Trong cuốn sách mới của Tiến sĩ Pamela Nguyễn Corey, Giảng viên chuyên ngành Truyền thông và Nghệ thuật tại Đại học Fulbright, những bước phát triển nghệ thuật ở TP. HCM và Phnôm Pênh trong hai thập kỷ qua được cô khảo cứu và phân tích thông qua những quan sát, tham chiếu và nghiên cứu về cảnh quan đô thị ở hai thành phố này.
Từ thời sinh viên khi cô theo học chuyên ngành Sáng tác Nghệ thuật tại trường Đại học California, Irvine (Mỹ), hay nhận bằng Tiến sĩ về Lịch sử Nghệ thuật và Nghiên cứu Thị giác tại Đại học Cornell năm 2015, Đông Nam Á đã trở thành lĩnh vực chính yếu trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy nghệ thuật của Pamela Nguyễn Corey. Cô chia sẻ: “Hành trình chu du Đông Nam Á của tôi bắt đầu sau khi tốt nghiệp Cử nhân. Ban đầu, tôi chỉ là một du khách đơn thuần, nhưng trong giai đoạn theo học Thạc sĩ, tôi đã dành ra một mùa hè tại Campuchia để cộng tác thực hiện một dự án về nhiếp ảnh thuộc chương trình nghiên cứu ngắn hạn do nhà dân tộc học Judy Ledgerwood dẫn dắt. Trong quá trình tu nghiệp Tiến sĩ tại Cornell, tôi đã tìm ra đam mê của mình với các học thuyết về cảnh quan, không gian, và đô thị học. Đồng thời, tôi cũng có cơ hội khám phá và tìm hiểu về những tác phẩm nghệ thuật do các nghệ sĩ Việt Nam và Campuchia sáng tác mà trong đó, phản chiếu bản chất của không gian đô thị tại các thành phố đang trên đà hội nhập toàn cầu.”
Trước khi gia nhập Đại học Fulbright Việt Nam trên cương vị Giảng viên Nghệ thuật, Pamela từng là Giáo sư Trợ lý ngành Lịch sử Nghệ thuật và Khảo cổ học tại Đại học SOAS, London (Anh). Cô đã có nhiều bài viết đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế như Oxford Art Journal, Journal of Vietnamese Studies, Art Journal, Journal of Modern Craft, hay Udaya, Journal of Khmer Studies. Một vài tiểu luận hay công trình nghiên cứu nổi bật trong số đó phải kể đến “Đổi Mới and the Globalization of Vietnamese Art” (đồng tác giả với Hiệu trưởng lâm thời Đại học Fulbright Nora Taylor), “Beyond yet Toward Representation: Diasporic Artists and Craft as Conceptualism in Contemporary Southeast Asia”, và “The ‘First’ Cambodian Contemporary Art”.
Phát hành vào tháng 10-2021, cuốn sách mới của Pamela Nguyễn Corey, “The City in Time: Contemporary Art and Urban Form in Vietnam and Cambodia” (tạm dịch: “Đô thị Đương đại: Nghệ thuật đương đại và hình thái đô thị ở Việt Nam và Campuchia”) là thành quả sau gần 10 năm nghiên cứu của cô dưới sự tài trợ của quỹ Millard Meiss Publication Fund thuộc hiệp hội College Art Association.
Theo lời giới thiệu từ nhà xuất bản University of Washington Press, cuốn sách cung cấp “những góc nhìn mới để bạn đọc thông hiểu hơn về các phương thức thực hành nghệ thuật đương đại ở [Đông Nam Á], một khu vực mà cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi quan niệm ‘hậu chiến’ trong những nhận định quốc tế. Với trọng tâm là những khởi phát nghệ thuật thành hình trong hai thập kỷ qua, Pamela Corey đã liên hệ những dấu ấn phát triển của nghệ thuật khu vực với những chuyển biến về mặt xã hội nơi đây, mà theo cô, được phản chiếu rõ nét qua cảnh quan đô thị tại TP. HCM và Phnôm Pênh.”
“Cô luận bàn: mối lưu tâm của các nghệ sĩ dành cho không gian và hình thái đô thị trong quá trình sáng tác và các tác phẩm của họ là sự biểu lộ, hay gợi mở, những cách thức mà ta có thể nắm bắt những ý niệm và cảm quan đa tầng lẫn đa chiều về khái niệm thời gian, dù cho chúng gắn liền với chủ nghĩa thực dân, hiện đại hậu thuộc địa, chủ nghĩa cộng sản, hay hậu chủ nghĩa xã hội. Cuốn sách ‘The City in Time’ khảo cứu và phân tích quá trình ký ức và khát vọng tập thể được thể hiện và trở thành một phần không thể tách rời trong không gian và cảnh quan đô thị. Từ đó, TP. HCM và Phnôm Pênh đóng vai trò quan trọng như những nhân tố góp phần định hình phương thức thực hành của các nghệ sĩ, và đồng thời, các tác phẩm của họ cũng củng cố hình ảnh và những nhận thức trong tâm tưởng về hai thành phố này. Cuốn sách giới thiệu và phân tích chuyên sâu những sáng tạo nghệ thuật phong phú và đa dạng từ nhiếp ảnh tài liệu, nhiếp ảnh sắp đặt, ảnh động, trình diễn công cộng cho đến sắp đặt. ‘The City in Time’ là sự minh họa rõ nét những hình dung của các nghệ sĩ việt Nam và Campuchia về thế giới luôn thay đổi chóng mặt quanh họ.”
Một trong những nguồn cảm hứng ban đầu cho cuốn sách của Pamela Nguyễn Corey đến từ loạt tranh mang tên “Proposal for a Vietnamese Landscape” của Tuấn Andrew Nguyễn (anh cũng là Giảng viên Thỉnh giảng của Đại học Fulbright), được sáng tác trong giai đoạn 2005-2006. Cô cho hay: “Loạt tranh này gợi cho tôi nhiều suy ngẫm về việc cảnh quan đô thị đóng vai trò như một tấm nền mà trên đó, những ý niệm và quan niệm gắn liền với thuật ngữ ‘hiện đại’ liên tục được biểu đạt. Những tác phẩm nghệ thuật như trên là cảm hứng giúp tôi đặt ra những câu hỏi về mối liên hệ giữa nghệ thuật đương đại và quá trình đô thị hóa trong thời đại mới. Chính những câu hỏi ấy đã giúp định hình đề cương nghiên cứu của tôi, và kết tinh thành đề tài chuyên sâu được trình bày trong sách.”Xuất phát điểm và luận cứ của “The City in Time” đến từ quá trình thực nghiệm của Pamela khi cô sinh sống tại Việt Nam và Campuchia trong giai đoạn 2010-2012. Từ năm 2015 đến 2018, Pamela phát triển bản thảo dựa trên những nghiên cứu và tư liệu đã thu thập, đồng thời bổ sung những luận điểm mới cho sách lẫn khảo đính một vài suy luận của cô về các tác phẩm, đề tài sẵn có. Bàn về lý do TP. HCM và Phnôm Pênh được chọn là tiêu điểm “móc nối” cho đề tài nghiên cứu của “The City in Time”, Pamela viện dẫn mối liên hệ gần gũi giữa hai thành phố về mặt lịch sử, văn hóa và địa lý. Theo Pamela, TP. HCM và Phnôm Pênh không chỉ giúp cô giới hạn phạm vi nghiên cứu, mà thực chất, hai thành phố này là mảnh đất “màu mỡ” để Pamela đi sâu vào những vấn đề trọng yếu trong diễn ngôn nghệ thuật đương đại tại Việt Nam và Campuchia, thay cho những phạm trù điển hình mà giới chuyên môn thường bình luận khi nhắc đến hai quốc gia này.
“Góc tiếp cận phổ quát sẽ không bao hàm được bản sắc riêng biệt của Việt Nam và Campuchia so với các nước khác trong khu vực, và đồng thời, đó cũng là một cách tiếp cận mang tính bề nổi và có chăng, quá khái quát trong nghiên cứu khoa học ,” cô chia sẻ. “Ở khía cạnh lịch sử, miền Nam Việt Nam từng là vùng đất thuộc văn hóa Khmer. Trước thế kỷ 16-19, nơi đây từng được gọi là Kampuchea Krom trong tiếng Khmer. Và cho đến nay, vẫn có đó những dấu tích về văn hóa và ngôn ngữ làm nên sợi chỉ liên kết giữa Việt Nam và Campuchia. TP. HCM và Phnôm Pênh cùng trải qua những giai đoạn phát triển nở rộ hậu thuộc địa trong thập niên 1950 và 1960. Tuy vậy, bối cảnh và định hướng chính trị-văn hóa ở hai quốc gia này ngày nay đã tạo ra những thay đổi khác biệt rõ rệt mà theo tôi, là sự bồi đắp giúp đem đến những giá trị nghiên cứu đáng giá khi cuốn sách tập trung phân tích và đối chiếu nghệ thuật ở hai thành phố TP. HCM và Phnôm Pênh.”
Dù lịch sử nghệ thuật – vốn được phân kỳ và lệ thuộc vào cách nhận định của học giới Tây phương, với sự ưu ái không nhỏ dành cho các nghệ sĩ ở hai bờ Đại Tây Dương khi nhắc đến những tên tuổi lớn – đã và đang được mổ xẻ, tái phân tích và tái cấu trúc ở các nước phát triển trong vài thập kỷ gần đây, nghệ thuật Đông Nam Á vẫn chưa nhận được sự khích lệ xứng đáng trong các nghiên cứu học thuật quốc tế, hay hiếm hoi tạo dấu ấn nổi trội về giá trị thương mại ở các phòng tranh và các phiên đấu giá tiếng tăm. Xét đến khoảng cách chênh lệch này, Pamela bày tỏ: “Những học giả nghiên cứu và giảng dạy về Đông Nam Á học vẫn đang đối mặt với một bài toán khó trong việc đưa ra lời giải đáp thấu đáo và chuẩn xác nhất về cách định nghĩa vùng đất này. Riêng về nghệ thuật đương đại, vẫn còn đó một khuynh hướng mà chúng tôi luôn chất vấn, rằng các nghệ sĩ Đông Nam Á và tác phẩm của họ chủ yếu xoay quanh và đại diện cho những đề tài liên quan đến đau thương, tôn giáo, hay chiến tranh. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, những thực thành nghệ thuật của các nghệ sĩ Đông Nam Á đã và đang đem lại tiếng nói giá trị, và không kém phần nhạy bén, trong những cuộc đối thoại về các đề tài và phương thức sáng tác mà các nghệ sĩ khác trên thế giới hiện đang lưu tâm như lưu trữ, thuật chép sử, ký ức, tài liệu, trình diễn, chủ nghĩa hậu nhân văn, những vấn đề về sinh thái môi trường, v.v.”
Chính vì vậy, mục tiêu chính của Pamela Nguyễn Corey khi soạn thảo “The City in Time: Contemporary Art and Urban Form in Vietnam and Cambodia” là “đem đến cho người đọc một công trình nghiên cứu đáng tin cậy và bổ ích, đồng thời là tư liệu học thuật giá trị đóng góp cho sự phát triển của ngành nghiên cứu lịch sử nghệ thuật đương đại và Đông Nam Á học.” Cô cho biết thêm: “Như bạn đã nắm bắt phần nào trong lời giới thiệu sách của nhà xuất bản, thông qua cuốn sách này, tôi muốn mở rộng phạm vi nhận định và nghiên cứu về các tác phẩm nghệ thuật đương đại đến từ các nghệ sĩ Việt Nam và Campuchia, rằng họ không chỉ đơn thuần đại diện cho mất mát đau thương, mà còn nhiều hơn thế nữa.”
Chia sẻ về cảm nhận của cô sau khi hoàn thành một dự án quan trọng, Pamela cho hay: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, và hài lòng, khi thấy ‘đứa con tinh thần’ được nhen nhúm và hoàn thiện sau bao năm nghiên cứu và biên soạn đã có dịp đến tay bạn đọc. Cuốn sách này đánh dấu một dấu mốc mới trong sự nghiệp của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi khép lại một chương đã qua, và sẵn sàng khai mở những định hướng, ý tưởng mới cho các dự án tương lai.”
Ở thời điểm hiện tại, Pamela Nguyễn Corey đang dành phần lớn thời gian dìu dắt các sinh viên Fulbright trên hành trình khai phá và cảm thụ nghệ thuật. Với thế hệ trẻ này, cô nhận ra và trân trọng ở họ tinh thần cầu thị tri thức, khả năng tư duy nhạy bén, và trong một số trường hợp, sự trang bị kiến thức vững vàng về nghệ thuật. “Niềm đam mê với nghệ thuật hiện đại và đương đại của tôi được vun đắp khi tôi còn là sinh viên trường Đại học California, Irvine,” cô chia sẻ. “Khi ấy, những người thầy, người cô của tôi là các nghệ sĩ đương đại – nhiều người trong số họ từng theo học trường California Institute of the Arts, vốn nổi danh với chương trình giảng dạy cấp tiến và vị niệm trong thập niên 1970 và 1980.” Với tinh thần ấy, thông qua các bộ môn mà cô hiện đang giảng dạy tại Fulbright như Nghệ thuật Đông Nam Á, Trực quan hóa Nghệ thuật, Những chủ đề đặc biệt trong Nghệ thuật đương đại, hay Nhập môn Lịch sử Nghệ thuật, v.v., Pamela đặt kỳ vọng Fulbright sẽ là nơi ươm mầm cho một thế hệ trẻ gồm những nghệ sĩ, giám tuyển, học giả hay nhà hoạt động văn hóa tương lai – những con người sẽ giúp đóng góp cho sự phát triển văn hóa-nghệ thuật ở Việt Nam, và hơn nữa là khu vực và thế giới.
Quyên Hoàng