
Những điểm sáng trong đối ngoại nhân dân nhằm hàn gắn nỗi đau chiến tranh, thúc đẩy hợp tác giáo dục và ứng phó biến đổi khí hậu là nội dung chính của phiên thảo luận thứ hai tại Hội thảo kỷ niệm 27 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Sự kiện do Đại học Fulbright Việt Nam phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. HCM tổ chức tại Dinh Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh vào ngày 5/8 vừa qua.
Hành trình 27 năm vun đắp tình hữu nghị sâu sắc giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi hai nước chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ, thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và trở thành Đối tác toàn diện từ năm 2013, không thể không kể đến những thành quả đóng góp từ giao lưu nhân dân hai nước. Nếu như công cuộc ngoại giao từ Chính Phủ và chính khách hai nước đã đem đến những thỏa thuận và chiến lược vĩ mô về kinh tế – thương mại, an ninh – quốc phòng, giáo dục – văn hóa và khoa học công nghệ, v.v., thì mối tương giao, hợp tác và trao đổi giữa chính người dân Việt Nam – Hoa Kỳ lại giúp cụ thể hóa tầm nhìn, lòng tin mà hai bên cùng chia sẻ đến tầng sâu con người, văn hóa và xã hội hai nước.
Những sứ giả hòa bình chọn hàn gắn quá khứ
Mở đầu cho phiên thảo luận thứ hai xoay quanh chủ đề “Giao lưu nhân dân” tại Hội thảo kỷ niệm 27 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, ông Chuck Searcy, Chủ tịch Chi hội 160 – Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ) và Cố vấn quốc tế cho Dự án RENEW – Tổ chức phi chính phủ về chất độc màu da cam, cho hay: “Sự kiên gan bền chí của Việt Nam nhằm vượt qua những năm tháng thử thách sau chiến tranh nói riêng và đồng thời, những nỗ lực gỡ bỏ hiềm khích để Việt Nam và Hoa Kỳ từ cựu thù trở thành bạn và cùng nhau hợp tác trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, chính là tiền đề để những cựu binh như tôi, trong tư cách là những người dân thường, trở lại Việt Nam với nỗ lực hoà giải những di sản đau thương của chiến tranh.”

Ông Chuck Searcy, Chủ tịch Chi hội 160 – Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ) và Cố vấn quốc tế cho Dự án RENEW – Tổ chức phi chính phủ về chất độc màu da cam.
Ông Chuck Searcy, nay 78 tuổi, đã chọn sinh sống tại Việt Nam từ năm 1995 đến nay và là nhà đồng sáng lập tổ chức làm sạch bom mìn ở Quảng Trị, giúp đỡ trẻ em khuyết tật tại Việt Nam. Tại buổi hội thảo, ông hồi tưởng về giai đoạn những năm 1960, khi giới trẻ Mỹ biểu tình trên đường phố và tại khuôn viên các trường đại học nhằm phản đối chiến tranh. Họ trở thành nhân tố quan trọng giúp xoay chuyển nhận thức của người dân Mỹ nói chung về thực trạng diễn ra tại Việt Nam, và là một trong những tiếng nói quan trọng giúp tạo nên làn sóng phản chiến, gián tiếp thúc đẩy quyết định rút quân của Mỹ vào năm 1975.
Ông Chuck Searcy cũng kể về lần gặp mặt với ông Nguyễn Ngọc Hùng, một cựu quân nhân người Việt, tại Mỹ vào năm 1990. Sau hòa bình, ông Hùng là nhà giáo dạy tiếng Anh cho học sinh phổ thông Việt Nam, và đã đến Mỹ theo lời mời của các nhà sản xuất chương trình 60 Minutes thuộc đài truyền hình CBS. Ông Hùng đã đi qua nhiều thành phố Mỹ để trò chuyện, chia sẻ về trải nghiệm chiến tranh của ông và đồng đội. Dẫu có nơi một số cựu binh Mỹ vẫn còn hiềm khích về quá khứ, nhưng sau khi họ lắng nghe ông Hùng, đôi bên đều nhận ra sau chiến tranh, cựu binh hai nước đều có điểm chung: rằng họ đã và đang gánh chịu hậu quả của chất độc da cam, rằng họ đều đã và đang đối mặt với những khó khăn trong xã hội khi các cựu binh cần học cách thích nghi và hòa nhập với đời sống hậu chiến tranh, v.v. Để rồi, bỏ qua mọi khác biệt, cựu quân nhân hai nước đã có những cái ôm thật chặt sau phần chia sẻ của ông Hùng.
Ngay từ những ngày đầu trở lại Việt Nam, ông Chuck Searcy đã dành mối lưu tâm đặc biệt đến chất độc da cam. “Tôi và nhiều cựu binh Mỹ khác đều khẳng định công khai rằng đây là vấn đề về công lý và công bằng,” ông chia sẻ. “Nếu như Chính phủ Mỹ hỗ trợ các cựu quân nhân và gia đình của họ nhằm giải quyết những di chứng chất độc da cam, thì điều tương tự cũng nên được thực hiện với người dân Việt Nam.” Sau một thời gian dài phủ nhận, nay Chính phủ Hoa Kỳ đã thay đổi quan điểm và thể hiện cam kết “tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả do chất độc dioxin và hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam”, theo lời Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper trong bài phát biểu khai mạc hội thảo.
Cùng tham dự phiên thảo luận, ông Đỗ Đức Tưởng, Cố vấn Năng lượng sạch Chương trình Năng lượng của USAID Việt Nam (Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ), cho biết: “USAID đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để loại bỏ đất ô nhiễm từ sân bay Biên Hòa – điểm nóng dioxin lớn nhất còn sót lại ở Việt Nam sau khi hoàn thành dự án Xử lý Môi trường Ô nhiễm Dioxin tại Sân bay Đà Nẵng năm 2018. Công việc này góp phần vào nỗ lực của cả hai nước nhằm vượt qua quá khứ, xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ song phương.”
Năng lượng sạch là chìa khóa tương lai
Thông qua huy động sự tham gia của người dân và quan hệ hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân và xã hội dân sự, USAID hiện đang triển khai các chương trình hỗ trợ toàn diện trong các lĩnh vực như tăng trưởng kinh tế và quản trị nhà nước, y tế, đa dạng sinh học/chống buôn bán các loài hoang dã, hỗ trợ người khuyết tật và những người dễ bị tổn thương khác và cứu trợ thiên tai, v.v.

Ông Đỗ Đức Tưởng, Cố vấn Năng lượng sạch Chương trình Năng lượng của USAID Việt Nam
Trong số đó, mảng môi trường và biến đổi khí hậu là trọng tâm mà ông Đỗ Đức Tưởng đặc biệt nhấn mạnh trong phần trình bày tại hội thảo. “Còn đó nhiều thách thức và trở ngại mà Việt Nam cần vượt qua nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. Dẫu vậy, tiềm năng để chúng ta chuyển đổi sang nguồn năng lượng thay thế còn rất lớn, khi Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài trên 3.260 km. Làm sao để tích hợp và tăng cường độ vận hành ổn định của năng lượng gió, mặt trời, v.v. vào mạng lưới điện quốc gia vẫn là bài toán khó, cần sự chung tay giải quyết của các chuyên gia lành nghề. Chính vì vậy, USAID Việt Nam hiện đang hợp tác với Phòng Thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia Mỹ và Viện Công nghệ Massachusetts nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi công nghệ năng lượng sạch tại Việt Nam”, ông Tưởng nói.
Thế hệ trẻ hai nước là cầu nối giữa quá khứ và tương lai
Nếu như những cựu binh như ông Chuck Searcy là chứng nhân cho nỗ lực hàn gắn quá khứ đau thương, hay USAID là đại diện cho những đầu tư và hỗ trợ thiết thực nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng hiện tại, thì câu chuyện về tình hữu nghị nhân dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi mảnh ghép đến từ những hạt giống của tương lai: tức nỗ lực hợp tác trong giáo dục hướng đến và vì thế hệ trẻ hai nước.

Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam
Tại phiên thảo luận hội thảo, bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, đã chia sẻ: “Với những ai còn băn khoăn về tương lai phát triển của Việt Nam, các bạn hãy ghé thăm khuôn viên của trường đại học chúng tôi, để tiếp xúc và trò chuyện với sinh viên Fulbright. Họ là những đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ những người con đất Việt với những hoài bão vươn tầm biên giới quốc gia, với cách tư duy toàn cầu nhưng vẫn bám rễ sâu sắc vào cội nguồn quê hương. Bởi tại Fulbright, nơi sinh viên năm đầu đã có thể tự tin thực tập hay làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi không đơn thuần đem lại nền tảng kỹ năng và kiến thức để đào tạo ra đội ngũ lao động có chuyên môn cao, mà trên hết, Fulbright là nơi ươm dưỡng những hiền tài, những trí thức với sự nhận thức và thấu hiểu sâu sắc về lịch sử, văn hóa và căn tính cội nguồn của dân tộc. Quan trọng hơn, họ sở hữu khát khao đóng góp sức mình cho xã hội, cộng đồng, và thế giới.”
Bà Đàm Bích Thủy cũng nhấn mạnh – tuy Fulbright là trường đại học khai phóng, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, với sự ủng hộ và hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan, bộ ngành và tổ chức hai nước; cùng với đó là các khoản hiến tặng từ các mạnh thường quân hiện đang sinh sống tại Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước trên thế giới – nhưng Đại học Fulbright Việt Nam không chọn “sao chép” chương trình đào tạo từ Mỹ hay các nước phát triển, tiên tiến khác trên thế giới và trong khu vực.
Bà cho hay: “Điều làm nên danh tiếng và uy tín của các tổ chức học thuật hàng đầu trên thế giới không xuất phát từ một mô hình hoàn hảo mà ai ai cũng có thể áp dụng. Khi Fulbright phấn đấu trở thành một trong những trường đại học với nền giáo dục đẳng cấp thế giới, chúng tôi luôn lấy Việt Nam làm gốc rễ trung tâm, để từ đó định hình nên bản sắc ADN đặc trưng của trường mà bạn luôn tự khắc nghĩ đến khi nhắc đến các trường đại học nổi tiếng toàn cầu.”
Từ khi thành lập năm 2016 đến nay, Đại học Fulbright Việt Nam không chỉ là một trong những đại diện tiêu biểu cho thành quả quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn là cầu nối giữa các thế hệ người Việt trong và ngoài nước. Nếu như trong bài phát biểu hội thảo, Đại sứ Marc Knapper cho biết: “Việt Nam chính là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng sinh viên theo học tại Hoa Kỳ. Thực tế, Việt Nam là nước đứng thứ 6 trên thế giới về số lượng sinh viên học tập tại Hoa Kỳ, chỉ sau các nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc.” Thì Đại học Fulbright Việt Nam cũng chính là nơi hiện đang thu hút các học giả gốc Việt, những hiền tài trong nước và quốc tế từng tu nghiệp tại nước ngoài về nghiên cứu và giảng dạy ở nhiều lĩnh vực học thuật đa dạng.
Bà Đàm Bích Thủy kết luận: “Tương lai Việt Nam nằm chính trong tay thế hệ trẻ tài năng, khát khao học hỏi và hành động. Thông qua cánh cửa rộng mở của tri thức và học thuật, người trẻ trong nước và người trẻ gốc Việt ở nước ngoài sẽ tìm ra tiếng nói chung nhằm không chỉ hướng đến tương lai, mà còn là chung tay hòa giải những khác biệt của quá khứ.”
Bảo Quyên
______
Xem toàn bộ phiên Thảo luận: