Tin Tức

Di sản Hán-Nôm & những hợp tác tiềm năng Fulbright-Osaka

image

Hán-Nôm là một chủ đề hấp dẫn nhưng thách thức và phức tạp trong nghiên cứu Việt Nam. Việc nghiên cứu Hán Nôm tưởng chừng chỉ giới hạn trong Viện Hán Nôm và khoa Hán Nôm của các trường đại học tại Việt Nam. Vậy nên, trong buổi giao lưu ngày 29/08/2024 với đoàn nghiên cứu từ Nhật Bản và Đại học Văn hoá do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tổ chức, nhiều sinh viên Fulbright đã rất bất ngờ khi thấy những người bạn Nhật không những sõi tiếng Việt, mà lại còn rất đam mê nghiên cứu Hán-Nôm – một di sản ngôn ngữ sáng tạo nhưng cũng đầy thách thức của người Việt từ nhiều thế kỷ trước.

Ngoại quan Đông Á: Trò chuyện cùng Giáo sư Shimizu, nhà Việt Nam học người Nhật

Buổi giao lưu hân hạnh có sự góp mặt của GS. Shimizu Masaaki, người được chương trình “Cà phê sáng với VTV3” miêu tả gần gũi “giáo sư người Nhật thích ăn rau muống xào và cà muối Việt”. Bằng vốn tiếng Việt mộc mạc, GS. Shimizu đã truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên Fulbright trong việc “học Việt Nam, hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam” với những chia sẻ về tình cảm sâu đậm của ông dành cho tiếng Việt và văn hoá Việt. Ông cũng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến TS. Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, giảng viên ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam, người đã giúp đỡ ông trong một hành trình dài nghiên cứu các tài liệu Hán-Nôm.

Buổi giao lưu hân hạnh có sự góp mặt của GS. Shimizu Masaaki, một nhà nghiên cứu Hán-Nôm tâm huyết.

Shimizu hiện là giảng viên tiếng Việt tại khoa Ngoại ngữ của Đại học Osaka. Ông đã bén duyên với tiếng Việt từ khi còn là sinh viên Đại học Osaka vào những năm 80. Sau thời gian học tiếng Việt tại Hà Nội vào năm 90-91, ông quay về Nhật và tiếp tục những công trình nghiên cứu sâu về tiếng Việt và chữ Nôm như Từ Hán Việt trong từ điển của Alexandre de Rhodes, Phục âm cách phát âm tiếng Việt vào thế kỷ 15 bằng sử dụng các tư liệu chữ Nôm, Một số tái tạo ngữ âm học của người Việt qua việc sử dụng chữ Nôm. GS. Shimizu cũng được biết đến với những đóng góp độc đáo trong nghiên cứu về chữ Nôm Tày với các văn bản cúng tế của người Tày bằng chữ Nôm.

Đến với buổi giao lưu với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Fulbright, GS. Shimizu giới thiệu về công trình mới nhất của ông, Lịch sử phương ngữ Nam Bộ qua tư liệu Hán Nôm. Đồng thời, ông cũng nhắc đến những khám phá gần đây của ông về văn bản chữ Nôm Phật Thuyết Thiên Địa Bát Dương Kinh với sự hỗ trợ của thầy Nguyễn Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông và thầy Phạm Văn Luân (ĐH Văn hoá), cùng các nhà nghiên cứu người Pháp từ Viện Viễn Đông Bác Cổ, đã có những chuyến đi thực địa tại Bến Tre để tìm hiểu và bảo tồn các tài liệu chữ Nôm chưa được biết đến của cụ Nguyễn Đình Chiểu do bà Châu Anh Phụng lưu giữ.

 Buổi giao lưu còn có sự góp mặt của những nhà Việt Nam học người Nhật khác như TS. Izawa Ryosuke (Trường Cao Đẳng Shiga) với nghiên cứu Nghệ thuật sân khấu múa rối nước và tài liệu Hán Nôm, cũng như Nghiên cứu sinh Uchida Kazu (ĐH Osaka) với nghiên cứu Cấu trúc chữ Nôm trong tác phẩm Quốc Phong Thi Tập Hợp Thái. Thông qua những công trình học thuật về Việt Nam của những người bạn Nhật Bản, sinh viên Fulbright được tiếp cận với Việt Nam qua góc nhìn “ngoại quan Đông Á” – hiểu về Việt Nam qua lăng kính của những nhà nghiên cứu đến từ Đông Á. Các bạn trẻ cũng hiểu thêm về sự hấp dẫn của đề tài tiếng Việt & văn hoá Việt trong thế giới học thuật toàn cầu. Bạn Võ Hoàng Bảo Ngân, sinh viên năm 3 của Fulbright, chia sẻ: “Em rất ấn tượng khi thấy người Nhật đã dày công tìm tòi, lưu trữ và nghiên cứu những tài liệu về Việt Nam cận đại. Họ khiến em tự hào về tiếng Việt của mình, cũng như hiểu thêm về những giao thoa văn hoá Việt-Nhật.”

Số hoá Việt Nam & những hợp tác tiềm năng với Nhật Bản

Trong buổi giao lưu, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam đã giới thiệu với GS. Shimizu và các nhà nghiên cứu Việt Nam dự án Số hoá Việt Nam, một hợp tác của Fulbright và Đại học Columbia (Hoa Kỳ) với số tiền tài trợ 600.000 USD từ quỹ Henry Luce. Số hoá Việt Nam đang sở hữu kho lưu trữ số Hán-Nôm lớn nhất Việt Nam với hơn 2300 văn bản từ thư viện quốc gia Việt Nam, chùa Phổ Nhân, chùa Thắng Nghiêm, cùng các văn bản kinh điển của Nôm Foundation như Lục Vân Tiên, Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương. Cùng với Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, dự án đồng thời cũng đang phát triển các công cụ số giúp xử lý hình ảnh tư liệu Hán Nôm thành văn bản, cũng như hỗ trợ chú giải văn bản bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.

Khi được nghe GS. Shimizu giới thiệu về kho lưu trữ số Hán-Nôm tại Đại học Kyoto và Osaka, TS. Vũ Minh Hoàng, giảng viên môn Lịch sử tại Fulbright và cố vấn cho dự án Số Hoá Việt Nam, đã đề nghị tích hợp kho lưu trữ số Hán-Nôm tại Nhật vào kho lưu trữ Hán-Nôm của Số hoá Việt Nam. TS. Vũ Minh Hoàng cũng bày tỏ hy vọng các nhà nghiên cứu Hán Nôm tại Nhật Bản và Việt Nam sẽ chung tay sử dụng các công cụ số của dự án Số hoá Việt Nam để chú giải các văn bản Hán- Nôm, giải mã và phổ cập những tinh hoa của văn hoá Việt đến công chúng.

TS. Vũ Minh Hoàng, giảng viên môn Lịch sử tại Fulbright và cố vấn cho dự án Số Hoá Việt Nam, đã đề nghị tích hợp kho lưu trữ số Hán-Nôm tại Nhật vào kho lưu trữ Hán-Nôm của Số hoá Việt Nam.

Phạm Văn Luân, một nhà nghiên cứu, bảo tồn văn hoá Việt Nam tại Đại học Văn hoá, nhấn mạnh sự cần kíp của việc số hoá di sản. Trong chuyến thực địa về Bến Tre cùng GS. Shimizu, TS. Phạm Văn Luân đã phát hiện những tài liệu Hán-Nôm quý hiếm như các sổ tay trị bệnh gia truyền đang trong tình trạng phân rã, lại được lưu giữ trong môi trường độ ẩm cao. TS. Phạm Văn Luân mong muốn Trường Đại học Fulbright Việt Nam sẽ tham gia cùng Đại học Văn hoá, Viện Viễn Đông Bác Cổ và các nhà nghiên cứu người Nhật trong công cuộc bảo tồn di sản này. Đáp lại, TS. Nguyễn Nam cũng nhấn mạnh tinh thần hợp tác, chia sẻ của dự án Số hoá Việt Nam. Di sản Việt là di sản chung, và số hoá di sản Việt phải là một công trình liên viện, liên quốc gia. 

Phạm Văn Luân, một nhà nghiên cứu, bảo tồn văn hoá Việt Nam tại Đại học Văn hoá, nhấn mạnh sự cần kíp của việc số hoá di sản.

Buổi giao lưu kết thúc với lời đề nghị của GS. Shimizu về việc thiết lập một chương trình trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Osaka. Giáo sư rất mong các sinh viên người Nhật của ông sẽ có cơ hội gắn bó sâu sắc hơn với Việt Nam thông qua việc học hỏi từ cộng đồng Fulbright và thực hiện một hành trình nghiên cứu-học tập xuyên biên giới Nhật-Việt, hành trình mà cá nhân ông đã miệt mài theo đuổi trong gần bốn thập kỷ qua.

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer