Đọc toàn bộ bản tin cuối năm 2021 – Year In Review tại đây.
Thân gửi những người bạn trân quý của Đại học Fulbright Việt Nam,
Khi tôi viết những dòng này gửi tới các bạn, năm 2021 đã dần khép lại. Một năm mà hẳn nhiều người trong chúng ta muốn quên đi, bởi những ký ức đầy ám ảnh và đau thương khi Việt Nam trở thành tâm bão trong làn sóng dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng. Nhưng tôi tin rằng, mỗi biến cố xảy ra trong cuộc sống vốn dĩ biến động khôn lường đều mang theo những bài học đắt giá. Đại dịch Covid-19 cũng không phải là ngoại lệ.
Trong khoảnh khắc giao thời giữa hai năm cũ và mới này, như truyền thống “ôn cố tri tân” của người Việt, tôi muốn cùng các bạn nhìn lại những bài học mà cuộc khủng hoảng đã dạy cho chúng ta, để chuẩn bị hành trang cho một tương lai sắp tới với vô vàn những đổi thay và rủi ro chưa thể hình dung.
Hơn bao giờ hết, đại dịch khắc sâu sự thực rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity) – mà chúng ta hay gọi là thế giới VUCA. Đó là nơi thay đổi diễn ra từng ngày, từng giờ và không thể lường trước do tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ. Giờ đây, những đổi thay của thế giới ấy lại đang diễn ra nhanh hơn do tác động nặng nề của đại dịch. Những gì vừa xảy ra dạy cho chúng ta bài học thấm thía rằng: Sự chậm trễ trong khâu chuẩn bị cho những thay đổi đều phải trả giá rất đắt, đôi khi không thể đong đếm được.
Tôi còn nhớ khi bắt đầu thành lập Đại học Fulbright Việt Nam hơn 5 năm trước, những người sáng lập ngôi trường đã tranh luận sôi nổi về sứ mệnh và tầm nhìn của giáo dục đại học trong thế kỷ 21. Khi ấy, dù chưa thể hình dung ra những thay đổi như ngày hôm nay, chúng tôi đã có một viễn kiến sâu sắc rằng hơn lúc nào hết, sứ mệnh chân chính của giáo dục đại học là chuẩn bị hành trang để các thế hệ trẻ có thể vững vàng đương đầu với tương lai bất định. Niềm tin ấy đã dẫn dắt chúng tôi kiên định theo đuổi tầm nhìn bị coi là đầy tham vọng: định nghĩa lại giáo dục đại học – cho sinh viên, cho Việt Nam và cho tương lai. Mỗi một ngày trong hành trình 5 năm qua là một nỗ lực của từng thành viên trong cộng đồng Fulbright, để kiến tạo một nền giáo dục mang tính chuyển hoá về giá trị cốt lõi khi hướng tới mục tiêu giáo dục con người hoàn thiện có đầy đủ kiến thức – kĩ năng và phẩm chất cá nhân, những người không chỉ biết về những vấn đề quan trọng mà còn có khả năng làm những việc ý nghĩa và trở thành một người sống có chủ đích và trọn vẹn.
Hai năm Covid vừa qua chính là cuộc kiểm nghiệm lớn nhất về sứ mệnh, tầm nhìn và mô hình phát triển của Đại học Fulbright Việt Nam. Cũng giống như mọi cá nhân và tổ chức khác, Fulbright cũng dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng chưa từng có này. Nhưng khi nhìn lại, tôi có thể tự hào mà chia sẻ với các bạn rằng, chính tinh thần “sẵn sàng cho mọi thay đổi” được ươm dưỡng từ hành trình theo đuổi sứ mệnh và tầm nhìn ấy đã trui rèn cho cộng đồng Fulbright khả năng thích ứng, sự bền bỉ và cả năng lực xoay sở linh hoạt trước những biến cố bất ngờ. Dù phải ở cách xa nhau về không gian địa lý và thậm chí ở những múi giờ khác nhau trong suốt học kỳ vừa qua, các giảng viên và sinh viên vẫn có thể cùng nhau kiến tạo những trải nghiệm học tập trực tuyến sáng tạo và duy trì được sự kết nối của một cộng đồng “cùng học, cùng trưởng thành”. Dù không thể gặp mặt trực tiếp trong một khán phòng, Fulbright vẫn có thể tổ chức thành công các cuộc hội thảo và tọa đàm sôi nổi trên không gian mạng về những chủ đề nóng bỏng, từ chiến lược ứng phó với làn sóng dịch Covid-19, cho đến những giải pháp hồi phục, phát triển kinh tế và kiến tạo thế giới “bình thường mới” sau đại dịch – những cuộc đối thoại tri thức mở có vai trò quan trọng đối với tương lai của cả cộng đồng và đất nước Việt Nam nói chung. Dù đại dịch đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cộng đồng Fulbright vẫn không ngần ngại san sẻ một phần nguồn lực của mình để giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn, qua các dự án cá nhân hoặc các chiến dịch quyên góp do Trường dẫn dắt.
Đặc biệt, năm 2021 cũng ghi dấu một cột mốc quan trọng trong lộ trình phát triển của Đại học Fulbright khi Học viện YSEALI chính thức đi vào hoạt động. Trong bối cảnh đại dịch đặt hầu hết các tổ chức trước những thử thách chưa từng có, khi mà việc duy trì hoạt động suôn sẻ đã là cả một nỗ lực lớn lao thì Học viện YSEALI là một minh chứng đáng tự hào cho năng lực nắm bắt cơ hội và khát vọng vươn lên những nấc thang phát triển mới trên hành trình hướng tới đẳng cấp quốc tế của Đại học Fulbright. Thông qua các khoá học tại Học viện YSEALI, hơn 100 nhà lãnh đạo trẻ của ASEAN, những đại diện nổi bật của thế hệ kiến tạo thay đổi tích cực đã được cập nhật những tri thức và kỹ năng mới để sẵn sàng đương đầu với những thách thức đang nổi lên trong khu vực, từ an ninh năng lượng và chính sách công, cho tới chuyển đổi số, khởi nghiệp và sáng tạo.
Bạn thân mến,
Trong suốt cuộc đời mình, tôi học được một điều rằng khi đứng trước những lựa chọn mà bạn không chắc mình kham nổi những rủi ro hay không dám nắm bắt những cơ hội bất ngờ, hãy tìm về những giá trị cốt lõi của mình. Những điều bạn hết lòng trân quý sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn. Điều đó đã luôn hiệu quả với cá nhân tôi – và nhìn lại, cũng thật đúng với một tổ chức như Fulbright khi đứng trước cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ như Covid-19.
Bạn có thể hỏi tôi vậy giá trị cốt lõi của Fulbright là gì? Đó chính là tinh thần tiên phong và phụng sự cộng đồng – đã được ươm mầm từ những ngày đầu tiên hai mươi sáu năm về trước khi Fulbright mới chỉ là một chương trình hợp tác cùng Đại học Harvard nhằm đào tạo những nhà lãnh đạo và cán bộ quản lý phục vụ cho công cuộc Đổi mới của Việt Nam. Vượt lên những điều cấm kỵ, và thậm chí cả những khoảnh khắc sống còn, chúng tôi tự hào vì đã biến những “điều không thể thành có thể”, trong đó có nỗ lực thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của công chúng vào các cuộc thảo luận thẳng thắn, công khai về những vấn đề và chính sách quan trọng của đất nước.
Trong đại dịch vừa qua, một lần nữa, những giá trị ấy lại được kiểm nghiệm khắt khe, khi Fulbright đóng vai trò dẫn dắt quá trình thảo luận chính sách và tư vấn chiến lược phục hồi kinh tế, hay khi chúng tôi khởi xướng các chiến dịch vận động gây quỹ hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và cứu trợ những người dân chịu thiệt hại. Chiếc la bàn định hướng giúp chúng tôi kiên định trên hành trình của những người tiên phong này, ngay cả khi đối diện với biết bao thách thức, thậm chí nghi ngại vì đó là điều đúng đắn. Và điều đúng đắn phải làm lúc này là hành động dấn thân, phụng sự cho lợi ích chung của cộng đồng và đất nước nơi mình thuộc về, theo mọi cách có thể và trong khả năng của mỗi chúng ta.
Bạn yêu quý,
Ai đó đã nói rằng những người tiên phong thường hay đơn độc và phải đối diện với nhiều rủi ro. Nhưng tôi tin rằng, trên hành trình này, chúng tôi không hề cô độc bởi Fulbright có sự ủng hộ và đồng hành của các bạn, những người tin tưởng vào sứ mệnh và giá trị của Fulbright nói riêng, giáo dục đại học nói chung đối với tương lai của Việt Nam.
Tôi tin rằng, mọi đóng góp của chúng ta hôm nay, dù dưới bất kỳ hình thức nào, đều sẽ góp phần kiến tạo nên ngôi trường đại học xứng đáng với kì vọng của xã hội – một tài sản tri thức dành cho các thế hệ mai sau để mỗi người Việt Nam đều cảm thấy tự hào.
Với tất cả lòng trân trọng và biết ơn,
Đàm Bích Thủy
Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam