Gương mặt Fulbright

Chọn giáo dục đại học để người trẻ chinh phục tương lai

image

Dưới góc nhìn chuyên sâu và đa chiều của giáo sư gốc Việt Nguyễn Thị Liên Hằng, giáo dục đại học là nền tảng để người Việt trẻ trui rèn sức mạnh chinh phục.

Chọn trường từng là câu hỏi lớn mà GS Nguyễn Thị Liên Hằng – ngành Sử học Đại học Columbia, thành viên Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam – phải “cân đo đong đếm” ở tuổi 18, thời điểm cách đây gần 30 năm. Khi ấy, giáo sư còn là học sinh cuối cấp ở trường phổ thông thuộc khu ngoại ô thành phố Philadelphia (Mỹ) – nơi bà gắn bó cùng gia đình sau khi rời Việt Nam lúc tròn 5 tháng tuổi.

“Lúc ấy, tôi đã bắt đầu nghiên cứu thực sự nghiêm túc về những lựa chọn”, GS Liên Hằng cho hay.

Từ việc tham khảo tài liệu, trò chuyện với nhân viên văn phòng tư vấn ứng tuyển đại học đến tìm lời khuyên từ gia đình lẫn người đã tốt nghiệp từ trường phổ thông đang theo học, GS Liên Hằng – ở tuổi 18 – dần hình thành nhận thức rõ về những tiêu chí làm nên môi trường giáo dục đại học lý tưởng mà bản thân muốn theo đuổi.

Giữa muôn vàn lựa chọn, quyết định cuối cùng của bà xoay quanh những yếu tố gồm nguồn lực sẵn có của trường, các môn học yêu thích được giảng dạy bởi ai và trong trường hợp người học muốn tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, trường có thể giới thiệu và kết nối họ với cơ hội thực tập chất lượng hay không?

“Quan trọng hơn, ngôi trường chọn gửi gắm sẽ đóng vai trò như ‘bệ phóng’ nếu tôi muốn tìm cơ hội theo đuổi tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ sau này”, bà khẳng định.

“Khi căn tính dân tộc là yếu tố tạo nên thành công”

Gần chục năm sau khi tốt nghiệp cử nhân Đại học Pennsylvania (năm 2008), GS Liên Hằng tiếp tục chinh phục thành công tấm bằng tiến sĩ Sử học tại Đại học Yale. Ở Đại học Columbia – nơi bà công tác, GS Liên Hằng giữ vai trò Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead kiêm Phó giáo sư Lịch sử quan hệ Mỹ và các nước Đông Á tại khoa Sử học.

GS Liên Hằng phát biểu tại hội thảo “Hiểu biết quá khứ để thay đổi tương lai”.

Năm 2017, bà cùng đồng nghiệp là PGS John Phan sáng lập và từng bước xây dựng thành công chuyên ngành Việt Nam học tại Đại học Columbia. Điều này góp phần duy trì vị thế dẫn đầu của Đại học Columbia tại Mỹ khi nhắc đến lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam, giúp nơi đây trở thành điểm đến của người đam mê tìm hiểu văn hóa, lịch sử và con người ở đất nước hình chữ S.

Tháng 7/2022, trong khuôn khổ hội thảo “Hiểu biết quá khứ để thay đổi tương lai” do Viện Weatherhead tổ chức tại TP.HCM, GS Liên Hằng cùng một số đại diện của Đại học Columbia đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Fulbright Việt Nam. Biên bản ghi nhớ giữa trường đại học có tuổi đời lâu năm – một trong những tên tuổi danh giá nhất nền giáo dục Mỹ – và các trường đại học uy tín trong nước đóng vai trò “đòn bẩy” để mở rộng và làm sâu sắc thêm hoạt động trao đổi, nghiên cứu, liên kết giữa sinh viên cùng giảng viên hai nước. Đây còn là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập toàn cầu, khi chất lượng nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam từng bước được cộng đồng giáo dục quốc tế công nhận và ủng hộ.

Sau quá trình khảo sát, nghiên cứu và đánh giá tiềm lực lẫn tiềm năng hợp tác phát triển của các trường đại học Việt Nam và trường đại học quốc tế (như Fulbright với Đại học Columbia), GS Liên Hằng nhận định các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục bậc đại học tại Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong vài thập niên qua.

“Vì vậy, tôi khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam ưu tiên xem xét, cân nhắc và tìm hiểu các trường đại học trong nước. Đơn giản vì bối cảnh lẫn vị thế kinh tế – chính trị, văn hóa – giáo dục nơi đây đã đổi thay nhiều so với những năm giữa thập niên 1990”, giáo sư nhấn mạnh.

Thành công của thế hệ trẻ là thành công của quốc gia

Từ năm 1994 đến nay, mỗi lần trở lại Việt Nam, GS Liên Hằng có dịp chứng kiến những đổi thay ngoạn mục. Đó là sự xuất hiện của những tòa nhà chọc trời mới, niềm tin vững vàng để chung tay xây dựng đất nước lẫn thái độ lạc quan của người dân khi hướng về tương lai, bất chấp mọi gian khó của quá khứ lẫn hiện tại. Trong mắt bà, “Việt Nam là ngôi sao sáng đang vươn mình từ tro tàn của những xung đột diễn ra ở thế kỷ 20, để trở thành quốc gia không ngừng phấn đấu vì hòa bình và sự hưng thịnh của nhân loại trong thế kỷ 21”. Việt Nam có thể tiến xa hơn, trở thành cường quốc trong khu vực, đồng thời nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Đại diện Đại học Fulbright Việt Nam ký kết hợp tác cùng đại diện Đại học Columbia.

Theo quan sát của GS Liên Hằng, Chính phủ và các nhà lãnh đạo, hoạch định chiến lược trong nước đã nhận thức rõ hơn về vai trò tiên phong và tiên quyết của giáo dục.

“Để đạt mục tiêu trên, người Việt cần được đào tạo với mục tiêu không chỉ trở thành công dân mẫu mực nước nhà, mà còn đáp ứng tiêu chí của công dân toàn cầu. Và để làm được điều này, giáo dục khai phóng chính là nền tảng và phương án cần suy xét”, bà chia sẻ.

Cũng theo vị giáo sư, với quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như Việt Nam, không khó nhận thấy nguồn vốn con người đang được tập trung đẩy mạnh ở các ngành nghề mũi nhọn như kinh doanh – tài chính, công nghệ – thông tin, khoa học – kỹ thuật… Nếu chỉ đào tạo lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu thị trường ngắn hạn về kỹ năng tay nghề nhưng thiếu sự am hiểu sâu rộng về chỗ đứng của dân tộc trên thế giới thì đây là thiếu sót lớn.

“Nền giáo dục đại học Việt Nam cần nghiêm túc đầu tư đào tạo lứa thế hệ trẻ có khả năng tương tác, trò chuyện và thảo luận với các nhà lãnh đạo trên thế giới”, GS Liên Hằng nhấn mạnh.

Làm rõ hơn, vị chuyên gia giải thích khả năng thảo luận bao gồm đàm thoại giữa ban ngành Chính phủ các nước, với tập đoàn kinh tế đa quốc gia hay đơn thuần là giữa những người trẻ là công dân toàn cầu.

“Hiện nay, thế giới vận dụng cùng một ‘ngôn ngữ’, tiếng nói chung nhằm giải quyết các bài toán liên ngành xoay quanh phát triển bền vững, năng lượng xanh, hòa bình thế giới, công bằng xã hội, tính bình đẳng – đa dạng – hòa hợp… Tất cả là điều mà toàn thể nhân loại đang hướng đến”, vị giáo sư khẳng định.

Việc thiếu vắng “ngôn ngữ toàn cầu” là lý do thế hệ trẻ Việt Nam khó có thể khẳng khái trò chuyện cùng các nhà lãnh đạo trên thế giới và bạn đồng trang lứa ở các quốc gia khác. Và theo giáo sư, nếu xem nhẹ việc đào tạo sinh viên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu thực thụ (mục tiêu này cần đi đôi việc củng cố căn tính cội nguồn dân tộc), thì sự phát triển của quốc gia dù tiến xa đến đâu vẫn sẽ chững lại ở một ‘mức trần’ trên hành trình chinh phục biển lớn.

Từ trái sang: Ông Olivier Do – Trưởng hội cựu sinh viên Đại học Columbia tại Việt Nam kiêm CEO Tập đoàn EZ Land, GS Liên Hằng, bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, GS Nguyễn Nam – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Fulbright, ông Peter Mach – đồng sáng lập Tanzanite International.

Thế nào là môi trường đại học lý tưởng?  

GS Liên Hằng cho rằng giáo dục đại học là thực tế phản ánh nhu cầu nội tại và nội sinh của quốc gia hiện đại, đang trên đà phát triển.

“Từ xưa đến nay, người Việt vốn mang trong mình truyền thống khuyến học, đề cao vai trò của kiến thức và nghiên cứu học thuật, trân trọng giới trí thức thành tài. Dẫu thời buổi đã khác, những đức tính nêu trên vẫn đóng vai trò nền tảng để giới trẻ Việt Nam không ngừng vươn xa và đưa đất nước phát triển hơn”, bà chia sẻ.

Điều đó đồng nghĩa sinh viên sau tốt nghiệp không nên thỏa mãn với việc hoàn thành tín chỉ, lượng kiến thức thu nạp sau bốn năm đại học đủ để bám trụ công việc hay xa hơn là phát triển sự nghiệp bền vững. Tính chất đặc biệt của giáo dục khai phóng nằm ở “hạt giống” được ươm dưỡng trong mỗi sinh viên – khát khao và nhận thức bản thân phải liên tục học hỏi, học tập suốt đời.

“Nếu bạn xác định mình chỉ cần nắm vững vài kỹ năng căn bản để sau này đi làm và cho rằng đã học tất cả điều cần học, điều này không hẳn là ‘chất liệu’ làm nên nhà lãnh đạo có tâm, có tầm và có thể lan tỏa ảnh hưởng”, GS Liên Hằng cho hay.

Giáo sư nhận định để có thể diễn bày một cách sáng tỏ và tường tận, thấu đáo và thuyết phục về suy nghĩ của mình, chúng ta cần tư duy phản biện, kỹ năng hùng biện sắc sảo lẫn cung cách viết lách khúc chiết. Đó là điều mà sinh viên nên có được sau khi hoàn thành tấm bằng cử nhân.

Sinh viên Fulbright tham gia khóa học “Phát triển Việt Nam” – khóa học liên kết giữa Đại học Dartmouth, Mỹ và Đại học Fulbright Việt Nam.

Xét về mặt khái niệm – định nghĩa – thực hành, đại học không đơn thuần là nơi “phân phát” bằng cấp cho sinh viên đạt đủ điều kiện tối thiểu để ứng tuyển vào công việc mơ ước. Đại học là nơi giúp thế hệ trẻ định hình tư cách, rèn luyện tư duy và phát huy tư chất để trở thành công dân thực thụ của (và vì) nhân loại.

Môi trường đại học lý tưởng là nơi sinh viên được thỏa sức đắm mình trong tri thức, được khuyến khích đàm luận cùng bạn bè và giới chuyên gia về mọi vấn đề trên phương diện lý thuyết lẫn thực hành. Đó cũng là nơi người học được trao quyền để sau tốt nghiệp không còn bỡ ngỡ, rụt rè trước thực tế ngoài kia, trở thành công dân trưởng thành với nhận thức về năng lực, đóng góp cho cộng đồng, xã hội và rộng hơn là thế giới.

Nguồn: Zing News

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer