Chúc mừng cựu sinh viên Đồng Thị Hải Yến, Khóa 2024 đã chính thức trở thành Thực tập sinh Nghiên cứu Khoa học Sức khỏe Tâm thần của trường Harvard T.H. Chan School of Public Health và Trợ lý Nghiên cứu tại trường University of Wisconsin-Madison (Hoa Kỳ), hai trường đại học hàng đầu thế giới về sức khỏe cộng đồng.
Tháng 6 vừa rồi, Hải Yến đã tốt nghiệp Trường Đại học Fulbright Việt Nam loại Xuất sắc với song bằng cử nhân ngành Tâm lý học và Việt Nam học. Bạn nằm trong danh sách 20% sinh viên đạt được điểm trung bình cao nhất và đồ án tốt nghiệp của bạn cũng được xếp hạng Danh dự (Honors).
Bên cạnh niềm đam mê tìm hiểu về sức khỏe tâm thần của người khuyết tật ở Việt Nam, Hải Yến còn tích cực hỗ trợ và phát triển cộng đồng khiếm thị nói riêng và khuyết tật nói chung.
Cùng Fulbright tìm hiểu về câu chuyện của cô gái đầy nghị lực này nha.
Dù gặp nhiều khó khăn trong học tập, Hải Yến chưa từng bỏ cuộc.
Hải Yến là một cựu sinh viên khiếm thị năng động và ham học hỏi. Dù gặp nhiều khó khăn trong học tập, Hải Yến chưa từng bỏ cuộc. Với sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè, bạn tìm thấy niềm đam mê nghiên cứu trong mình.
Là một sinh viên khiếm thị, Hải Yến gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu, đặc biệt những tài liệu lịch sử bị mờ nhoè hình ảnh và chữ viết, không thể chuyển thành định dạng cho máy đọc cho người khiếm thị. Để giúp đỡ Hải Yến, Phòng Đào tạo của Đại học Fulbright đã sắp xếp một đội ngũ hỗ trợ chuyển đổi tài liệu sang văn bản, giúp Yến tiếp cận nội dung học dễ dàng và nhanh chóng hơn.
“Mình rất biết ơn Fulbright vì trường đã lựa chọn tin tưởng vào mình – một người khiếm thị, và cho mình cơ hội để phát triển bản thân,” Hải Yến chia sẻ.
Bên cạnh đam mê nghiên cứu, Hải Yến còn dành nhiều tâm huyết cho cộng đồng. Bạn đồng sáng lập Spa Khiếm Thị MY – Massage Trị Liệu tại quận 10 TP.HCM và The VIP Companion (VIC), dự án chuyên về kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người khuyết tật.
Lớp học nền tảng Modern Vietnamese Culture and Society
Tại Đại học Fulbright, một trong những môn học Hải Yến thích nhất là “Modern Vietnamese Culture and Society” (“Văn hoá và Xã hội Việt Nam hiện đại”). Sinh ra trong gia đình có căn bệnh mắt di truyền qua ba thế hệ bởi tàn dư chiến tranh mang tên chất độc da cam, Hải Yến rất muốn tìm hiểu căn nguyên và tác động của những xung đột lịch sử đã ảnh hưởng mãi mãi tới cuộc sống của gia đình bạn cũng như nhiều người Việt Nam khác.
Trong những lớp học của môn nền tảng này, Hải Yến lần đầu được tiếp xúc với các tài liệu lịch sử phong phú và những góc nhìn đa chiều. Yến nhận ra lịch sử không chỉ đơn thuần là con số khô khan, mà là một nguồn động lực to lớn để bạn hiểu hơn về câu chuyện của những thế hệ trước. “Việt Nam học giúp mình trân trọng lịch sử và bản sắc dân tộc hơn, trân trọng những điều mà người Việt Nam đang có, và khiến mình có thêm nhiều lòng yêu nước.”
Quyết định theo đuổi song ngành Việt Nam học và Tâm lý học
Môn học nền tảng Modern Vietnamese Culture and Society hẳn đã trở thành nền tảng cho quyết định theo đuổi song ngành Việt Nam học và Tâm lý học của Hải Yến sau này.
Khi học về cộng đồng khuyết tật ở Việt Nam, bạn nhận ra rằng sự kì thị thường xuất phát từ “gánh nặng đạo đức” trên vai những người khuyết tật. Họ thường bị xem là không thể “đền ơn, báo hiếu” cho gia đình vì khó tìm được công việc ổn định.
“Mình muốn tìm hiểu về danh tính của bản thân và cộng đồng trong bối cảnh Việt Nam, bởi vì văn hoá là “cái nôi” nơi mỗi người sinh ra và nuôi lớn nhân cách của họ, vậy nên không thể tách rời nghiên cứu tâm lý và văn hoá địa phương.”
Trong năm cuối khi học tại Fulbright, Hải Yến đã phát triển đồ án tốt nghiệp ý nghĩa mang tên “Visual Impairment and the Experience of Stigma in Vietnam: A Narrative Psychological Inquiry” (Tạm dịch: Khiếm thị và trải nghiệm kỳ thị ở Việt Nam: Một nghiên cứu điều tra tâm lý). Bạn đang tiếp tục làm việc cùng Tiến sĩ Matthew McDonald và Tiến sĩ Lan Nguyễn, hai giảng viên ngành Tâm lý học tại Fulbright để công bố bài luận văn trên “British Journal of Social Psychology“ – một tờ báo khoa học hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học xã hội của Anh.
Với trải nghiệm song ngành Tâm lý – Việt Nam học cũng như khát khao muốn phát triển cộng đồng khiếm thị ở địa phương, Hải Yến đã thành công chinh phục hội đồng xét duyệt và chính thức trở thành Thực tập sinh Nghiên cứu Khoa học Sức khỏe Tâm thân của trường Harvard T.H. Chan School of Public Health và Trợ lý Nghiên cứu tại trường University of Wisconsin-Madison (Hoa Kỳ). Một lần nữa, chúc mừng Hải Yến và chúc bạn một hành trình phía trước đầy rực rỡ và nhiều thành công.