Ian Kalman là một cái tên rất quen thuộc đối với cộng đồng Fulbright dưới cương vị là một trong những giảng viên sáng lập của Trường. Anh hiện đang dẫn dắt bộ môn Nhân chủng học với nhiều môn học thú vị, trong đó phải kể đến môn “đặc sản” về Nhân học không gian mạng được rất nhiều sinh viên yêu thích. Từ lúc tham gia Đại học Fulbright Việt Nam, Tiến sĩ Ian Kalman liên tục tạo nên những giá trị học thuật cũng như những giá trị cộng đồng tích cực thông qua nhiều đóng góp nổi bật như dẫn dắt một chuỗi sự kiện Fulbright Speakers’ Series và khởi xướng hội thảo học thuật đầu tiên tại Fulbright. Ngoài công tác giảng dạy, anh vẫn tiếp tục nghiên cứu và gần đây nhất đã xuất bản một cuốn sách mang tên Framing Borders: Principle and Practicality in the Akwesasne Mohawk Territory (tạm dịch: Hoạch định biên giới: nguyên lý và thực tiễn áp dụng đối với lãnh thổ Akwesasne Mohawk).
Từ chuyên khảo địa phương tới hiện tượng toàn cầu
Biên giới không phải là một chủ đề mới mẻ – biên giới vốn là một khái niệm cơ bản trong đời sống chính trị, thường xuyên được nhìn nhận dưới góc độ lịch sử hoặc địa lý. Thường những nghiên cứu về biên giới sẽ giải đáp những câu hỏi như: đường biên giới được thành lập khi nào, ở đâu, và cách quyết định vị trí của đường biên giới được căn cứ ra sao. Tuy nhiên, Tiến sĩ Ian Kalman lại nghiên cứu chúng qua khía cạnh nhân học của những tương tác biểu trưng (symbolic interactions). “Lý thuyết tương tác biểu trưng cho rằng cuộc sống xã hội được “xây dựng” thông qua các hoạt động giao tiếp xã hội. Thế giới chúng ta đang trải nghiệm được vun đắp qua các cuộc đối thoại hàng ngày” – anh giải thích.
Cuốn sách của Ian, Framing Borders, được xuất bản vào năm 2021 bởi Nhà xuất bản Đại học Toronto, là một chuyên khảo phân tích sự khác biệt cơ bản giữa nguyên tắc học thuật về chủ nghĩa thực dân của người định cư và những gì thực sự diễn ra ở lãnh thổ Akwesasne, cộng đồng bản địa nằm dọc theo đường biên giới lớn nhất ở Canada. Đây là một công trình liên ngành, khám phá vượt qua đường biên giới để hiểu được cuộc sống của thực dân qua những lăng kính đa dạng, từ nhân chủng học, khoa học chính trị, nghiên cứu bản địa đến cả luật. Sử dụng lối viết văn xuôi dễ tiếp cận và sinh động, Tiến sĩ Ian Kalman chỉ ra những tương tác phức tạp giữa các sĩ quan biên phòng và cư dân Akwesasne, thông qua những kinh nghiệm ở biên giới của các thành viên cộng đồng Mohawk để hiểu hơn về lịch sử thực thi biên giới địa phương cùng những nghịch lý, mâu thuẫn và nhầm lẫn ẩn dưới đường biên giới.
Ian chia sẻ lần đầu tiên anh quan tâm đến biên giới của người bản địa khi anh còn là một sinh viên đại học. Trong lớp học về Luật liên bang của người da đỏ, anh đã được học về các cuộc biểu tình vượt biên (trong hòa bình). Trong các cuộc biểu tình này, người dân bản địa sẽ diễu hành và đơn giản là đi bộ theo đoàn qua biên giới mà không dừng lại hoặc trình ra giấy tờ tùy thân như thường lệ vì đối với họ, biên giới không thực sự tồn tại. Với tư cách là những người dân bản địa của vùng đất có bản sắc chính trị, văn hóa riêng, họ từ chối nhận định đường ranh giới cắt ngang qua nơi sinh sống của cộng đồng họ. Chính sự không công nhận đường biên giới ấy dã khơi dậy sự tò mò của Ian và anh bắt đầu tìm cách trả lời câu hỏi: ‘từ chối một biên giới nghĩa là gì?’, qua đó cũng hiểu thêm về những xúc cảm và sắc thái phức tạp ẩn dưới hành động này.
Nhiều nhà nghiên cứu dành vài tuần hoặc một tháng ở nơi họ chọn làm chuyên đề để tập trung vào các nguồn thông tin thứ cấp, qua khảo sát và phỏng vấn nhóm để thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, đối với cộng đồng Akwesasne, biên giới là một phần của cuộc sống hàng ngày, vì vậy để hiểu được biên giới, Ian quyết định trải nghiệm cuộc sống hàng ngày ở đó. Ian đã dành hơn một năm tại đây để nghiên cứu thực địa lâu dài. Anh cho hay: “Tôi phải ở đó đủ lâu cho đến khi mọi việc trở nên nhàm chán vì hầu hết mọi người đều cảm thấy ngán ngẩm khi phải xếp hàng chờ để trả lời những câu hỏi giống nhau lặp đi lặp lại hàng ngày.” Trong khoảng thời gian sống và làm nghiên cứu tại đây, anh đã vượt qua biên giới tới hơn một nghìn lần để hoàn toàn hòa mình trong trải nghiệm của những người dân địa phương sống ở đó, cũng như để nhìn qua lăng kính của các sĩ quan biên phòng. “Các sĩ quan bắt đầu quen mặt và biết rõ tôi giống như họ biết những người sống ở đó. Sự kết nối giữa người với người ấy đã khiến tôi cảm thấy công cuộc nghiên cứu này thực đáng giá.”
Cuốn sách không chỉ phân tích mô tả về biên giới mà còn chứa đựng những ý nghĩa rộng hơn. Trên thực tế, “Framing Borders là một nghiên cứu chuyên sâu về bối cảnh văn hóa địa phương cụ thể nhưng cũng bao hàm cả những trải nghiệm chung của nhân loại. Từ những tương tác nhỏ cũng đủ để phản chiếu nhiều hiện tượng và lý thuyết khác trong xã hội. Đa số các vùng biên giới là nơi sinh sống của những người dân tộc thiểu số với nền văn hóa và lịch sử khác biệt với nhóm dân tộc chính. Vì vậy, cũng có thể suy ra một hiện tượng toàn cầu thông qua một nghiên cứu điển hình tại địa phương Akwasasne, ” anh nói.
Thế giới qua lăng kính của những tương tác thường nhật
Biên giới, cũng như những tương tác khác trong cuộc sống, định hình (frame) các suy nghĩ cụ thể về cách thế giới vận hành. Áp dụng lý thuyết đóng khung (frame analysis) của Erving Goffman, nhà xã hội học người Mỹ có ảnh hưởng tầm cỡ nhất trong thế kỷ XX, Ian lập luận rằng các cuộc trò chuyện ở biên giới hoàn toàn có thể được đóng khung theo nhiều cách khác nhau. Theo đó, cùng một câu hỏi được đặt ra theo những cách khác nhau, sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau.
Khi một sĩ quan biên phòng hỏi: ‘bạn là người Mỹ hay bạn là người Canada?’, họ đã vô tình đóng khung tính cá thể của người dân trong hai lựa chọn duy nhất là Mỹ hoặc Canada. Tuy nhiên, đối với hầu hết người dân bản địa và dân tộc thiểu số, cộng đồng của họ thường nằm dọc đường biên giới. Vì vậy, danh tính, ngôn ngữ, văn hóa, lối sống của họ không phải là người Mỹ hay người Canada, thay vào đó lại là thuộc một cộng đồng riêng, trong trường hợp này là Mohawk. “Vậy câu hỏi đặt ra là: nếu đường biên giới không chỉ là những đường vẽ trên bản đồ, mà là thứ được hình thành thông qua các cuộc trò chuyện, thì có nên đặt nhiều sự quan tâm hơn tới nội dung của những cuộc trò chuyện ấy? – những cuộc trò chuyện ở trạm kiểm soát, nơi phải trình đủ giấy tờ tùy thân và trả lời những câu hỏi bắt buộc để xác nhận đủ điều kiện được qua biên giới hợp pháp.”
Trong cuốn sách mới xuất bản, Ian cho rằng thay vì sử dụng các đặc điểm nhận dạng như quốc tịch, chủng tộc, địa vị xã hội hoặc giới tính, v.v., chúng ta nên xem bối cảnh như một cách dự đoán về tương tác giữa con người với nhau. “Đôi khi chúng ta tập trung quá nhiều đến sự khác biệt về văn hóa trong khi có rất nhiều thứ được chia sẻ với tất cả mọi người ,” anh nói. “ Tất cả chúng ta đều muốn có sự tôn trọng. Chúng ta không muốn lãng phí thời gian của mình. Chúng ta muốn mọi người đối xử tốt với bản thân. Vì vậy, nếu chúng ta cùng bắt đầu từ góc nhìn đó và tập trung nhiều hơn vào ngữ cảnh hơn là danh tính như một thứ quyết định sự tương tác của mọi người, thì nó sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều sự linh hoạt. Vì khi đó, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc định hình bối cảnh.”
Thấu hiểu cộng đồng bản địa và những vấn đề căn bản xung quanh đó, Ian đã dành nhiều thời gian để làm tài liệu đào tạo cho các sĩ quan biên phòng nhằm giúp cải thiện các mối quan hệ với người dân. Anh cũng giúp làm báo cáo chính sách cho chính phủ Mohawk, giúp họ thực hiện nghiên cứu định lượng và phân tích dữ liệu. Dần dà, Ian đã trở nên rất gần gũi với cộng đồng và anh vẫn quay lại thăm hỏi bạn bè tại Akwesasne “chỉ vì tôi thực sự nhớ nơi đây và tôi nhớ bạn bè quanh đây.” Ian vừa cười vừa chia sẻ về những kỷ niệm tại Akwesasne: một lần làm chủ hôn hai người bạn của anh, hay đơn giản chỉ là những đêm họ chơi Dungeons and Dragons cùng nhau.
Xuyên suốt cuốn chuyên khảo nghiên cứu đan xen những câu chuyện cười nhẹ nhàng, chúng ta có thể tìm thấy một ý chính được phản ánh trong cuốn sách: hãy đối xử tốt với nhau. Ian thêm: “Đây không phải là một cuốn sách rao giảng những điều vĩ đại hay chứa đựng phát kiến của thời đại, nó chỉ đơn giản hướng mọi người đối xử với nhau tốt mà thôi.”
Học tập hiệu quả hơn qua tiếng cười
Cách viết pha chút hài hước cũng là một sự phản ánh chân thật của tính cách TS. Ian Kalman ngoài đời. Anh tin rằng điều quan trọng nhất đối với sinh viên là sự tận hưởng trải nghiệm trong lớp học, rằng chúng ta học hiệu quả hơn với những câu chuyện thực tế và những tiếng cười. Quan trọng hơn cả chính là khả năng kết nối những thứ vốn dường như không được liên quan một cách tự nhiên. Học tập chất lượng không quá chú trọng đến việc lưu giữ kiến thức vì trong thời đại kỹ thuật số này, hầu hết các thông tin đều có thể được tìm thấy trên internet một cách dễ dàng. Thay vào đó điều quan trọng giờ đây nằm ở sự sáng tạo, cách liên kết và phối hợp những kỹ năng, kiến thức với nhau một cách sáng tạo. “Tôi nghĩ rằng học tập phải vui vẻ và bắt nguồn từ sự hứng khởi. Và đó là những gì tôi mang vào lớp học với tư cách là một giảng viên đứng lớp” – TS. Ian Kalman cởi mở chia sẻ về triết lý giáo dục của anh.
Trong suốt buổi phỏng vấn, Ian giữ nguyên tính cách điềm tĩnh nhưng không kém phần vui vẻ hài hước. Lớn lên ở một thành phố đa dạng về văn hóa như New York, anh đã được nuôi dưỡng một tư duy cởi mở và anh luôn tìm thấy nguồn cảm hứng từ những khoảnh khắc nhỏ hàng ngày. Ian rất hào hứng chia sẻ về dự án sắp tới của mình về triết học so sánh giữa người Mỹ bản địa và Châu Á, một chuyên đề được truyền cảm hứng từ việc tiếp xúc nhiều với triết học Châu Á, cũng chính là một cơ hội anh nắm bắt được trong thời gian công tác tại Đại học Fulbright Việt Nam.
“Fulbright sẽ mãi là một trong những công trình lớn nhất mà tôi từng tham gia. [Là một thành viên sáng lập của Trường], tôi vô cùng trân trọng cảm giác phiêu lưu khai phá này và đặc biệt là cơ hội được góp phần gây dựng nên mô hình đào tạo mầm trẻ cho tương lai. Tại Fulbright, giảng viên có sự tự do để giảng dạy nhiều lớp học chuyên đề thú vị và được làm việc với những sinh viên vô cùng sáng. Bên cạnh đó, những đồng nghiệp cũng rất tuyệt vời. Tôi tin rằng chúng tôi thực sự đang xây dựng một chương giáo dục mới có sức mạnh ảnh hưởng cho cả cuộc sống của các sinh viên, học viên nói riêng và cho Việt Nam nói chung” – Ian bộc bạch.
Bảo Trâm