
Hiện là sinh viên năm 3 ngành Khoa học Máy tính, Nguyễn Khánh Thùy Dương đồng thời là thành viên năng nổ của các dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ cộng đồng. Trong các dự án bạn đã tham gia xây dựng và hoạt động, có thể kể đến dự án “Thư viện bản nhạc chữ Braille”, một dự án ứng dụng Trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị đọc và học nhạc dưới dạng chữ nổi Braille. Dự án đã xuất sắc chiến thắng Cuộc thi Thiết kế công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật Accessibilty Design Competition năm 2024.
Chọn Fulbright vì có thêm cơ hội hiểu rõ tiềm năng của bản thân
Trước khi đến với ngành Khoa học Máy tính tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cô học sinh chuyên Anh Thùy Dương từng nghĩ rằng mình sẽ theo học ngành tâm lý hoặc kinh tế. Tuy nhiên, trong khi đó có lẽ là lựa chọn hiển nhiên theo số đông, Thùy Dương lại cảm thấy chưa tự tin và mông lung, không chắc rằng đây là những ngành mình thật sự ham thích. Đây cũng là lúc Dương biết đến chương trình học tại Trường Fulbright. Trong chương trình 4 năm bậc Cử nhân, bạn sẽ có hai năm đầu để đi qua các phân môn liên ngành, “thử” qua các dự án, đề tài khác nhau tìm ra được ngành học phù hợp và yêu thích của mình. Do đó, Dương quyết định chọn theo học tại Trường Fulbright.

Đứng trước sự mông lung về lựa chọn ngành nghề để theo đuổi, Thùy Dương đã có 2 năm đầu trải nghiệm các môn liên ngành để tìm hiểu tiềm năng và lắng nghe bản thân cho sự lựa chọn quan trọng
Dương chia sẻ môn học đầu tiên mà cô bạn ấn tượng ở trường là môn Quantitative Reasoning (Tư duy định lượng) bởi môn học này trang bị cho Dương những kiến thức về toán hay coding (viết mã) để giải quyết hay phân tích một vấn đề thực tiễn. Từ đó, Dương bắt đầu tìm thấy niềm hứng thú với những môn học như Khoa học Dữ liệu, cũng như ngành Khoa học Máy tính nói chung.
Tuy nhiên, Dương chia sẻ cô bạn cũng là một người dễ bị áp lực đồng trang lứa, một phần cũng đến từ gốc của cô bạn là chuyên Anh, không phải chuyên tự nhiên. Khi bắt đầu học về Khoa học Máy tính với các bạn có nền tảng chuyên tự nhiên, Dương đã· có những nghi ngờ về khả năng của bản thân, lo sợ không theo kịp các bạn. Thế nhưng, Dương đã học cách biến những nỗi sợ và áp lực thành động lực để cố gắng hơn nữa, với tinh thần “nếu chưa làm được thì cứ cố gắng nhiều hơn”.
Cuối cùng, Dương đã gặt hái được thành quả nhờ những nỗ lực không ngừng. Vào mùa hè năm 2023, cô bạn nhận được cơ hội thực tập tại Intel, một trong những tập đoàn sản xuất công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới. “Chỉ cần mình cố gắng thôi, chứ không phải là mình không có khả năng”, cô bạn chia sẻ.
Ứng dụng kiến thức và kỹ năng liên ngành trong ngành Khoa học Máy tính hướng đến cộng đồng
Đối với Dương, việc học không giới hạn ở trong sách vở hay thời gian trên lớp vì học luôn đi đôi với hành. Dương chia sẻ cô bạn đã học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều qua việc tham gia các dự án tại Trường Fulbright. Cô bạn là một trong những thành viên cốt cán của dự án “Thư viện bản nhạc chữ Braille”, trong đó, Dương và các bạn đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo và những kiến thức ngành Khoa học Máy tính để hỗ trợ người khiếm thị đọc và học nhạc dưới dạng chữ nổi Braille. Bên cạnh đó, Dương cũng đang tham gia dự án nghiên cứu về Mindful Eating (tạm dịch: Ăn chánh niệm) để nghiên cứu về hành vi ăn uống và mức độ căng thẳng của người trẻ hiện nay, từ đó giúp người trẻ có một công cụ để hiểu rõ về tình trạng sức và có những phương pháp “chữa lành” cho bản thân.

Thùy Dương cùng các bạn vui mừng khi Dự án “Thư viện bản nhạc chữ Braille” đã xuất sắc chiến thắng Cuộc thi Thiết kế công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật Accessibilty Design Competition năm 2024
Một trong những điểm khiến Dương hứng thú trong những dự án này là việc áp dụng được những kiến thức, kỹ năng liên ngành. Với Thư việc nhạc chữ Braille, các thành viên đến từ đa dạng các ngành từ Khoa học Máy tính, Việt Nam học đến Kinh tế học hay Tâm lý học. Cô bạn chia sẻ rằng điều này rất khó có thể xảy ra ở những môi trường khác ngoài Trường Fulbright. Bên cạnh đó, Dương và đồng đội cũng nhận được sự hỗ trợ sát sao từ thầy cô và các anh chị tiền bối trong Trường.
Qua những dự án trên, Dương chia sẻ cô bạn đã trau dồi được những kỹ năng chuyên môn quan trọng trong ngành AI liên quan đến lập trình, thuật toán và ứng dụng AI nhằm tạo ra những dự án, sản phẩm có ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tương tác và trao đổi với các thành viên tròn dự án giúp cô ban trau dồi kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, phân tích và giải quyết vấn đề. Và cuối cùng, một kỹ năng quan trọng khi học ngành AI đó là kỹ năng tự học. Khi làm các dự án, ngoài các kiến thức được học trên lớp, cô bạn cũng thường xuyên tự tìm học các kiến thức khác để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho dự án. Đây cũng là kỹ năng cần thiết khi theo đuổi ngành AI vì đây là một ngành đang phát triển rất nhanh nên việc tự trau dồi cho bản thân học những kiến thức kỹ năng mới là rất quan trọng.
Thông điệp gửi đến các bạn trẻ: Chỉ cần một chiếc máy tính để bắt đầu với Khoa học Máy tính
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Thùy Dương mong muốn dành một vài năm làm việc trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo để nắm bắt được những ứng dụng AI trong công việc và sau đó, bạn có thể tiếp tục theo đuổi chương trình Thạc sĩ của ngành.
Cô bạn gửi gắm đến những bạn trẻ hứng thú với ngành Khoa học Máy tính nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung: Ai cũng đều có thể làm quen với Khoa học Máy tính với rất nhiều nguồn tài liệu trực tuyến cùng một chiếc máy tính. Chừng nào bạn luôn cố gắng và kiên trì, bạn hoàn toàn có thể chinh phục ngành Khoa học Máy tính. Bên cạnh đó, mạnh dạn nắm bắt các cơ hội học tập và ứng dụng kiến thức ngành trong thực tế cũng sẽ mở ra nhiều trải nghịệm mới, làm giàu thêm thế giới quan và nâng cấp kĩ năng chuyên ngành cho các bạn.
Thảo Chi