Tham gia các dự án nghiên cứu khi ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Hữu Phúc Ngân và Phạm Nguyễn Đan Tâm đến gần hơn với kế hoạch trở thành tiến sĩ ngành Tâm lý học.
Khi bước chân vào Đại học Fulbright Việt Nam, Đan Tâm và Phúc Ngân không nghĩ bản thân sẽ theo đuổi ngành Tâm lý học. Là học sinh giỏi quốc gia, hai sinh viên được tuyển thẳng vào các trường đại học, với nguyện vọng khác xa hiện tại.
Với Đan Tâm, marketing từng là con đường mà bạn và gia đình lựa chọn. Còn Phúc Ngân định hướng về văn học. Sau 4 năm học ở Fulbright, Phúc Ngân chinh phục thành công học bổng tiến sĩ ngành Tâm lý Phát triển ở Đại học Minnesota (Mỹ). Tương tự, Đan Tâm hiện là trợ lý nghiên cứu một số dự án ở Đại học Fulbright và Đại học Yale. Song song, Tâm theo đuổi dự án nghiên cứu độc lập nhằm chuẩn bị cho mục tiêu chinh phục chương trình cao học ngành Tâm lý.
Khai phóng bản thân – con đường ngắn nhất chinh phục tương lai
40% tín chỉ để tốt nghiệp Đại học Fulbright thuộc môn học mang tính liên ngành, tiếp nối truyền thống giáo dục khai phóng ở các trường đại học Mỹ. Sau khi nắm vững kiến thức nền tảng, khám phá đa dạng bộ môn, sinh viên Fulbright được xác định chuyên ngành vào cuối năm hai, đầu năm ba.
“Chương trình học ở Fulbright như đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều nhánh rẽ. Việc trải nghiệm tất cả nhánh rẽ giúp mình biết bản thân thực sự thích gì, giỏi cái gì và muốn làm gì”, Phúc Ngân cho biết.
Khởi đầu từ môn học nền tảng như Khám phá khoa học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam hiện đại đến môn học chuyên sâu như Tâm lý Phát triển, Tâm lý xã hội ứng dụng, Khoa học thần kinh, Phúc Ngân tìm được lĩnh vực yêu thích, từng bước chứng tỏ khả năng nghiên cứu của nhà khoa học.
Tại hội thảo quốc tế “Sức khỏe tâm thần ở Đông Nam Á 2022”, Ngân cùng Đan Tâm vàbạn học trình bày dự án nghiên cứu “Nhận thức, thái độ và độ phổ biến của bạo hành gia đình đối với sinh viên Việt Nam” và nhận giải thưởng trị giá 2.000 USD. Đây là dự án các bạn thực hiện trong lớp học Các phương pháp nghiên cứu và thống kê tại Fulbright. Để đạt tín chỉ, sinh viên cần đề xuất và triển khai dự án nghiên cứu của riêng mình.
Từ tháng 6/2020 đến tháng 9/2022, Ngân và nhóm nghiên cứu của TS Sirikantraporn – giảng viên Tâm lý học Fulbright – hoàn thành các dự án khoa học về bạo lực giới ở Việt Nam, đời sống gia đình và sinh viên trong đại dịch. Kết quả nghiên cứu của dự án được in trên tạp chí khoa học và trình bày tại hội thảo quốc tế.
Trong bài luận ứng tuyển chương trình tiến sĩ ngành Tâm lý Phát triển của Đại học Minnesota, Ngân nêu bật đề tài muốn phát triển nghiên cứu: Sang chấn liên thế hệ. Nhờ kinh nghiệm đóng góp cho dự án nghiên cứu của các tiến sĩ ở Đại học Minnesota, Đại học New York, Đại học Stanford, Ngân hiểu rõ tác nhân như chiến tranh, đói nghèo, bạo lực ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe thể chất và tinh thần con người.
“Thế hệ mình và cha mẹ có nhiều thứ không hiểu nhau. Những dư âm từ quá khứ, thuộc về thế hệ trước vẫn ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Nhiều khúc mắc hiện diện trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Đó là lý do mình muốn làm nghiên cứu, để học, để hiểu thêm và tìm ra giải pháp phụng sự cộng đồng”, Ngân nói thêm.
Dành thời gian lắng nghe, trải nghiệm và chọn tương lai
Khi còn học ở Fulbright, Đan Tâm từng thực tập vị trí marketing và truyền thông tại các công ty lớn. Đây cũng là khoảng thời gian Tâm nhận thấy bản thân không hợp công việc, môi trường ngành. Quyết định theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học là con đường đi ngược định hướng mà Tâm và gia đình đặt ra.
Tâm chọn Tâm lý học vì muốn cộng đồng thấu hiểu, lắng nghe và chia sẻ góc nhìn bao dung với người xung quanh. “Và để mình bao dung hơn với bản thân”, Tâm nói.
Dù đạt điểm cao trên lớp, Tâm từng nghĩ bản thân chưa đủ giỏi để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu hay giảng dạy. Bước ngoặt lớn trong đời Tâm xảy đến sau cuộc trò chuyện với TS Matthew McDonald – cố vấn học thuật ở Fulbright.
Tâm sự với Tâm, thầy bảo việc nghiên cứu và đi dạy không quá cao siêu. Có nhiều thứ mà người làm nghề như thầy vẫn chưa tìm thấy, biết hết câu trả lời.
“Nếu thích đọc bài viết khoa học, thích học hỏi, tìm tòi và chia sẻ khám phá của mình đến mọi người, em đã có trong tay mọi thứ để theo đuổi công việc này”, Tâm nhớ lại lời chia sẻ của thầy giáo.
Tâm đang hoàn thành luận án tốt nghiệp về trải nghiệm phân biệt giới của phụ nữ khi làm việc trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Theo quan sát của Tâm, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động cao. Dù vậy, trải nghiệm của nữ giới ở môi trường làm việc có dễ chịu, thoải mái và bình đẳng?
“Mình biết thực tế có những câu chuyện không hay, nhưng nếu không ai đào sâu, cung cấp bằng chứng khoa học cụ thể, mọi người sẽ khó nhận thấy bức tranh toàn cảnh, thậm chí làm ngơ và không nghiêm túc giải quyết vấn đề”, Tâm nhìn nhận.
Cuối năm 2022, Tâm ứng tuyển thành công vị trí trợ lý nghiên cứu dự án ở Đại học Yale về tác động chiến tranh đến sức khỏe tâm thần và cấp độ lão hóa của người lớn tuổi tại miền Trung Việt Nam. Dự án được dẫn dắt bởi GS Maria Gendron và TS Kathy Trang.
Tự nhận bản thân bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu trễ hơn mọi người, Tâm muốn dành một năm sau tốt nghiệp Fulbright để thu nạp thêm kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện hồ sơ, từ đó chinh phục tấm bằng cao học ngành Tâm lý học ở các trường đại học quốc tế. Chủ đề nghiên cứu tâm huyết nhất của Tâm là phân biệt giới tính, bình đẳng giới và làm sao thúc đẩy sáng kiến cộng đồng vì sức khỏe tâm thần ở Việt Nam.
Nguồn: Zing News