Gần một tháng đã trôi qua kể từ ngày 24 tháng 6 năm 2023, nhưng những cảm xúc nghẹn ngào của Lễ Tốt nghiệp 2023 vẫn chỉ như ngày hôm qua. Hôm ấy là Lễ Tốt nghiệp đầu tiên của Chương trình Cử nhân Đại học Fulbright Việt Nam, đánh dấu một cột mốc đáng tự hào trong sứ mệnh tái định nghĩa giáo dục đại học ở Việt Nam. Có thể nói, đây là thành quả đầu tiên của nhiều năm cống hiến bằng sự tận tâm và kiên định của tập thể các sinh viên, giảng viên, nhân viên, phụ huynh và đối tác của Fulbright.
Một ngày tự hào và nhiều cảm xúc
Ngay từ sáng sớm, Ban Lãnh đạo, Giảng viên và sinh viên nhà trường đã tập trung tại khuôn viên Trường bên Hồ Bán Nguyệt và đi diễu hành. Trong không khí trong lành của buổi sáng cuối tuần, khi những cơn gió nhè nhẹ thổi qua làm tung bay những tà áo cử nhân màu xanh và các dải khăn quàng lụa, ai cũng tự hào và đầy xúc động.
Bắt đầu buổi lễ tại Trung Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Chủ tịch Sáng lập của Fulbright, bà Đàm Bích Thúy đã thực hiện một nghi thức hết sức ý nghĩa. Bà hướng dẫn các sinh viên đứng lên, hướng về những bậc sinh thành của mình và cúi đầu cảm ơn gia đình vì đã luôn yêu thương, ủng hộ các bạn trong chặng hành trình vừa qua. Đó là một khoảnh khắc đẹp đẽ, đầy xúc động cho cả sinh viên và phụ huynh khi tất cả cùng nhìn lại những thăng trầm trong 4-5 năm đại học. Nhiều giọt nước mắt đã rơi và sự biết ơn trân trọng ngập tràn.
Bà Đàm Bích Thúy nhớ về những ngày đầu tiên khi Fulbright còn là một ý tưởng được nhắc tới trong buổi trò chuyện vui vẻ, tương tự như khi sinh viên cùng tâm tình với nhau vào đêm muộn trong kí túc xá:
“Vào một ngày năm 2007 chưa xa lắm. Ben Wilkinson và Tommy Vallely ghé thăm tôi ở Hà Nội. Thời điểm đó, tôi vẫn đang điều hành Ngân hàng ANZ tại Việt Nam. Rồi đột nhiên Tommy hỏi tôi về việc xây dựng một trường đại học kiểu Mỹ ở Việt Nam.”
Và rồi, vào năm 2015, một bản đề xuất được đệ trình lên phái đoàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm của ông tại Hoa Kỳ. Chính phủ đã chính thức cấp phép đầu tư cho Dự án Đại học Fulbright Việt Nam. Đến năm 2016, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chính thức công bố sự thành lập của Đại học Fulbright Việt Nam.
Giáo dục Khai phóng tại Việt Nam: Tầm nhìn mới cho giáo dục thế kỉ 21
Trong bài phát biểu của mình, PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh giáo dục đào tạo đã luôn góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Tiếp bước Chương trình Học bổng Fulbright được khởi động vào năm 1922 và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tiền thân của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đi vào hoạt động vào năm 1994, Đại học Fulbright Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ hợp tác giáo dục tốt đẹp giữa hai quốc gia. Sáng kiến thành lập Fulbright phát huy những tiềm lực trong quá trình hợp tác giữa hai nước, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam học tập trong môi trường hiện đại, được trang bị những phẩm chất kĩ năng đáp ứng nhu cầu của thế kỉ 21, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của nước nhà.
Đồng ý với GS Nguyễn Văn Phúc, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định Đại học Fulbright Việt Nam là kết quả tốt đẹp của quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. “Các tân cử nhân Khóa 2023 thân mến, các bạn là thành quả của nỗ lực hàn gắn mối quan hệ ngoại giao từng được coi là không thể giữa hai đất nước. Lúc này đây, khi chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, không một biểu tượng nào chứng minh cho tình bạn tốt đẹp giữa hai quốc gia tốt hơn các bạn — các tân cử nhân đầu tiên của Fulbright.”
Bà cũng nhấn mạnh sự vượt trội của mô hình giáo dục khai phóng khi giúp mỗi cá nhân nuôi dưỡng tư duy phản biện, kĩ năng giải quyết vấn đề và cống hiến cho xã hội. Giáo dục khai phóng cũng truyền cảm hứng cho niềm đam mê học tập suốt đời và trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để linh hoạt trong thế giới biến động ngày nay. Mô hình giảng dạy giáo dục khai phóng là một trong những lí do hệ thống giáo dục đại học của Mỹ luôn được đánh giá cao trên toàn thế giới.
Lấy cảm hứng từ mô hình giáo dục khai phóng, Đại học Fulbright đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của bối cảnh Việt Nam khi nỗ lực truyền cảm hứng cho sinh viên đối mặt giải quyết các vấn đề trong chính cộng đồng và khu vực. Sinh viên Fulbright là những nhân tố quyết định trong việc thiết kế một chương trình học đẳng cấp quốc tế nhưng bắt rễ sâu sắc vào xã hội Việt Nam. Phan Thục Anh, tân cử nhân ngành Kinh tế và cựu Chủ tịch Hội sinh viên Fulbright, được các bạn cùng khóa bầu chọn đại diện phát biểu. Nhìn lại chặng đường đồng kiến tạo tại Fulbright, cô bạn dóm dỉnh. “Lẽ ra chúng ta có thể chọn một ngã rẽ thông thường hơn, nhưng chúng ta đã chọn sứ mệnh tái định nghĩa giáo dục đại học ở Việt Nam. Trừ khi bạn quyết định chọn Fulbright vì một lí do tình cờ nào đó, quyết định đó cho thấy chúng ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro, có tinh thần vì cộng đồng và đủ can đảm để dấn thân vào một khái niệm mới mà chúng ta cho rằng có thể tác động lớn đến cuộc sống của người khác. Điều tuyệt vời hơn là chúng ta không chỉ đơn thuần tán thành ý tưởng đó mà chúng ta thực sự giúp biến nó thành hiện thực.”
Để bắt rễ giáo dục khai phóng Hoa Kỳ vào xã hội Việt Nam, các sinh viên được yêu cầu giải phóng bộ não của mình và học lại mọi thứ. Theo Thục Anh, các bạn đã trải qua một quá trình mà học tập “chuyển hóa” với những thay đổi trong cách nhận thức và quan điểm. Sinh viên bắt đầu nhìn thế giới không chỉ từ một mà từ nhiều quan điểm đa ngành, bắt đầu đặt những câu hỏi cơ bản như điều gì là tốt, điều gì là đạo đức và điều gì là đúng. Ngay cả khi các bạn chắc chắn điều gì đó là đúng, Tiến sĩ Kinho Chan – Giảng viên sáng lập ngành Khoa học Tích hợp – sẽ lại chất vấn “Các em có thực sự chắc chắn chưa?”
Công nghệ và Nhân loại: AI và Tác động xã hội
Tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo và Máy học đánh giá: “Kinh nghiệm của các bạn trong việc giúp dựng xây Fulbright – một tổ chức học thuật mới thành lập khi các bạn gia nhập trường 5 năm trước – sẽ là hành trang quý báu giúp các bạn sẵn sàng dấn thấn vào thế giới bất định ngày nay. Đây cũng là lý do khiến tôi tin rằng các bạn sẽ thành công không chỉ trong việc ứng biến linh hoạt với tương lai, mà còn làm sao để kiến tạo tương lai.”
Tiếp lời, ông cho rằng Fulbright đã và đang kiến tạo cơ hội mới cho thế hệ trẻ Việt Nam – những bạn trẻ với khát vọng không khác gì ông của 20 năm trước, với mơ ước tìm ra những cách thức mới để đóng góp cho nhân loại – dù đó là thông qua đổi mới công nghệ, đổi mới chính sách, khởi nghiệp, hay hoạt động nghệ thuật.
Trong bài phát biểu của ông, TS Lê Viết Quốc nhìn nhận những lo ngại liên quan đến Trí tuệ nhân tạo. Ông nhận định: “Một tính năng độc đáo của AI đến từ việc đây vẫn là một lĩnh vực mở, là sân chơi dành cho mọi người. […] Câu hỏi AI tốt hay xấu, hoàn toàn phụ thuộc vào tôi và bạn. Ở AI, bạn có trong tay một công cụ cực kỳ mạnh mẽ. Tôi mong rằng bạn sẽ tận dụng AI như cách công nghệ này đang đem đến cho thế hệ trẻ và các nước đang phát triển như Việt Nam những cơ hội mới. Và tôi mong rằng thế hệ của tôi và thế hệ tương lai sẽ sử dụng AI nhằm phụng sự nhân loại.”
Tương lai phía trước dành cho các Cử nhân đầu tiên của Fulbright
Nổi bật nhất phải kể đến Lễ trao bằng cho các Tân cử nhân Fulbright, khi từng bạn bước lên sân khấu theo cá tính độc đáo của riêng mình. Có bạn nhảy, có bạn múa, có bạn còn mang cả pháo giấy và hoa để chiếm trọn mọi ánh nhìn. Nhiều bạn kính cẩn cúi đầu, tri ân các giảng viên và bạn bè đã đồng hành với mình qua một hành trình đầy thử thách.
Xen giữa các nghi thức của chương trình, dàn hợp xướng tài năng của Fulbright đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc từ niềm tự hào, hạnh phúc đến xúc động. Các bạn đã mang tới các ca khúc kinh điển như “All You Need Is Love,” “Across the universe,” liên khúc “I Have a Dream and I am still standing”, và “Set It All Free.” Khi “I have a dream” và “Across the universe” vang lên, các tân cử nhân được quay về những ngày đầu tiên khi bước chân vào cánh cửa Fulbright, khi các bạn còn là những cô bé, cậu bé năm nhất đại học.
Lễ Tốt nghiệp đầu tiên của Chương trình Cử nhân Đại học Fulbright Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt trong sứ mệnh tái định nghĩa giáo dục đại học tại Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc khẳng định, “Bảy mươi hai tân cử nhân sẽ mãi mãi đi vào lịch sử của Đại học Fulbright Việt Nam”. Khi bắt đầu hành trình và ghi lại những dấu ấn của riêng mình trên thế giới, các bạn hoàn toàn có thể tự hào vì đã góp phần xây dựng nền tảng cho một trường đại học non trẻ với tiềm năng to lớn mang tới cho thế hệ tiếp theo của Việt Nam vô vàn cơ hội trọn đời.
Phương Mai