Dù hiện là Giáo sư tại một trong những khoa giảng dạy và nghiên cứu Khoa học Máy tính hàng đầu nước Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Nhựt Tiến vẫn luôn hướng về Việt Nam. Ông mang trong mình ước vọng nâng tầm ngành công nghệ nước nhà thông qua những thành tựu nghiên cứu khoa học được thế giới công nhận, dựa trên nền tảng văn hóa học thuật tràn trề nhiệt huyết và tinh thần tiến tới mà Giáo sư mong muốn lan tỏa sâu rộng tại Việt Nam. Gia nhập Đại học Fulbright Việt Nam trên cương vị Quyền Trưởng khoa Khoa học Máy tính chính là con đường mới mà Giáo sư đã lựa chọn để hiện thực hóa tầm nhìn của mình.
Cơ duyên của GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến với Fulbright bắt nguồn từ tháng Ba năm 2020. Khi ấy, ông Thomas J. Vallely, Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, và ông Ben Wilkinson, Giám đốc Điều hành Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam, đã có cuộc hội diện với ban lãnh đạo trường Đại học Texas tại Dallas (Mỹ), nơi Giáo sư đang nghiên cứu và giảng dạy, nhằm trao đổi về cơ hội hợp tác giáo dục giữa hai trường.
Một buổi ăn tối thân mật đã diễn ra sau cuộc họp mặt hôm ấy. Vậy nhưng, chừng ấy thời gian vẫn là chưa đủ để hai bên có thể chia sẻ hết với nhau những tâm huyết, dự định ấp ủ về giáo dục Việt Nam. “Ông Thomas đã hẹn tôi ăn sáng vào 7 giờ sáng hôm sau để tiếp tục cuộc trò chuyện, ngay trước khi ông đáp chuyến bay về lại Trường Harvard Kennedy.” Giáo sư cười bảo. Khi lắng nghe những chia sẻ từ ông Thomas J. Vallely về tầm nhìn vươn xa của một trường đại học giáo dục khai phóng, hoạt động độc lập, không vì lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam mang tên Fulbright, ông đã hoàn toàn bị thuyết phục. “Sự nhiệt tình hiếm có của ông Thomas càng thôi thúc trong tôi mong muốn đóng góp và xây dựng khoa Khoa học Máy tính của Fulbright, để chương trình từng bước chinh phục vị thế đầu ngành tại Việt Nam, và rộng hơn nữa là châu Á và thế giới trong tương lai.”
Nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ Phần mềm
GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến đã dành gần 30 năm sinh sống, học tập và nghiên cứu sau đại học ở Nhật, Thụy Sĩ, và Mỹ trước khi đảm nhận vai trò Quyền Trưởng khoa Khoa học Máy tính tại Đại học Fulbright. Kể về những tháng ngày mới bước chân vào giảng đường đại học, Giáo sư cho hay, mặc dù thi đậu vào cả Đại học Bách Khoa TP. HCM và Đại học Ngoại Thương với điểm số cao, nhưng ông đã chọn Bách Khoa vì năng khiếu vốn có về toán và các môn khoa học tự nhiên ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Sau khi tốt nghiệp với Huy chương Vàng Thủ khoa khóa 1990-1995 (và cũng là khóa đầu tiên) của khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính trường Đại học Bách khoa TP. HCM, ông đã sang Nhật một năm để tham gia chương trình trao đổi sinh viên. Khi trở về nước, lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam với những bước đi sơ khai đã thôi thúc ông tìm kiếm cơ hội trau dồi và nâng cao chuyên môn của bản thân ở các nước phát triển. Với học bổng từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Lausanne, ông đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ Khoa học, và sau đó chinh phục thành công bằng Tiến sĩ Khoa học và Kỹ thuật Máy tính tại Đại học Wisconsin (Mỹ). Ông cũng đã dành ra 11 năm công tác tại Đại học Iowa State ở vị trí Giáo sư Trợ lý và Phó Giáo sư ở khoa Khoa học Máy tính và khoa Kỹ thuật Điện và Máy tính.
Năm 2016, ông gia nhập Đại học Texas tại Dallas và vào tháng 4/2020, chính thức trở thành Giáo sư khoa Khoa học Máy tính của trường. Trên bảng xếp hạng CSRankings các khoa Khoa học Máy tính tại Mỹ và thế giới, dựa trên tiêu chí số lượng công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí và hội thảo uy tín nhất trong ngành, Đại học Texas tại Dallas thường xuyên nằm trong danh sách 50 trường dẫn đầu nước Mỹ tính từ năm 2008 đến 2020. Ở riêng lĩnh vực Công nghệ Phần mềm mà ông tập trung nghiên cứu, trường hiện đang đứng thứ 8 toàn ngành. Và nổi bật hơn hết, GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến hiện đang xếp thứ ba ở Mỹ khi xét riêng về số lượng những công trình nghiên cứu mà ông đã và đang đóng góp cho ngành Công nghệ Phần mềm trong vòng 10 năm qua. Nhờ đem lại những tác động tích cực cho ngành công nghệ phần mềm và các nhà nghiên cứu khác trong cùng lĩnh vực, từ năm 2005, các nghiên cứu của ông đã nhận được tài trợ từ các cơ quan liên bang Mỹ (Quỹ Khoa học Quốc gia, Cơ quan An ninh Quốc gia ) và tập đoàn công nghệ lớn (Microsoft, IBM, ABB, Amazon) với tổng giá trị lên đến 4,5 triệu USD.
Ở ba cường quốc của ba châu lục khác nhau, GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến lĩnh hội không chỉ nền giáo dục ưu việt của mỗi quốc gia, mà còn thấm nhuần và trân trọng tinh thần văn hóa xứ bạn. “Cái nôi của tôi vẫn là người Việt, vì đơn giản đó là nơi mình sinh ra và lớn lên, cũng là nơi mình thụ hưởng 12 năm giáo dục phổ thông và cả bậc đại học,” Giáo sư chia sẻ. “Nhưng với thời gian sống, học tập và làm việc lâu dài tại các nước, tôi nhận thấy nhiều điểm hay và thú vị mà ta có thể kết hợp với văn hóa Việt Nam nhằm nâng cao hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong nước.”
Nếu như sinh viên châu Á vẫn còn tâm lý ngại ngùng, tránh mâu thuẫn, xung đột với thầy cô trong các cuộc đàm luận học thuật, Giáo sư lại luôn khuyến khích sinh viên mạnh dạn nói ra suy nghĩ và tranh luận với người đứng lớp. “Tôi xem vai trò người thầy của mình cũng chỉ là một người đi trước. Cái sinh viên cần là một người cố vấn, là người có khả năng truyền cảm hứng và gợi mở hướng đi riêng cho họ,” ông nói. “Thay vì buộc sinh viên phải răm rắp học theo nội dung soạn sẵn, tôi lại muốn giải thích cho các em tại sao mình phải học những điều đó. Câu hỏi ‘tại sao’ luôn cần đi trước ‘cái gì’ và ‘như thế nào’.”
Tinh thần chất vấn tận cùng gốc rễ vấn đề cũng chính là nền móng cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến. Trong gần 20 năm qua, ông đã dẫn dắt thành công 14 nghiên cứu sinh người Việt tại Mỹ, cùng với đó là 4 giải thưởng Công trình Nghiên cứu Nổi bật (ACM SIGSOFT Distinguished Paper Award) mà ông cùng các cộng sự kể trên đã đạt được cho 4 bài báo tham dự Hội thảo Quốc tế về Công nghệ Phần mềm vào các năm 2009, 2012, 2014 và 2016. Đồng thời, ông cũng là Chủ nhiệm và thành viên hội đồng khoa học của các hội thảo quốc tế hàng đầu trong ngành công nghệ phần mềm từ năm 2005 đến nay. Hiện tại, GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến đang là thành viên Ban Lãnh đạo Hội thảo quốc tế ASE thuộc top 3 thế giới về công nghệ phần mềm tự động.
“Tất nhiên, ý tưởng mới không đến với ta mỗi ngày. Nhưng nếu ta không suy nghĩ hàng ngày về nhiều ý tưởng, không quan trọng dù đúng hay sai, thì ý tưởng mới sẽ không bao giờ có cơ hội xuất hiện,” Giáo sư chia sẻ về bí quyết làm nên một công trình nghiên cứu có giá trị. “Tôi rất thích mỗi khi sinh viên tranh luận với mình, cũng có lúc tôi thua họ đấy, nhưng chính điều đó lại tạo nên một môi trường cởi mở, tốt cho giáo dục và các phát kiến học thuật, nơi mọi người có thể thoải mái trao đổi để cùng nhau tìm ra một hướng đi mới cho vấn đề trước mắt.”
Ngành Khoa học Máy tính tại Fulbright: Nhạy bén với nhu cầu thị trường, cấp tiến trong nghiên cứu khoa học
Ngành công nghiệp phần mềm trong nước đã có nhiều bứt phá tăng trưởng trong 10 năm trở lại đây, cộng với đó là chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 càng tạo chất xúc tác cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam. Thế nhưng, thị trường lao động vẫn liên tục đối mặt với áp lực thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cùng các ngành nghề mấu chốt như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, lập trình, hay an toàn thông tin.
Mức độ đầu tư tài chính cho thực hành khoa học là điều mà các trường đại học trong nước đang ngày một chú trọng. Trí tuệ và tài năng của sinh viên Việt Nam là nhân tố không cần bàn cãi, thậm chí theo quan sát và kinh nghiệm của GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến, lòng hiếu học của sinh viên Việt Nam là điều “không sinh viên nào trên thế giới có thể hơn được.” Nhưng để công tác giảng dạy và đào tạo ngành Khoa học Máy tính tại một trường đại học có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày một cao không chỉ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mà còn từ cộng đồng nghiên cứu quốc tế, theo ông, cần sự định hướng vững chắc về nền tảng.
Chỉ tính riêng vai trò của nghiên cứu khoa học trong Công nghệ Phần mềm, những thành quả có được từ quá trình phân tích chuyên sâu của giới học thuật đã và đang giúp các kỹ sư, các lập trình viên có thể bảo trì, hay thiết kế nên những phần mềm chất lượng, an toàn, đáng tin cậy, và mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho người dùng. Đó là minh chứng rõ nhất cho mối liên kết mật thiết khi khoảng cách giữa lý thuyết học thuật và ứng dụng thực tiễn được thu hẹp, và cũng là điều mà GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến muốn hướng đến tại Fulbright: Làm sao để việc dạy và học luôn gắn liền với đời sống, làm sao để một mai sinh viên có thể tự tay tạo dựng nên những giá trị cống hiến cho cộng đồng và xã hội.
“Mục tiêu chính của ngành Khoa học Máy tính vốn đã thể hiện được tính ứng dụng của nó trong thực tế,” GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến khẳng định. “Tôi thường nói với sinh viên nghiên cứu là hãy đặt mình vào vai trò của một nhà khoa học, phải khám phá những gì chưa ai biết, thúc đẩy sự của phát triển của toàn ngành. Có thể nay mình không chế tạo được một chiếc xe hơi chạy nhanh nhất thế giới, nhưng những đóng góp khoa học của chúng ta lại có thể giúp những người khác vận dụng vào động cơ để chiếc xe ngày một nhanh hơn.”
Mùa Xuân năm 2020, Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Texas tại Dallas đã chính thức thiết lập mối quan hệ hợp tác. Diễn biến khó lường của đại dịch toàn cầu đã làm chậm tiến độ triển khai những dự định ấp ủ của hai bên. Vì vậy, việc GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến chính thức đảm nhiệm vị trí Quyền Trưởng khoa Khoa học Máy tính tại Fulbright vào tháng Một năm 2022 có thể xem là sự tái khởi động hoàn hảo để hai trường chuẩn bị cho những hoạt động tương lai trong trạng thái “bình thường mới”. Nếu điều kiện cho phép, GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến hy vọng sẽ phân bổ thời gian ở cả Việt Nam và Mỹ vào mùa Xuân năm sau. Tuy vẫn gắn bó với công việc nghiên cứu của mình tại Mỹ, nhưng ngay từ bây giờ, ông đã triển khai những bước đi đầu tiên trong kế hoạch củng cố và xây dựng chương trình Khoa học Máy tính của Đại học Fulbright: “Dẫu không phải một sớm một chiều để đạt được những hoài bão đề ra, nhưng việc đặt những viên đá đầu tiên sẽ rất là quan trọng.”
Nhằm hỗ trợ cho nỗ lực khoa học và các lĩnh vực nghiên cứu trong ngành, GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến mong muốn đẩy mạnh các dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế giữa Fulbright và Đại học Texas tại Dallas, tạo điều kiện để giảng viên trong nước có cơ hội cọ xát và tiếp cận với những chủ đề đang được cộng đồng khoa học thế giới lưu tâm. “Điều tôi tự hào nhất ở mọi thành quả đạt được chính là trí tuệ tập thể, tức ‘collective intelligence’, ở nhóm nghiên cứu của mình. Tinh thần hợp tác, thích làm việc trong một cộng đồng, một nhóm, là thế mạnh cũng như là yếu tố dẫn đến sáng tạo và thành công của sinh viên Việt Nam.” Chính vì vậy, ông đã thành lập tổ chức Mạng lưới Nghiên cứu Công nghệ Phần mềm Việt Nam (Vietnamese Software Engineering Research Network), nhằm kết nối các giáo sư, nhà nghiên cứu và giảng viên người Việt trong ngành phần mềm trên thế giới với nhau, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo cũng như giới thiệu sinh viên Việt Nam đến các chương trình nghiên cứu ở nước ngoài, giúp các bạn dễ dàng có điều kiện phát triển chuyên môn của mình.
Bàn về định hướng dạy Khoa học Máy tính cho sinh viên Việt Nam tại Fulbright, GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến quan niệm: “Thay vì có những truyền thống dạy quá rộng và mông lung, thì cũng có kiểu dạy quá hẹp và chạy theo xu thế. Điều tôi muốn hướng đến là mô hình chữ T lật ngược, tức trước khi bạn muốn nhảy cao hay chạy điền kinh với các lĩnh vực chuyên sâu như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, v.v. thì ta cần học cách đi vững với các môn học nền tảng. Cả hai thứ phải song hành và bổ trợ cho nhau, để sinh viên có khả năng thích ứng linh hoạt cũng như tự tin theo đuổi con đường riêng khi ra trường.”
Tuy nhiên, đối với ông, Khoa học Máy tính không chỉ đơn thuần trang bị cho sinh viên kiến thức về mặt kỹ thuật. Với những con người sẽ trở thành nguồn lực đóng góp cho xã hội sau này, trách nhiệm của người thầy còn nằm ở phần giáo dục cho sinh viên về đạo đức nghề trong công nghệ thông tin, vốn là ngành có tốc độ phát triển thần tốc với sức ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi đến mọi mặt của đời sống. “Tôi muốn đặt ra câu hỏi cho sinh viên, rằng khi một người dùng phần mềm không đúng ý định đặt ra của sản phẩm, mà còn gây tổn hại đến những người khác, thì người thiết kế phần mềm sẽ chịu trách nhiệm bao nhiêu?” ông nói. Môn học Đạo đức sẽ không chỉ tạo cơ hội để sinh viên hình thành góc nhìn về những mặt xấu còn tồn đọng của công nghệ, mà còn đóng vai trò là một trong những tiêu chí quan trọng để đưa chương trình Khoa học Máy tính của Fulbright đạt chứng nhận kiểm định ABET của Tổ chức Kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ tại Mỹ (Accreditation Board for Engineering and Technology), điều mà GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến ấp ủ cho đứa con tinh thần mới của mình.
GS. TS. Nguyễn Nhựt Tiến cũng lưu tâm đến vấn đề đa dạng giới trong môi trường nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam. Ông luôn xem trọng yếu tố con người, và cho rằng việc khuyến khích tuyển các giảng viên nữ có trí lực và tài năng cho khoa Khoa học Công nghệ sẽ là tạo nguồn cảm hứng lớn, là tấm gương sáng để các sinh viên nữ có thêm động lực vững tin theo đuổi đam mê của mình. “Quan trọng hơn hết vẫn là những định kiến mà cả xã hội cần vượt qua. Ngay từ bậc giáo dục phổ thông, các thầy cô nên nói với các em rằng bạn nữ thích học toán, khoa học hay công nghệ là chuyện bình thường. Và thực ra, rất nhiều cơ hội đang đón chờ các em trên con đường này,” ông cho biết. “Tôi kỳ vọng khoa Công nghệ Máy tính của Đại học Fulbright sẽ là nơi mọi sinh viên, dù nam hay nữ, đều có thể phát huy hết tiềm năng của mình và nhận được sự khuyến khích, hỗ trợ hết mình từ các giảng viên giàu tài năng và nhiệt huyết, luôn tận tâm cống hiến cho sự nghiệp bồi dưỡng nhân tài và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.”
Bảo Quyên