Đọc toàn bộ bản tin Tháng 11, 2022 TẠI ĐÂY.
Thân gửi những người bạn trân quý của Đại học Fulbright Việt Nam,
Trong rất nhiều truyền thống tốt đẹp được tôn vinh và tổ chức lâu đời ở Việt Nam, tôi luôn dành cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 một tình cảm đặc biệt. Đây là ngày chúng ta dành để bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đóng vai trò quan trọng và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình giáo dục và hình thành phẩm chất của chúng ta, cách chúng ta hành động, cách chúng ta tư duy và làm người. Năm nay, ngày lễ đặc biệt đó lại càng trở nên đặc biệt hơn khi Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đông Kinh Nghĩa Thục & Mô hình Giáo dục Khai phóng Việt Nam” trong hai ngày cuối tuần 19-20/11 tại khuôn viên Hồ Bán Nguyệt, Quận 7 của trường.
Hội thảo đã đón chào sự tham dự của hơn 20 học giả từ Việt Nam, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ và Canada, bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến, và thu hút hơn 200 quan khách. Các học giả đã trình bày các bài tham luận, bài nghiên cứu và tham gia vào các thảo luận sôi nổi cùng sinh viên Fulbright và công chúng để cùng làm sáng tỏ, giải thích và lật lại nhiều vấn đề từ các khía cạnh lịch sử, triết học, văn hóa và xem xét những góc nhìn đương đại xung quanh phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Dù được thành lập cách đây 115 năm, triết lý giáo dục và tầm nhìn vượt thời đại của ngôi trường mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn vươn “tầm ảnh hưởng sâu rộng đến truyền thống giáo dục khai phóng ở Việt Nam,” mà theo TS. Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Fulbright, đây vốn là sự tiếp nối của trường Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 1076, “có thể được xem như dấu son trong giáo dục ở Việt Nam.”
Bạn thân mến,
Đại học Fulbright Việt Nam tự hào là sự tiếp nối và ươm dưỡng truyền thống giáo dục với tinh thần khai phóng của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, thông qua nỗ lực đưa giáo dục đến với tất cả mọi người bất kể xuất thân, hướng sinh viên tới sự nắm vững nền tảng kiến thức liên ngành và không ngừng rèn luyện khả năng đổi mới, tư duy mở và năng lực phản biện.
Cũng trong tháng này, chúng tôi hân hạnh được phối hợp cùng chương trình Gặp gỡ Mùa thu và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam tổ chức hội thảo mang chủ đề “Chuyển biến của hạt nhân xã hội toàn cầu: Nghĩ về gia đình qua điện ảnh Đài Loan.” Tại Fulbright, chúng tôi luôn tâm niệm bốn trụ cột của mục đích giáo dục mà UNESCO đề xướng – học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình – đặc biệt, đội ngũ giảng viên và nhân viên Fulbright luôn dành rất nhiều tâm huyết cho hai trụ cột cuối cùng khi cùng nhau xây dựng chương trình giảng dạy giáo dục khai phóng. Điều này thể hiện qua sự định hướng cho những người trẻ có thể học cách cảm thụ và trân trọng nghệ thuật, bởi nghệ thuật là thứ có sức mạnh khai sáng và cải biến tâm hồn khi khơi gợi, biểu đạt và phản ánh những khía cạnh của kiếp nhân sinh mà chúng tôi luôn tin rằng luôn luôn cần thiết để nuôi dưỡng và trau dồi tâm hồn các em suốt đời.
Trong những nỗ lực không ngừng giúp các học sinh giỏi giang trên khắp Việt Nam có thể tiếp cận giáo dục đại học, trong tháng này, Fulbright vui mừng thông báo hai chương trình học bổng mới – Học bổng Liberico sẽ được trao cho một sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng; và Học bổng Bright Futures hỗ trợ những sinh viên sắp nhập học mà bản thân hoặc thành viên gia đình các bạn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các cuộc chiến tranh tại Việt Nam hoặc nước khác.
Những chương trình học bổng góp phần duy trì và tiếp nối truyền thống luôn được trân trọng tại Fulbright, đó là sự hợp tác bền chặt với các nhà tài trợ tư nhân và các nhà hảo tâm hào phóng để tạo ra những cơ hội giáo dục bình đẳng và dễ tiếp cận cho các học sinh tài năng học tại Fulbright. Như lời ông Nguyễn Phương Lam, nhà hảo tâm có tiếng ở châu Á đã trao tặng Học bổng Nguyễn-Phương Family dành cho các sinh viên Fulbright và tài trợ cho chương trình Thúc đẩy Doanh nghiệp tạo Tác động xã hội do Fulbright phối hợp cùng Học viện Acumen tổ chức: “Cái chính, đối với tôi, là việc mình đang làm có ảnh hưởng tốt đẹp đến đời sống của những người yếu thế nhất xã hội hay không. Mình phải có chính nghiệp, là sự cần thiết cho cuộc sống của mỗi người trong chúng ta.”
Với tất cả lòng trân trọng và biết ơn,
Đàm Bích Thủy
Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam