. Sau này, Nguyễn Xuân Thành và Nguyễn Quý Tâm gắn bó với trường lâu nhất và phát triển sự nghiệp tại Fulbright. Nguyễn Xuân Thành chia tay công việc của một công chức UBND TP HCM để đi theo con đường học thuật, tiếp tục tu nghiệp tại Anh và Mỹ để trở thành giảng viên cao cấp của trường Fulbright và hiện là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, Nguyễn Quý Tâm dành trọn sự nghiệp cho công việc phiên dịch một cách chuyên nghiệp.
Tại FSPPM, kể từ năm 2008, ông nắm giữ vai trò phiên dịch chính cho hầu hết (6/7 kỳ) Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP) của Trường Harvard Kennedy và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) trước đây và sau này là Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) đồng tổ chức tại Đại học Harvard. Đây là một diễn đàn đối thoại và phản biện chính sách cấp cao có ảnh hưởng bậc nhất ở Việt Nam với sự tham gia của các thành viên cao cấp Chính phủ Việt Nam từ cấp Thứ trưởng và dẫn đầu đối thoại bởi một Phó Thủ tướng hoặc Ủy viên Bộ Chính trị.
Bên cạnh các công việc tại Fulbright, những năm thập niên 2000, giai đoạn Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, Nguyễn Quý Tâm trở thành một trong những phiên dịch kinh tế kỳ cựu. Ông từng được Bộ Ngoại giao tín nhiệm mời tham gia phiên dịch cho các hoạt động đối ngoại lớn như Hội nghị Thượng đỉnh G20 hai lần diễn ra trong năm 2010 tại Toronto, Canada và Seoul, Hàn Quốc. Hay sự kiện kinh tế đình đám Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á 2010 (WEF Đông Á), một trong bốn Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực quan trọng của WEF do Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP HCM.
Glossary và di sản từ vựng kinh tế của FETP
Khi bắt đầu chương trình FETP, một trong những thách thức lớn của nhóm phiên dịch Fulbright đó là có nhiều thuật ngữ kinh tế hiện đại của thế giới chưa từng có trong từ điển tiếng Việt. Trong các lớp học ở FETP, Nguyễn Quý Tâm cho biết có những giờ học phân nửa thời gian là những cuộc tranh cãi nảy lửa về từ tiếng Việt mô tả nội hàm những khái niệm, thuật ngữ về tài chính quốc tế. Thông thường những tranh luận như vậy sẽ được ghi lại để thảo luận trong cuộc họp hội ý của nhóm phiên dịch vào thứ Sáu hàng tuần. Nhóm sẽ thảo luận để thống nhất chuẩn hoá các từ vựng kinh tế tiếng Việt dựa trên các phản hồi của người dùng và đưa vào tài liệu giảng dạy của trường. Những năm thập niên giữa 2000, FETP sở hữu khối lượng từ vựng kinh tế, tài chính đồ sộ, hoà vào trào lưu kiến thức kinh tế thị trường được dịch phổ biến tham khảo ở Việt Nam.
Chia sẻ điều này, giảng viên Nguyễn Xuân Thành cho hay, cũng có nhiều thuật ngữ nhóm phiên dịch của Fubright phải tham khảo trải nghiệm của người dùng bên ngoài xã hội, từ các dịch giả, các sách dịch kinh tế khác. Có những từ của trường diễn giải kỹ thuật hơn, phù hợp với giới chuyên môn nhưng cũng có nhiều từ của các dịch giả khác được người dùng số đông cảm nhận dễ hiểu và gọi tên thành thói quen.
“Ngược lại, có những thuật ngữ dùng ở FETP được đa số người dùng số đông, kể cả giới khoa học, dịch giả chấp thuận vì dễ hiểu, theo đó đã trở nên rất phổ biến trong các từ điển kinh tế. Ngôn ngữ cuối cùng là được đa số người dùng chấp thuận. Chúng tôi đặt ra tiêu chí mọi từ vựng chuyển ngữ phải đảm bảo ba yếu tố: chuẩn ngữ pháp tiếng Việt, ngắn gọn và truyền tải ý nghĩa của thuật ngữ kinh tế.” – theo giảng viên Nguyễn Xuân Thành.
Sau đó, những tài liệu kinh tế dịch cho các bài giảng tại FETP được truyền bá sử dụng trong các chương trình giảng dạy kinh tế khác và trở nên phổ biến. Nhận ra những tác động ở bên ngoài, đến đầu năm 2000 khi mạng internet bắt đầu phủ sóng ở Việt Nam, FETP đã xây dựng một từ điển tra cứu trực tuyến (Glossary) trên trang web của mình, tổng hợp các thuật ngữ kinh tế do nhóm phiên dịch của trường soạn dịch. Glossary của FETP đã trở thành một nguồn học liệu mở tham khảo phổ biến với những người học kinh tế và đến nay vẫn là bộ công cụ tra cứu thuật ngữ kinh tế kinh điển của trường Fulbright.
Lúc này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn “bắt sóng” nhu cầu đọc mới của độc giả đã đặt hàng Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đứng mục “Học tiếng Anh và Thường thức Quản trị”. Trong suốt hai năm 2002-2004, Nguyễn Quý Tâm đã làm biên tập, tổ chức nội dung, và cả viết bài cho mục này với 98 bài viết song ngữ, phổ biến các kiến thức kinh tế hiện đại. Mỗi bài với độ dài 300 chữ giới thiệu một kiến thức về kinh tế được diễn giải bằng Tiếng Anh và tiếng Việt không mang tính chất giới thiệu kiến thức học thuật mà thể hiện theo hình thức diễn đạt báo chí rất đơn giản, dễ hiểu. Các loạt bài này do các giảng viên ở Fulbright viết, sau đó Nguyễn Quý Tâm dịch và Ben Wilkinson, đại diện Chương trình Việt Nam học của Đại học Harvard tại FETP hiệu đính. Nội dung chuyên mục này quá hữu ích đến mức Saigon Times tập hợp lại và in thành cuốn sách “Các khái niệm cơ bản về kinh tế” song ngữ Việt-Anh do Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Cuốn sách được lưu trữ trong Tủ sách kiến thức của SaigonTimes đồng thời lưu trữ tham khảo tại Thư viện của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.
Chia sẻ “bí quyết” phổ cập đại chúng các kiến thức kinh tế hiện đại của trường Fulbright, ông Nguyễn Quý Tâm cho hay, có một câu truyền miệng huyền thoại mà các giảng viên hay nhắc nhở học viên, đó là luôn diễn đạt kiến thức theo chuẩn “ngôn ngữ bà ngoại”, hàm ý sự diễn đạt đơn giản mà dễ hiểu nhất với bí kíp kiểm chứng “nói gì mà bà ngoại hiểu là chuẩn”. Ở trên lớp, ông áp dụng triệt để tinh thần “ngôn ngữ bà ngoại” để giúp các học viên nắm bắt tinh thần các bài giảng kinh tế đơn giản, dễ hiểu.
“Gà mẹ” yêu thương
Đứng lớp ở Fulbright suốt 22 năm, Nguyễn Quý Tâm có một sự kết nối đặc biệt với học viên nhiều thế hệ của trường. Thời kỳ học tập trung ở trong khuôn viên đào tạo khiêm tốn của Viện Kinh tế TP HCM (hẻm 232/6 Võ Thị Sáu, Quận 3) là giai đoạn có nhiều kỷ niệm thân thương. Đó những buổi học, làm bài cùng nhau bên những chiếc máy tính đời 386 chậm hơn rùa, nhập dữ liệu từ đĩa mềm mà một bữa ăn kèm giấc ngủ trưa chờ đợi vẫn chưa chạy tải hết. Đó là những giờ học tranh luận nảy nửa trên lớp rồi tiếp tục tranh luận ra đến quán bia hơi sau giờ học, hay những buổi chiều chơi thể thao để giải toả căng thẳng học hành trên lớp, những lúc học nhóm miệt mài dưới gốc cây me…. Ông chia sẻ kỷ niệm của mình:
“Có một dạo cây me trong khuôn viên Võ Thị Sáu trổ lá xum xuê, trường thuê một công ty cây xanh đến cắt tỉa. Họ cắt bạo tay khiến cây trụi hết lá, chỉ còn trơ thân. Một học viên trong trường thấy vậy nhìn cây khóc tu tu. Với những người gắn bó với trường, cây me là linh hồn, không chỉ che mát sân trường mà còn ghi dấu bao kỷ niệm của học viên. Tôi nhìn vậy mà lòng bồi hồi”.
Ngoài tình thầy trò, nhiều học viên trở thành bạn bè, giữ liên lạc và hợp tác với giảng viên trong công việc, cuộc sống sau khi ra trường. Năm 2019, lớp FETP khoá 5, lớp học đầu tiên mà ông Quý Tâm được phân công học để bổ túc kiến thức kinh tế, kỷ niệm 20 năm ngày tốt nghiệp. Nhiều người thành công trong cuộc sống, trở thành những cán bộ quản lý, lãnh đạo ở địa phương, trong đó lớp trưởng của FETP 5 là Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai. Thay mặt lớp, ông Nguyễn Ngọc Hai đã mời các giảng viên của trường cùng hầu hết các học viên cũ của FETP 5 hội tụ về Bình Thuận để kỷ niệm dấu mốc này.
“Đó là một buổi đoàn tụ vui không tả xiết. Sau 20 năm gặp lại, chúng tôi vẫn thấy tình cảm gắn kết không thay đổi như những ngày học tập cùng nhau ở FETP” – ông Tâm cho hay.
Còn trong mắt các cựu học viên, thầy Quý Tâm là một phần kỷ niệm của quãng thời gian theo học tại Fulbright. Cựu học viên lớp LM2020 Nguyễn Thị Ngọc Diệp kể:
“Mình có cơ hội gần gũi nhiều với thầy Quý Tâm trong đợt tham quan, giao lưu với Đại học Quốc gia Chi Nan, Đài Loan, tháng 3/2019. Trong 5 ngày làm việc, tham quan, thầy như “Gà mẹ” luôn để mắt che chở cho mình và em Ngân là thành viên nữ trong team Fulbright. Đến tháng 8/2019 khi trường tổ chức khoá học trao đổi tại Harvard, đoàn đông hơn, thầy Quý Tâm phụ trách hướng dẫn các bạn nam có nhu cầu… mua sắm khẩn cấp (đồ vest). Cứ sau mỗi buổi ngồi cabin phiên dịch, bước ra thầy đến hỏi ngay tụi mình có nghe kịp, có góp ý với team phiên dịch không.”
Anh Nguyễn Khiêm, lớp LM2021 chia sẻ một kỷ niệm trong buổi họp mặt của hội cựu học viên Fulbright (FSA) ở Huế vừa qua:
“Lúc ở Huế, trong không gian yên tĩnh của xứ kinh thành cổ kính, thầy trò ngồi cùng nhau trò chuyện kỷ niệm về lý do vì sao lại vào Fulbright. Mỗi người đều có một câu chuyện, hoàn cảnh rất khác nhau nhưng trên hết họ đều có một điểm chung là được dành thời gian đi học dưới mái trường Fulbright với các thầy cô. Nó như một cơ hội một may mắn trong cuộc đời. Có anh quê ở Huế kể trong lúc đang học, vợ ở quê sinh con nhỏ nhưng cũng cố gắng hoàn thành việc học để trở về thăm gia đình và không bao giờ bỏ cuộc đi học nhờ sự quan tâm của các thầy cô.”
Di sản tình cảm của thế hệ các cựu học viên đan kết, sự gắn bó bền chặt với Fulbright là lý do khiến ông Nguyễn Quý Tâm ấp ủ thành lập mạng lưới kết nối cựu học viên các thế hệ của trường Fulbright. Kể từ năm 1995 cho đến nay, đã có 1.500 học viên đến từ 62 trong số 63 tỉnh, thành cả nước tốt nghiệp từ hơn 25 khoá đào tạo của FETP xưa và FSPPM ngày nay. Sau khi theo học Thạc sĩ Hành chính Công ở trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, trở về nước, năm 2017, ông Nguyễn Quý Tâm đã kết nối cộng đồng cựu học viên các khoá để thành lập Hội cựu học viên Fulbright (FSA).
“FSA là một mạng lưới gắn kết bền chặt và là tài sản quý báu của trường Fulbright. Những thành công của trường không có được nếu không có sự hỗ trợ sát cánh của các cựu học viên trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và quan trọng nhất luôn giữ vững một tinh thần kế thừa và đóng góp cho sự phát triển của trường qua nhiều cách thức khác nhau” – ông Nguyễn Quý Tâm chia sẻ.
Anh Nguyễn Phương Lam, giám đốc VCCI Cần Thơ, cựu học viên FETP 9/MPP 4, Chủ tịch FSA chia sẻ: Cựu học viên là một giá trị rất lớn của trường Fulbright trong cuộc sống và công việc của mỗi người. Bởi những người từng được đào tạo tại trường đều có trí tuệ, năng lực, đảm nhiệm các vị trí quản lý hay lãnh đạo doanh nghiệp.
“Đó là một tập thể tin cậy. Bất kỳ ai đi qua địa phương nơi tôi làm việc, nhấc điện thoại xưng “Fulbrighter” thì được hẹn gặp ngay mà không chút ngần ngại. Các công việc liên quan đều sẵn sàng chia sẻ khi cần…Hơn nữa, các cựu học viên Fulbright đều có tinh thần và trách nhiệm rất cao đối với cộng đồng. Các chương trình thiện nguyên, hoạt động xã hội, hỗ trợ nhau giữa các thế hệ đều được sự ủng hộ nhiệt tình. Gần đây nhất là chương trình đóng góp Quỹ Vaccine quốc gia, rồi ủng hộ đóng góp chương trình Siêu thị mini 0 đồng của trường, hay kế hoạch hình thành Quỹ FSA để ủng hộ cho các chương trình đào tạo thế hệ kế tiếp ở Fulbright… đang được tham gia mạnh mẽ. Tôi chưa thấy tinh thần này ở bất kỳ nơi nào ở Việt Nam.”
Từng theo học một chương trình Thạc sĩ khác, có những cộng đồng bạn học khác nhau, nhưng cựu học viên Nguyễn Thị Ngọc Diệp cảm nhận sự duy trì, gắn kết của cộng đồng cựu học viên FSPPM đặc biệt nhất.
“Tôi luôn cảm thấy quyến luyến sau mỗi cuộc gặp với bạn bè học ở Fulbright, để rồi thôi thúc phải sống tốt hơn, xứng đáng với nỗ lực vun đắp của những người gây dựng ngôi trường…. Trong đó có sự tâm huyết của người phụ trách mạng lưới cựu học viên, mà thầy Quý Tâm là người chủ chốt, không mệt mỏi kết nối các thế hệ cựu học viên đến gần nhau.”
22 năm làm việc tại Fulbright, đến nay ông Nguyễn Quý Tâm vẫn luôn có cảm giác hồi hộp mỗi khi lên lớp và vẫn bồi hồi vào một thời khắc cố định trong năm. Đó là khi có mỗi khoá tốt nghiệp ra trường vào mùa Hè. Khi văn phòng nhà trường vẫn mở làm việc thì những cánh cửa lớp học tạm khép lại. Những học viên sau một năm học tập miệt mài tốt nghiệp trở về địa phương công tác, họ để lại khoảng trống và sự thương nhớ của những người ngày ngày lên lớp truyền thụ kiến thức.
Xuân Linh