Tin Tức

Trên hành trình chinh phục Fulbright, cảm xúc nào đi cùng bạn?

image

Hành trình nộp đơn vào Fulbright chắc hẳn đã đưa các bạn Khóa 2028 đi qua vô vàn các cung bậc cảm xúc khác nhau.

Hào hứng, ngượng ngùng, hoài niệm, chán, lo lắng, sợ sệt, buồn bã hay ghen tị – tất cả những cảm xúc ấy đều đáng được đón nhận và trân trọng. Có những cảm xúc này, hành trình tới Fulbright của tân sinh viên mới thêm phần rực rỡ và đáng nhớ.

Hãy lắng nghe những tâm tình của sinh viên Khóa 2028 về những cảm xúc đã cùng gắn bó trong quá trình nộp đơn vào Fulbright nhé!

Hào hứng – Phương Thảo

Ngay từ nhỏ, mình đã “ôm mộng” được học trong một môi trường Giáo dục Khai phóng, một trường đại học “mở” và có nhiều người bạn mới từ các vùng miền khác nhau. Fulbright đến với cuộc đời mình khi mình đang tìm đường đi đến ước mơ ấy.

Mình đã chuẩn bị và lên kế hoạch kỹ cho Bộ hồ sơ, nên mình luôn tự tin và tràn đầy hào hứng trong suốt thời gian ứng tuyển. Mình tìm được những người bạn cùng chí hướng với mình, học hỏi được thêm nhiều điều về Giáo dục Khai phóng, có thêm được thật nhiều kiến thức từ việc tham gia hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, mình có thêm trải nghiệm viết luận từ sáng đến đêm, “ăn ngủ” cùng những bản nháp dở dang.

Mình được ngồi lại, xem lại những thước phim của một tuổi trẻ đầy rực rỡ của chính mình. Mình cảm thấy mình đã thật thành công, khi mình đủ quyết tâm, hoài bão và đam mê để đi được đến cuối cùng, hoàn thành lá đơn và có được một vị trí trong ngôi trường dấu yêu mà mình luôn mong ước.

Con đường mình đến Fulbright là một con đường “hào hứng” của đứa trẻ bên trong mình – một đứa trẻ ham học hỏi và đầy năng lượng khám phá. Thật may mắn, vì khi mình hào hứng lao vào Fulbright, thì Fulbright cũng chào đón mình với tất cả sự nhiệt thành và trân quý.Fulbright ơi, mình đã sẵn sàng rồi. Mình yêu Fulbright lắm, còn bạn thì sao?

Ghen tị – Hồng Phúc

Trước khi biết đến Fulbright, mình chưa bao giờ hết lo lắng vì chưa thể khẳng định rõ đâu mới là môi trường đại học phù hợp với mình. Vì lo lắng nhiều nên mình sớm bắt tay vào công việc chuẩn bị và tìm kiếm các cơ hội. Mình tự hỏi: “Mình là ai?”, “Mình đã làm được gì”, “Mình có những câu chuyện đặc biệt và riêng biệt gì?” Cùng với đó, mình dành thời gian ghi lại cả những suy nghĩ ngẫu nhiên nhất. Biết đâu nó sẽ giúp mình hiểu thấu mình hơn, phải không?

Trong hành trình hoàn thành Bộ hồ sơ, cảm xúc đặc biệt nhất với mình chắc hẳn là sự ghen tị. Mình ghen tị vô cùng tận bởi các bạn đồng trang lứa ai cũng giỏi giang, làm mọi thứ với sự say mê, nghiêm túc và máu lửa.

“Giá như…”

“Phải chi…”

Lúc đó, mình ước mình có ít gì đó giống như các bạn. Mình ghen tị đến mức hoài nghi nỗ lực của bản thân.

Tuy nhiên, việc làm quen với cảm xúc ghen tị thúc đẩy mình trở nên kỷ luật và nỗ lực hơn cho việc học, xây dựng bản thân và mở rộng quan hệ trong năm cuối cấp. Mình học cách xoay chuyển sự ghen tị thành động lực cho chính mình.

Nhìn lại, mình thấy sự mạo hiểm khi lúc đó mình chỉ đặt cược vào mỗi Fulbright. Mình cũng cảm thấy may mắn trong lần cược này và hào hứng khi trở thành một sinh viên Khóa 2028. Một tháng cuối trước khi ấn nút nộp hồ sơ ứng tuyển, mình tập trung hoàn toàn vào việc nhìn lại, tổng hợp và hoài niệm thật nhiều điều để mang vào bài luận – nơi kể lại trải nghiệm, góc nhìn, bài học và định hướng của mình.

Đến bây giờ mình vẫn còn nhiều cảm xúc lẫn lộn cho hành trình đã qua và cho những điều sắp tới. Tuy nhiên, mình tin Fulbright sẽ là hộp chứa nhiều xúc cảm và trải nghiệm mới đối với mình!

Chán – Giáng My

Hành trình mình đến với Fulbright đôi lúc đi kèm với những lúc mình… chán. Mình đã gần như từ bỏ ở những ngày cuối gần hạn nộp đơn, vì lúc ấy mình lo lắng rằng bản thân mình không nổi bật và mông lung về tương lai. Thời gian ấy khi các bạn đồng trang lứa đã có những lựa chọn và bến đỗ đại học còn mình thì chưa.

Mình bị quá tải với những gì xảy ra xung quanh và bị bao trọn bởi cảm xúc chán. Thật may mắn, trong những giây phút cuối, mình có gia đình ủng hộ và thúc đẩy động lực để vực dậy và hoàn thành tiếp lá đơn. Mình thấy, chán để dừng lại một chút, dành thời gian suy ngẫm và tiếp thêm niềm tin để đi tiếp.

Fulbright đến với mình như một định mệnh và không có kế hoạch từ trước. Đôi lúc mình còn do dự nhưng khi đặt chân vào Fulbright, môi trường ở đây đã cho mình thấy sự quan trọng của sự khác biệt, dám nghĩ dám làm và hãy thể hiện màu sắc riêng của chính mình.

Lúc này một cảm xúc mới len lỏi trong mình là hoài niệm. Mình hoài niệm về hành trình đã trải qua, những khoảnh khắc trong quá khứ, những thứ mà mình đã cố gắng gặt hái được để rồi không cảm thấy tiếc nuối về nó.

Hoài niệm – Đắc Vọng

Hành trình nộp đơn vào Fulbright với mình là khoảng thời gian đáng nhớ và nhiều kỷ niệm. Đó là giai đoạn mà mình được nghiền ngẫm, phản tư lại những điều mà mình đã trải qua trong hành trình tập lớn. Sự chuẩn bị của mình bắt đầu từ những đêm thao thức suy tư và những mảnh giấy ghi chú chi chít trên tường. Mọi thứ như một cuộn phim tua lại những ký ức của cuộc đời.

Mình nhớ lại những kỷ niệm giữa mình và mẹ, biết ơn sự kiên cường và những gì mẹ đã làm cho mình. Mình nhớ có hôm phỏng vấn thử với chị “mentor”, chị đã hỏi một câu hỏi về mẹ. Mình đã trải lòng với chị mà không biết mẹ ở sau và nghe hết những gì mình chia sẻ. Mình vui lắm, tuy là không nói theo một cách trực tiếp, nhưng mình rất hạnh phúc vì mẹ đã nghe được những điều mà mình muốn nói với mẹ từ lâu.

Mình cũng nhớ lại những kỷ niệm của mình, với mình. Mình nhớ lại những giọt nước mắt hạnh phúc ở Olympic 30/4, những tràng vỗ tay ở Trại truyền thống và cả những ngày học miệt mài ở Khu nội trú trường Chuyên Lê Quý Đôn. Mình tự hào vì cậu nhóc ngày ấy đã lớn, đã nhận ra bản thân tốt hơn mình nghĩ rất nhiều, đã biết được rằng nếu bản thân nỗ lực thì không gì là không thể và đã dám thử thách để sống không hối tiếc.

Ngượng ngùng – Ngọc Ánh

Thật kỳ lạ khi mình chọn cảm xúc Ngượng Ngùng nhỉ?

Nhưng thật sự trong quá trình hoàn thành Bộ hồ sơ Fulbright, mình đã từng đấu tranh với cảm xúc này rất nhiều. Mình thích tự suy ngẫm và viết chia sẻ, nhưng chỉ dám giữ cho riêng bản thân mình. Nộp đơn vào Fulbright là lần đầu tiên mình chia sẻ nhiều điều về bản thân với Ban Tuyển sinh, vì thế mình cảm thấy rất ngại ngùng.

Mình đã quyết định đưa những bản nháp bài luận, hoạt động ngoại khóa cho những người bạn thân thiết nhất đọc trước. Khoảnh khắc mình tiết lộ cho các bạn về điều kiện sức khỏe của mình, mình đã rất e ngại sẽ bị đối xử như một bệnh nhân. Tuy nhiên, thật bất ngờ, mình đã nhận lại được sự lắng nghe và đồng cảm từ các bạn.

Nhờ vậy, mình đã mở lòng và học cách chia sẻ cho những người mình thương yêu nhiều hơn. Đó cũng là lúc mình cảm thấy bản thân đã sẵn sàng chia sẻ hành trình chiến đấu với căn bệnh ấy vào bộ hồ sơ Fulbright. Mặc dù còn nhiều ngại ngùng và lo sợ, nhưng cuối cùng mình cảm thấy được thấu cảm và nhẹ lòng hơn.

Mình dần xem việc viết phản tư cho Bộ hồ sơ giống như đang tâm tình với những người thân thương. Không còn cảm giác áp lực hay căng thẳng, mình đã thật sự tận hưởng quá trình viết này.

Đối với mình, không có cảm xúc nào là thừa thãi, vô dụng. Mình thấy biết ơn khi bản thân đã dám ngượng ngùng để rồi dám nói ra, dám viết xuống. Mình biết mình mạnh dạn, tự tin chỉ khi mình từng ngượng ngùng.

Lo lắng – Duy Ân

Cơ duyên đưa mình đến với Fulbright là một buổi tọa đàm của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. Từ sự tò mò về một ngôi trường với mô hình Giáo dục Khai phóng, mình đã quyết định nộp hồ sơ với mong muốn được bước chân vào Fulbright để khám phá và thử sức ở nhiều ngành học/lĩnh vực mà bản thân cảm thấy hứng thú. Tuy nhiên, sự hào hứng ban đầu qua đi để lại những nỗi lo lắng trong mình – một sinh viên đại học năm hai khi ấy. “Liệu có quá trễ để bắt đầu lại từ đầu hay không?” “Liệu những hình dung ban đầu của mình có đúng không?” Đặc biệt là nỗi lo khi phải đối diện với việc bước chân ra khỏi vùng an toàn bấy lâu, để tự mình định nghĩa lại con đường sắp đi.

Nhờ lời động viên của gia đình, nhất là ba mẹ dù đã ở ngưỡng tuổi ngũ tuần vẫn luôn trau dồi thêm ngoại ngữ mới. Ba mẹ mình luôn tin: “Việc học là không giới hạn ở mọi lứa tuổi”. Đây là niềm an ủi và động lực to lớn giúp mình kiên định hơn với điều đã chọn.

Hành trình nộp đơn của mình ấn tượng hơn cả vì đây là dịp để mình đối diện với chính mình một lần nữa thông qua việc viết bài luận và mày mò làm Orgirinal Piece of Work. Ngồi nhìn lại trải nghiệm và kỷ niệm của những hoạt động đã tham gia, mình bất giác mỉm cười: “Hóa ra mình cũng từng “đỉnh” như vậy sao.”

Những kí ức ấy để lại trong mình một sự hoài niệm và biết ơn sâu sắc. Biết ơn mọi người vì đã góp phần tạo nên Duy Ân của ngày hôm nay. Biết ơn chính mình vì đã cố gắng đến tận giây phút này.

Xen lẫn với niềm vui và tự hào khi nhận giấy báo trúng tuyển là đôi chút lo lắng về hành trình sắp tới. Tuy nhiên, nỗi lo ấy dường như dịu đi khi mình tập trung vào hiện tại: mình đã là sinh viên Fulbright, được sống bên cạnh những người mình yêu thương, và tự tin trao cho bản thân thêm những cơ hội mới.

Buồn bã – Ngân Hà

Những ngày ngồi cặm cụi tìm kiếm những mảnh cảm xúc, những trải nghiệm và những bài học để hoàn thành ước mơ về Fulbright, mình đã trải qua một nỗi buồn rất lạ. Những câu hỏi Fulbright mang đến cho chúng mình không khó, nhưng lại cần rất nhiều thời gian để phản tư và nghiền ngẫm.

Đây cũng là lúc mình đối diện với những câu chuyện và suy nghĩ chân thật nhất của bản thân – điều mà mình luôn sợ hãi vì nó mang đến rất nhiều nỗi buồn. Mình nhận thấy, vì một vài sự tự ti, một vài sự không nhất quán, và một chút thiếu quyết tâm, mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong quá khứ.

Tuy vậy, chính hành trình nộp đơn vào Fulbright đã giúp mình nhận ra rằng mình đã cố tình bỏ qua cảm xúc buồn bã. Buồn bã là một phần trong mình, và cảm xúc này cũng đang giúp mình tốt hơn từng ngày.

Hành trình apply Fulbright là hành trình khám phá chính mình, bắt đầu từ việc trân trọng và đón nhận mọi cảm xúc. Mình chấp nhận rằng có những khoảnh khắc mình muốn khóc, vì đó là là cảm xúc thuần túy và tự nhiên, là tín hiệu để mình hiểu bản thân đang cần được thấu hiểu và cần thay đổi.

Sợ sệt – Tam Phong

Trong quá trình hoàn thành Bộ hồ sơ, mình đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phần phản tư và bài luận. Để đến được bản viết cuối cùng, mình đã viết lại rất nhiều. Càng viết nhiều, nỗi lo lắng trong mình càng xuất hiện nhiều. Mình lo lắng về cơ hội được theo học tại trường, càng lo lắng hơn về khả năng của bản thân khi luôn không hài lòng với những bản nháp.

Tuy nhiên, sau mỗi lần tự nản vì viết không tốt, mình đều lấy lại niềm tin và tự đứng dậy bước tiếp trên hành trình không mấy dễ dàng này. Mỗi lần có ý tưởng mới, dù đang làm gì, mình cũng sẽ dừng lại và ghi chú vào một cuốn sổ nhỏ. Từ đó, mình có một kho ý tưởng để khai thác sâu hơn và xây dựng được một bài viết thể hiện được bản thân mình.

Hành trình nộp đơn của mình gắn liền với rất nhiều nỗi sợ. Mình sợ bản thân không đủ giỏi, sợ chưa thể hiện được bản thân. Tuy nhiên, những nỗi sợ ấy dường như được giảm bớt phần nào khi mình giữ một niềm tin: “Nếu thất bại, đó là một trải nghiệm mới. Còn nếu thành công, một cơ hội mới sẽ được mở ra”. Và rồi, kết quả ứng tuyển vào Fulbright đã cho mình thấy rằng nỗi sợ không phải là điều ngăn cản mình đến với thành công, mà là động cơ thúc đẩy mình trở nên mạnh mẽ và hoàn thiện hơn.

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer