Tại Hội nghị Khoa học Trái đất và Môi trường được tổ chức lần thứ 2 vào tháng 8 năm 2022 vừa rồi, Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang, nữ diễn giả chính duy nhất, đã trình bày những kết quả nghiên cứu của mình về tầm quan trọng của vi sinh vật trong chu trình chuyển hóa chất hữu cơ ở đại dương – một yếu tố liên quan đến sự ổn định của khí hậu toàn cầu. Công trình nghiên cứu của cô đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, một trong những tạp chí khoa học quốc tế uy tín về các ngành khoa học tự nhiên – vốn dĩ là “bảo chứng” cho một kết quả nghiên cứu nghiêm túc với những bằng chứng thực nghiệm và lý thuyết thuyết phục. Bằng cách phối hợp nhiều phương pháp liên ngành như sinh hóa, sinh học phân tử, và mô hình hóa, cô định nghĩa được cơ chế tác động của vi sinh vật tới chu trình sinh địa hóa toàn cầu. Những phát hiện mới này đã giúp cô phát triển những công cụ và thuật toán để tính toán cụ thể mối tương quan hai chiều giữa vi sinh vật và môi trường, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Là một nhà khoa học trẻ luôn cháy bỏng một tình yêu với vi sinh vật, ít ai biết rằng Tiến sĩ Huyền Trang lại có một bước khởi đầu sự nghiệp gian nan, khá “dở khóc dở cười”. Có dịp trò chuyện cùng cô, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ niềm đam mê và những đóng góp của cô cho nền khoa học nước nhà và quốc tế. Hơn cả, chúng tôi cũng rất trân trọng và chia sẻ với hành trình mà cô đã trải qua. Dù là ở ngoài đời thường hay trong công việc, cô Huyền Trang luôn mang theo mình thật nhiều năng lượng. Khi đứng lớp, sự nhiệt huyết của cô luôn khiến cho sinh viên hứng thú với những khái niệm khoa học đôi khi còn khô khan. Và ngược lại, cô cũng được tiếp lửa bởi chính sự tò mò ham học hỏi của sinh viên Fulbright, đặc biệt khi các bạn đặt ra cho cô những câu hỏi rất sắc bén (và hóc búa).
Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với Tiến sĩ Huyền Trang để hiểu thêm về cô, về hành trình nghiên cứu, những nỗ lực giảng dạy và niềm đam mê cống hiến từ những điều nhỏ bé.
Chào cô Trang! Không biết cô có thể chia sẻ về hành trình trở thành một nhà khoa học vi sinh vật của mình được không?
Để nói rõ tại sao hay từ khi nào mình bắt đầu ấp ủ niềm đam mê với khoa học thì khó lắm, chỉ có thể chắc chắn một điều là mình luôn tò mò tìm hiểu những kiến thức mới lạ mà rất đỗi gần gũi xung quanh cuộc sống. Thực ra lúc nộp đơn vào đại học, mình suýt theo con đường truyền thống mà bố mình đã định hướng là vào Học viện Ngân hàng. Bố mình cũng như bao phụ huynh thời đó, luôn muốn mình gắn bó với một nghề ổn định cho cuộc sống, vì mình là con gái mà. Tuy nhiên đến đúng buổi sáng khi đi nộp đơn, mình đã “quay xe” vào phút chót để theo đuổi ngành Khoa học Tự nhiên. Cú thay đổi gần như 180 độ này chắc là quyết định táo bạo nhất của cuộc đời mình. Cũng may là mẹ mình đã ủng hộ và cổ vũ nên từ đó, mình cứ thuận theo đường học và nghiên cứu mà tiến tới thôi!
Trong nhiều ngành nghiên cứu khoa học và môi trường, vi sinh vật là lĩnh vực khiến mình hứng thú nhất. Vi sinh vật có kích thước rất nhỏ, hầu hết chúng ta không thể nhìn thấy vi sinh vật bằng mắt thường. Chúng ta không bắt được chúng, cũng không biết được chúng ăn gì, sinh hoạt ra sao. Nhưng vi sinh vật lại đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong môi trường. Tất cả mọi thứ xung quanh ta đều được bao phủ và cấu tạo bởi vi sinh vật, trên da, trong miệng, trong dạ dày, trong nước, trong đất, trong không khí, vân vân.
Chính vì vậy, bất kì nghiên cứu nào về vi sinh vật cũng có khả năng mở rộng quy mô ảnh hưởng nghiên cứu lên toàn cầu, bất kì phát hiện nào về chúng cũng giúp chúng ta hiểu biết thêm về môi trường mà loài người đang sinh sống.
Là một nhà khoa học trẻ với niềm đam mê táo bạo, hẳn không ít lần cô gặp phải những thử thách gian nan, làm thế nào để cô biết mình rằng mình đang đi đúng hướng?
Với mình, khoa học luôn mang đến những thử thách để mình thỏa trí tìm tòi. Dù đúng là nhiều lúc, mình phải chấp nhận rằng mình cô đơn trong hành trình tìm kiếm kiến thức ấy. Để được đi du học và làm nghiên cứu tiến sĩ tại Mỹ, mình đã rất may mắn được Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) hỗ trợ tài chính. Lúc ấy, mình là nghiên cứu sinh nhỏ tuổi nhất, chưa kể đến việc ngành Khoa học Môi trường mình theo đuổi cũng là một ngành mới trong lịch sử trao quỹ của VEF. Kể cả ở bên nước ngoài, chuyên ngành của mình cũng còn khá ít người tham gia. Khi làm Tiến sĩ và nghiên cứu sau Tiến sĩ, mình đều là người Việt Nam, một trong số vài ba người châu Á, và là người nữ duy nhất trong Khoa.
Những năm ấy, việc thức khuya để miệt mài làm việc trong phòng nghiên cứu là chuyện bình thường. Do đặc thù chuyên ngành, mình còn thường phải tiếp xúc trong môi trường khí độc nên cũng khá lo ngại. Mỗi lần đi học về muộn trời tối om và thời tiết rất lạnh. Mình cũng từng cảm thấy tủi thân, mình đã tự hỏi không biết những hi sinh sức khỏe, tuổi trẻ như vậy có xứng đáng không.
May mắn thay, mình tìm thấy niềm an ủi những khi có phát hiện mới, khi nghiên cứu có tiến triển, khi mình có thể bắt đầu viết báo cáo và chia sẻ cho người thân, bạn bè. Chính những giây phút “à ha!” trong khoa học ấy đã tiếp sức giúp mình theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu.
Không ít học giả Việt Nam chọn ở lại làm việc tại nước ngoài vì lo ngại nước nhà không đủ điều kiện để phát triển sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Liệu đây có từng là nỗi lo của cô khi quyết định trở về nước hay không?
Việt Nam đúng là còn hạn chế nhiều về điều kiện nghiên cứu, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm. Nhưng môi trường Việt Nam lại mang đến nhiều thử thách chưa có lời giải. Nhìn một cách khách quan, đây chính là môi trường “trù phú” những chân trời kiến thức mà mình lúc nào cũng muốn khai thác.
Thực ra “cái khó ló cái khôn”. Ở các nước phát triển hơn, việc nghiên cứu có thể bị phụ thuộc vào những công cụ hiện đại, và vì vậy, quá trình nghiên cứu có thể sẽ trở thành một blackbox (hộp đen) – khiến ta khó có thể hiểu tường tận vấn đề về nguyên lý hoạt động hay cơ chế vận hành. Ngược lại, khi làm nghiên cứu theo cách truyền thống, chúng ta buộc phải tư duy và liên kết các trường kiến thức cơ bản nhưng bao quát với nhau. Từ đó, chúng ta có thể nắm bắt vấn đề một cách ngọn ngành và dễ dàng tìm cách giải quyết. Đặc biệt, việc nghiên cứu này còn rèn luyện cho ta khả năng thích ứng linh hoạt khi những điều kiện tưởng chừng như bất biến thay đổi. Qua đó, mình có thể hướng dẫn cho các bạn sinh viên phương pháp tư duy suy luận trong khoa học thay vì học thuộc lòng từ sách vở.
Được biết cô Huyền Trang là một trong bốn diễn giả khách mời của Hội nghị Khoa học Trái đất và Môi trường 2022, và cũng là lần đầu tiên chương trình có một nhà khoa học nữ làm diễn giả chính, cô cảm thấy như thế nào?
Mình cảm thấy rất vui khi được đại diện “cộng đồng thiểu số” trong khoa học. Trước Hội nghị Khoa học Trái đất và Môi trường 2022, mình cũng là diễn giả nữ duy nhất trong tọa đàm tại Ngày Khoa học Công nghệ 2022 do Viện Toán học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Dù nhà khoa học nữ chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong cộng đồng học giả, nhưng những phát hiện từ góc nhìn và nghiên cứu của chúng mình cũng đóng góp một phần quan trọng trong khoa học nói riêng và phát triển xã hội nói chung. Cũng giống như vi sinh vật vậy, tuy nhỏ nhưng lại có sức ảnh hưởng thiết yếu đến hệ sinh địa hóa toàn cầu.
Cũng tương tự, dù Việt Nam là một nước nhỏ đang phát triển, nhưng so với các cường quốc năm châu, chúng ta không hề có ít đi những phần trách nhiệm trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Nước ta là quốc gia xuất khẩu gạo nhiều thứ hai thế giới. Dù chỉ 1 mét nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu gây ngập mặn và thay đổi điều kiện canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có sức ảnh hưởng khủng khiếp đến nguồn lương thực của trái đất. Đồng điệu với thông điệp được nhấn mạnh xuyên suốt hội nghị, nghiên cứu của mình tập trung vào hệ vi sinh vật để đưa ra những góc nhìn và giải pháp từ những vấn đề vi mô và gần gũi cho đến những thách thức vĩ mô mang tính toàn cầu.
Với nhiều người, khoa học là một bộ môn khô khan và rất khó tiếp cận. Vậy cô làm cách nào để khoa học trở nên gần gũi hơn khi giảng dạy?
Ở Fulbright kỳ mùa Thu, mình dạy một môn nền tảng là Khám phá Khoa học và một môn chuyên ngành là Khoa học Môi trường Đại cương. Trong cả hai lớp học, mình luôn cố gắng đem lại cho sinh viên những trải nghiệm thực địa để các bạn có thể hiểu được khoa học luôn hiện hữu quanh ta như thế nào.
Học kỳ này, mình đã dẫn các sinh viên đến Khu Bảo tồn Sinh quyển Cần Giờ, nơi đã được UNESCO công nhận về sự đa dạng sinh học với hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng; và Nhà máy xử lý rác thải ở Bình Chánh, nơi áp dụng dự án điện rác như một cách quay vòng năng lượng. Những chuyến thực địa này đã giúp các bạn hiểu hơn về thiên nhiên xung quanh, đồng thời có cái nhìn toàn diện hơn về tác động của con người lên môi trường qua sinh hoạt hàng ngày. Qua đó, các bạn tự chủ động thay đổi hành vi và có lối sống bền vững hơn, góp phần vào nỗ lực bảo vệ môi trường của thế giới.
Mình cũng rất vui vì các học trò của mình luôn chủ động trong việc lập kế hoạch cho bản thân, tự tìm hiểu và theo đuổi những đề tài nghiên cứu đa dạng. Từ trước khi chính thức gia nhập đội ngũ giảng viên của Fulbright, mình đã không khỏi bất ngờ với tập thể sinh viên Fulbright. Mình có một lớp học thử để làm quen với các bạn bằng chính nghiên cứu tiến sĩ của mình về sinh vật đất. Đây vốn là một đề tài còn ít được chú ý đến ở Việt Nam nên mình rất vui khi các bạn đưa ra những câu hỏi sắc bén và thực tế tại môi trường Việt Nam.
Các dự án thực địa cô chọn cho sinh viên rất sát sườn với những vấn đề môi trường quanh ta – liệu đây có phải chủ đích của cô khi muốn khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam quan tâm và chủ động hơn trong việc giải quyết những vấn đề của chính Việt Nam không?
Thông qua những tương tác trong và ngoài lớp học, mình hi vọng sinh viên có thể hiểu và đánh giá đúng về bức tranh môi trường ở Việt Nam. Dù cho bạn không có đam mê nghiên cứu sâu hơn thì cũng sẽ có những nhận thức sắc sảo hơn về những vấn đề của xã hội. Chỉ cần bắt đầu bằng những hành động nhỏ như giảm thiểu sử dụng túi nilon hay đi xe đạp, các bạn cũng có thể tạo được hiệu ứng cộng hưởng giúp hình thành thói quen sinh hoạt bền vững hơn cho cả cộng đồng. Để giải quyết những vấn đề lớn, ta đều cần bắt đầu từ những hành động nhỏ. Mình rất tâm đắc với vi sinh vật học là vậy, bởi những điều nhỏ bé ấy có thể mang trong mình tầm ảnh hưởng vĩ đại.
Với những học trò của mình tại Đại học Fulbright Việt Nam, mình càng có nhiều niềm tin nơi các bạn. Các bạn tò mò, ham học hỏi. Các bạn chẳng ngại khó khăn, luôn chủ động tiếp cận những đề tài hóc búa. Với cương vị là một giảng viên, mình luôn cố gắng củng cố những kiến thức nền tảng và thúc đẩy tư duy đa ngành để các bạn có thể tự tìm hướng tiếp cận, giải quyết những vấn đề của thời đại, của chính cộng đồng nơi mình sinh ra và lớn lên qua nhiều góc độ.
Cảm ơn Tiến sĩ Huyền Trang rất nhiều vì những chia sẻ rất nhiệt huyết với Fulbright! Chúc cô luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho nền khoa học quốc tế và truyền lửa cho lớp trẻ Việt Nam.
Bảo Trâm và Phương Mai