Tin Tức

Chúc mừng các sinh viên nhận học bổng vì cộng đồng

image

Đại học Fulbright Việt Nam biết ơn khi luôn được đồng hành cùng các nhà hảo tâm trong hành trình tiếp tục sứ mệnh phụng sự xã hội thông qua việc định hướng thế hệ tương lai, hai trong số đó là TPBank – hệ sinh thái ngân hàng số đa dạng đầu tiên tại Việt Nam và Temasek – công ty đầu tư quốc tế có trụ sở chính tại Singapore.

Bắt đầu từ năm 2021, TPBank đã tài trợ cho Học bổng TPBank STEM cho các sinh viên các chuyên ngành STEM bao gồm Kỹ thuật, Khoa học Máy tính, và Khoa học Tích hợp. Học bổng nhằm khuyến khích các sinh viên có thành tích xuất sắc thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó, Temasek là nhà tài trợ đầu tiên cho Học bổng Community Change-Maker (Những người Kiến tạo Thay đổi Cộng đồng). Khoản tài trợ từ Temasek sẽ được trao cho sinh viên đại học và học viên thạc sỹ của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) để theo đuổi các dự án đóng góp cho lợi ích của cộng đồng.

Năm nay, Học bổng TPBank STEM đã tìm được 5 chủ nhân xuất sắc với những dự án nghiên cứu khoa học ý nghĩa, mang tính khả thi và thực tế cao. Sáu sinh viên Fulbright và hai học viên thạc sĩ của FSPPM cũng đã thành công chinh phục các suất học bổng Community Change-Maker.

Học bổng TPBank STEM

Trương Lê Quỳnh Hoa (Sinh viên Khóa 2025)

Quỳnh Hoa cùng hai sinh viên trong ngành học Kỹ thuật Vị nhân sinh tại Fulbright, đã phát triển dự án mang đột phá trong lĩnh vực Công nghệ và Robot mang tên “Robot Air Hocket” (tạm dich: Robot khúc côn cầu trên không).

Dự án “Robot Air Hocket” tạo ra những Robot có thể thi đấu với con người trong các môn thể thao trên bàn. Dự án thách thức các ranh giới thông thường giữa Robot và thể thao, mang lại cho người chơi cảm giác hồi hộp khi thi đấu với máy móc. Bằng cách kết hợp các công nghệ tiên tiến như Thị giác máy tính, Thiết kế cơ khí, Trí tuệ nhân tạo và Học máy, dự án nhằm mục đích tái tạo lối chơi chiến lược và nhịp độ nhanh của khúc côn cầu trên không trong một phiên bản robot.

Đỗ Đức Quân (Sinh viên Khóa 2024)

Đức Quân nhận học bổng với dự án “An Aplication of Generative AI in Creating User Interface Prototypes” (tạm dịch: Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong việc tạo nguyên mẫu giao diện người dùng).

Dự án nghiên cứu việc sử dụng các mô hình học máy tiên tiến để phát triển trợ lý AI có khả năng tự động tạo nguyên mẫu Graphical User Interface (tạm dịch: Giao diện đồ họa người dùng) từ ảnh chụp màn hình của ứng dụng di động. Hơn nữa, sản phẩm có chức năng tinh chỉnh và thiết kế lại các nguyên mẫu này dựa trên yêu cầu của người dùng hoặc tham chiếu hình ảnh, tạo điều kiện cho quá trình phát triển nguyên mẫu.

Hồ Bảo Trân (Sinh viên Khóa 2025)

Bảo Trân gây ấn tượng với Hội đồng xét duyệt với ý tưởng “D-limonene extracts in Limnophila aromatica, and its possible effect on relieving kidney stone formation in oriental medicine” (tạm dịch: Phương pháp phòng ngừa sự hình thành sỏi thận từ bài thuốc dân gian của “cây ngò om”).

Bệnh sỏi thận ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhóm dân số trong độ tuổi lao động. Bảo Trân nghiên cứu cơ chế và hiệu quả của cây ngò om – một loại cây được sử dụng trong y học cổ truyền trong việc ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận, tập trung vào tác động của nó lên các protein liên kết tinh thể.

Nguyễn Đức Phú (Sinh viên Khóa 2024)

Đức Phú sẽ sử dụng học bổng này để phát triển dự án “RoboServe: A Fleet Management System on SLAM-based” (tạm dịch: Hệ thống quản lý bãi đậu xe dựa trên công nghệ SLAM). Bạn xây dựng một hệ thống robot quản lý bãi đậu xe khu vực công cộng, ví dụ như trong sân bay và nhà ga.

Tận dụng tiềm năng của công nghệ SLAM – Simultaneous Localization and Mapping (tạm dịch: Công nghệ Định vị và Lập bản đồ song song), RoboServe gây ấn tượng nhờ tính hiệu quả trong việc tránh chướng ngại vật, hướng dẫn khách cũng như vận chuyển hành lý và các đồ vật khác.

Nguyễn Vân Trang (Sinh viên Khóa 2024)

Vân Trang giành học bổng với dự án “Utilizing Machine Learning for Predicting Phytoplankton Community Structure via Physico-Chemical Parameters: Advancing Environmental Health in River Ecosystems” (tạm dịch: Sử dụng công nghệ máy học để dự đoán cấu trúc cộng đồng thực vật phù du thông qua các thông số hóa lý: Nâng cao sức khỏe môi trường ở các hệ sinh thái sông ngòi).

Dự án nhằm mục đích phát triển mô hình học máy có khả năng dự đoán chính xác cấu trúc quần xã thực vật phù du trên sông Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn. Bằng cách phân tích 300 mẫu thông số lý hóa, Vân Trang tìm cách phân biệt các sinh khối và thành phần của quần xã thực vật phù du, từ đó giải quyết các rủi ro sinh thái và sức khỏe con người do vi khuẩn lam nở hoa và độc tố cyanotoxin có hại trong hệ sinh thái nước ngọt gây ra.

Học bổng Social Change-maker

Đào Hải Nhật Tân (Sinh viên Khóa 2024)

Nhật Tân là sinh viên ngành Tâm lý học, cũng là nhà đồng sáng lập dự án Seesaw đã thành công gọi vốn 2 tỷ trên chương trình Shark Tank. Vài năm trước, Tân có cơ hội được tương tác với các bạn nhỏ tự kỷ tại Quảng Nam. Những cuộc gặp gỡ đã thôi thúc Tân thực hiện dự án “Các thách thức trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam của phụ huynh có con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ”. Tân mong muốn tìm hiểu về những thách thức về sức khỏe tâm thần mà các bậc cha mẹ phải đối mặt trong quá trình nuôi dạy và chữa trị cho con mắc chứng tự kỷ.

Dự án của Tân không chỉ nêu bật những khó khăn về sức khỏe tinh thần của những bậc cha mẹ mà còn mở đường cho những cải tiến khả thi nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu của họ.

Phạm Minh Hiếu (Sinh viên Khóa 2025)

Trong 6 năm qua, Hiếu đã đồng hành cùng PISE – Project Incubator for Young Social Entrepreneurs (Tạm dịch: Vườn ươm dự án xã hội cho nhà lãnh đạo trẻ) đến nay là nhiệm kỳ thứ bảy.

Với vị trí là Chủ tịch của PISE trong nhiệm kỳ thứ Sáu, Hiếu đã luôn nuôi dưỡng sứ mệnh kết nối và truyền cảm hứng cho những bạn trẻ chịu thiệt thòi về khoảng cách cơ hội. Hiếu cùng PISE hỗ trợ các bạn trẻ thực hiện những dự án tạo ra những thay đổi bền vững cho các vấn đề xã hội trong cộng đồng của họ.

Kể từ khi thành lập vào năm 2018, PISE đã không ngừng cam kết trang bị cho giới trẻ kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết thông qua những chương trình đào tạo và cố vấn toàn diện.

Trần Nguyễn Hoàn Nhi (Sinh viên Khóa 2025) và Trần Việt Hoàng (Sinh viên Khóa 2024)

Lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của Việt Hoàng – một sinh viên khiếm thị tại Fulbright khi phải đối mặt với những khó khăn trong việc tương tác hàng ngày với các thiết bị trong nhà, Hoàn Nhi và Việt Hoàng đã cùng nhau nuôi dưỡng ý tưởng tạo nên HNVision. Đây là một ứng dụng di động dựa trên AI được thiết kế để giúp cộng đồng người khiếm thị dễ dàng vận hành các thiết bị gia dụng.

HNVision cho phép người khiếm thị sử dụng các thiết bị thông qua các tính năng như chụp ảnh và quay video, ra lệnh bằng giọng nói, nhập liệu bằng cảm ứng, và công cụ nhận dạng vân tay cho phép người dùng tương tác với ứng dụng một cách dễ dàng.

Trần Thị Thu Thảo (Sinh viên Khóa 2024)

Thu Thảo đã chinh phục suất học bổng với dự án ROAD – một dự án nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết khi lựa chọn nghề nghiệp.

Thu Thảo có mục tiêu rằng tới năm 2025, ROAD sẽ có thể triển khai và tổ chức các Chương trình Tư vấn Hướng nghiệp trên khắp Việt Nam, nhằm hợp tác với 30 trường học, cơ sở giáo dục và tổ chức phi chính phủ. Các sự kiện nhằm tiếp cận tới đến ít nhất 10.000 sinh viên, cung cấp cho các bạn lời khuyên quan trọng khi đưa ra các lựa chọn nghề nghiệp.

Lâm Vũ An (Sinh viên Khóa 2025) & Trần Vũ Chiến (Sinh viên Khóa 2026)

Lớp học Digital Humanities in Vietnam Studies Context (tạm dịch: Nhân văn Kỹ thuật số trong bối cảnh nghiên cứu Việt Nam) ở Fulbright được thiết kế giúp sinh viên sử dụng các công cụ kỹ thuật số để trao quyền cho cộng đồng và thúc đẩy cải cách xã hội.

Trong lớp học này, Vũ An và nhóm đã thực hiện một dự án gồm hai thành phần chính nhằm tận dụng và khai thác sức mạnh của trải nghiệm tập thể cũng như nâng cao khả năng tiếp cận âm nhạc cho người khiếm thị.

Đầu tiên là sổ tay “Remembering COVID-19: Digital Archive for Covid-19” (tạm dịch: Ghi nhớ về COVID-19: Lưu trữ kỹ thuật số cho ký ức tập thể Covid-19). Vũ An và các bạn mong muốn thiết kế một cuốn sổ tay để thể hiện và lưu giữ những trải nghiệm của người dân Việt Nam trong đại dịch COVID-19.

Thứ hai là “The Great Musica: Braille Music Access” (tạm dịch: The Great Musica: tiếp cận âm nhạc bằng chữ Braille) được dành riêng để giúp người khiếm thị có thể tiếp cận âm nhạc bằng một thư viện nhạc chữ nổi toàn diện tại Việt Nam.

Nguyễn Khánh Thùy Dương (Sinh viên Khóa 2026)

Dự án nghiên cứu của Thùy Dương đi sâu vào nghiên cứu hành vi ăn uống trước và sau thực tập chánh niệm từ khảo sát trên cộng đồng người Việt Nam.

Dự án gồm 3 mục tiêu chính:

  • Phát triển một bảng khảo sát để thu thập các hành vi ăn uống thường nhật ở hai trạng thái (ăn trong trạng thái bình thường/ căng thẳng và ăn trong khi thực hành ăn uống chánh niệm) tại Việt Nam.
  • Thực hiện phân tích, tìm hiểu những mô hình ăn uống của hai trạng thái nói trên thông qua dữ liệu khảo sát được thu thập và xây dựng mô hình máy học machine learning để phát hiện căng thẳng thông qua hành vi ăn uống.
  • Đưa ra phân tích và phản hồi cho những người tham gia.

Võ Thị Xuân Quyên (Học viên Thạc sĩ Khóa 2024)

Với sự hỗ trợ của học bổng, Xuân Quyên sẽ tiếp tục sứ mệnh của dự án “Towards a Green Phu Quy” (tạm dịch: Hướng tới một Phú Quý xanh), nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng gia tăng trên đảo Phú Quý.

Mục tiêu của dự án này là xây dựng một cộng đồng bền vững ở Phú Quý thông qua việc thu hút sự tham gia của người dân tại địa phương vào việc bảo vệ môi trường, tập trung vào phân loại rác thải cũng như 3R (tiết giảm – tái sử dụng – tái chế) tại trường học/cộng đồng.

Dự án còn thực hiện Chương trình Trường học xanh, nhằm trang bị cho các cơ sở giáo dục những công cụ cần thiết để thực hiện các quy trình quản lý chất thải hiệu quả.

Nguyễn Thanh Hải (Học viên Thạc sĩ Khóa 2024)

Dự án “Public Policy for All” (tạm dịch: Chính sách công cho mọi người) của Thanh Hải ra đời với nâng cao nhận thức và hiểu biết nền tảng về Chính sách công trong các bạn trẻ từ 18-24 tuổi. Hải dự định sẽ tổ chức một cuộc thi viết luận tập trung vào các vấn đề Chính sách công ở Việt Nam. Để hỗ trợ cho các sinh viên, Thanh Hải còn tổ chức thêm hai hội thảo để hướng dẫn cách viết một bài luận phân tích chính sách và thảo luận về các chính sách khác nhau được công chúng quan tâm.

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer