Apply to us Apply to us

Chương trình Đào tạo Nền tảng

Chương trình Nền tảng khơi dậy lòng can đảm và trí tò mò

Chương trình Đào tạo Nền Tảng là gì?

Năm 2019, đội ngũ giảng viên sáng lập và các sinh viên đồng kiến tạo xây dựng Chương trình Đào tạo Nền tảng làm công cụ giới thiệu cơ bản về phương pháp giáo dục tại Fulbright. Trong năm học đầu tiên, tất cả sinh viên sẽ cùng học 5 môn học mang tính đa ngành để xây dựng các kỹ năng học thuật và bắt đầu gia nhập cộng đồng tri thức Fulbright. Chương trình 5 môn chung này là điểm khởi đầu để các bạn tạo lập phương pháp tư duy và học tập mới.
Tất cả các môn học đều do đội ngũ giảng viên tận tâm giảng dạy, những người luôn khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi, tranh luận và mạnh dạn chấp nhận rủi ro. Chương trình học được thiết kế để mọi sinh viên đến từ mọi hoàn cảnh và nền tảng học vấn – đều có thể khám phá những điều mới lạ và khắc phục những thiếu sót của bản thân. Những thách thức trong chương trình Nền tảng sẽ khởi đầu hành trình phát triển năng lực để nắm bắt phương pháp tư duy mới, ứng dụng kiến thức ngành và làm rõ những kiến thức còn hoài nghi. Trí tò mò, tính linh hoạt và kiên cường chính là những đặc điểm thiết yếu của mô hình giáo dục khai phóng, đồng thời cũng là bước khởi đầu độc đáo của hành trình giáo dục tại Fulbright.
Sau bước khởi đầu này, các bạn sẽ có được sự tự tin để chinh phục hành trình tri thức của riêng mình ở các ngành và xa hơn nữa là hành trình học tập trọn đời.

Chương trình Đào tạo Nền tảng: Cấu trúc và Hỗ trợ

Trong Chương trình Đào tạo Nền tảng, sinh viên sẽ cùng các giảng viên tham gia các cuộc thảo luận mang tính liên ngành đồng thời nâng cao các kỹ năng học thuật thiết yếu. Cụ thể, môn Lịch sử Triết học cũng như môn Văn hóa và Xã hội Việt Nam Hiện đại tập trung phát triển kỹ năng viết học thuật, đọc phản biện, lắng nghe chủ động và thảo luận hợp tác. Môn Lý luận Định lượng giới thiệu kỹ năng đọc hiểu số liệu thống kê, phân tích dữ liệu và kỹ năng lập trình cơ bản. Trong khi đó, nội dung môn Khám phá Khoa học giúp sinh viên có hiểu biết sâu sắc hơn về phương pháp khoa học và thiết kế thử nghiệm. Môn Tư duy Thiết kế và Hệ thống, do các giảng viên ngành Kỹ thuật đứng lớp, cung cấp kiến thức về chu trình thiết kế sản phẩm để nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế và quản lý dự án.
Những môn học này được thiết kế để mọi sinh viên đều có thể tham gia, nâng cao nhận thức của các bạn về nhiều cách tư duy và khám phá khác nhau mà trước đó các bạn chưa từng biết đến. Đội ngũ giảng viên, sinh viên hỗ trợ đồng cấp và các chuyên viên Hỗ trợ Học thuật sẽ giúp bạn củng cố kiến thức thông qua các buổi trao đổi ngoài tiết học, các buổi phụ đạo và các buổi hội thảo chuyên môn của từng môn học.

Ví dụ về lịch học năm 1

Chúng tôi cung cấp đa dạng các chương trình học thuật để sinh viên khám phá trong suốt quãng thời gian học tập tại Fulbright. Vào cuối năm học thứ hai, sinh viên sẽ lựa chọn một ngành chính và có thể tự chọn một ngành phụ.

Hậu Chương trình Đào tạo Nền tảng: Cộng đồng Học tập

Chương trình Đào tạo Nền tảng cung cấp cho sinh viên kỹ năng chủ động học tập thông qua thảo luận theo nhóm nhỏ, các dự án và bài thuyết trình nhóm, từ đó sinh viên phát triển được kỹ năng hợp tác một cách hiệu quả. Nền tảng kiến thức chung này sẽ kết nối các bạn sinh viên cùng khóa cũng như các anh, chị sinh viên đi trước. Ngoài ra, việc được tiếp xúc với nhiều giảng viên thuộc nhiều ngành khác nhau hỗ trợ các bạn sinh viên chọn được các môn Khám phá khi cân nhắc lựa chọn Ngành vào cuối năm Hai.
Chương trình Đào tạo Nền tảng mang lại cho tất cả giảng viên và sinh viên một trải nghiệm chung – trải nghiệm về khám phá, hợp tác và phát triển bản thân. Chương trình học tập trung, giới thiệu về mô hình giáo dục khai phóng này sẽ thiết lập các phương pháp tư duy phản biện và nền tảng kỹ năng vững chắc để nâng tầm cộng đồng tri thức độc đáo của Fulbright. Những câu hỏi, giá trị và năng lực sinh viên tích lũy, phát triển được trong Chương trình Đào tạo Nền tảng sẽ giúp các bạn duy trì hành trình học tập trọn đời, đồng thời kết nối các bạn với những thế hệ giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên của trường.

Giảng viên Điều phối các môn Nền tảng

Tư duy Thiết kế và Hệ thống

Xuyên suốt Chương trình Đào tạo Nền tảng tại Fulbright, sinh viên được học về các cuộc chuyển đổi trong lịch sử nhân loại – chuyển đổi về tư duy, cấu trúc xã hội và trong đời sống cá nhân. Sinh viên cũng sẽ thấy được các cuộc chuyển đổi trong tự nhiên và cách con người can thiệp dẫn đến biến đổi thế giới tự nhiên. Nhưng những cuộc chuyển đổi do chính con người tạo ra thông qua thiết kế có chủ đích thì sao?
Ví dụ như một mặt nạ lọc không khí mới với tính năng ưu việt, một máy bay không người lái có thể giao thuốc đến vùng sâu, vùng xa nhanh hơn bất kỳ phương tiện nào khác, hoặc một ứng dụng cho phép người dùng sáng tác ra những bản nhạc tùy theo tâm trạng.
Học phần này sẽ chỉ ra mối liên hệ giữa phát minh sáng chế với các phương pháp khoa học, toán học và kỹ thuật, đồng thời tập trung vào các hoạt động làm việc nhóm và trải nghiệm thực tế. Đây có thể là điểm khởi đầu để sinh viên nghiên cứu sâu hơn về thiết kế và kỹ thuật, hoặc áp dụng kiến thức cơ bản có được từ học phần để bổ trợ cho hiểu biết về các hệ thống kinh tế và xã hội, để sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, hoặc thiết kế và xây dựng một công ty khởi nghiệp phối hợp với Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp của Fulbright.
Nội dung của học phần bao gồm cả nghệ thuật và khoa học của sự sáng tạo, củng cố sự tự tin để sinh viên sẵn sàng thử nghiệm, dù đôi khi thất bại, nhưng cuối cùng, kết quả này vẫn sẽ đóng vai trò thiết yếu trong thiết kế và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Học phần Tư duy Thiết kế và Hệ thống giới thiệu các nguyên lý, quy trình và công cụ của tư duy thiết kế và tư duy hệ thống được dùng để tìm kiếm và xác định các giải pháp trong xã hội. Các kiến thức cần có để hiểu các hệ thống và tiếp cận quy trình thiết kế bao gồm: Cách sử dụng các quan sát về dân tộc học để định hình và nhận định các thách thức thực tế từ góc nhìn của người tiêu dùng; Giới thiệu về tư duy hệ thống để hiểu được các thách thức tồn tại trong ngữ cảnh lớn hơn; Tư duy thiết kế giúp hình thành cách tiếp cận có hệ thống trong phát triển các khái niệm và giải pháp; xây dựng vật mẫu cho các thiết kế và sản phẩm thực thụ; các khái niệm kỹ thuật căn bản cho phép hiện thực hóa các ý tưởng thành sản phẩm.
Học phần này áp dụng phương pháp học tập theo dự án. Theo đó, các sinh viên sẽ chia thành các nhóm để xác định các vấn đề, nhận diện khách hàng, người tiêu dùng hoặc nhu cầu xã hội và thiết kế hệ thống đáp ứng các nhu cầu đó. Quá trình này bao gồm xác định các đặc điểm và tính năng sản phẩm, sau đó phân tách thành các cấu phần, tích hợp vào một môi trường, tiếp tục xây dựng và thử nghiệm, đánh giá kết quả.
Ví dụ, các nhóm có thể xây dựng các cấu phần trong một căn nhà thông minh như hệ thống chiếu sáng và tưới nước tự động, hoặc hệ thống Internet Vạn Vật (IoT) để giám sát và cảnh bảo sớm tình trạng hạn hán, hoặc hệ thống khử trùng tay tự động. Sinh viên sẽ vận dụng các mô-đun kiến thức, vật liệu, công cụ và cơ sở vật chất có sẵn trên thị trường hoặc tại Trung tâm Maker Space (Không gian sáng tạo) của Fulbright để xây dựng mẫu thử nghiệm. Trong quá trình học tập và thực hành, sinh viên sẽ nắm vững các phương pháp agile căn bản dùng để quản lý dự án, nắm được các kỹ năng chế tạo hiện đại và thực hành tư duy phản biện, bao gồm nắm bắt các yếu tố ràng buộc, cân nhắc để lựa chọn phương án hợp lý và kiểm nghiệm các tác động về môi trường và xã hội.

Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên có thể:

  • Trình bày, thể hiện được sự am hểu về các quy trình kỹ thuật và thiết kế chính đằng sau những sản phẩm, giải pháp nổi bật nhất thế giới (Ví dụ: DJI Mavic Air drone, Razer Basilisk, hay Tata Nano).
  • Xác định và áp dụng kiến thức vào bối cảnh Việt Nam với một số phát minh thiết kế nổi bật (Ví dụ: ứng dụng Zalo hay xe VinFast Luxe).
  • Hiểu và thực hành sử dụng các công vụ cũng như nguyên lý của tư duy hệ thống (Ví dụ như mô hình Iceberg) và tư duy thiết kế.
  • Vận dụng phương pháp tiếp cận có hệ thống để nhận diện và lý giải rào cản thị trường và cơ hội đi kèm.
  • Xác định các yêu cầu của những giải pháp tiềm năng và các đặc điểm kỹ thuật định lượng và định tính của một hệ thống, cân nhắc các yếu tố kỹ thuật, an toàn, kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.
  • Phân tích một hệ thống thành các cấu phần chủ chốt, lý giải được chức năng của từng cấu phần, giải thích cách thức tương tác và hoạt động khi tích hợp thành một hệ thống chung.
  • Phân tích cách thức hệ thống hoạt động trong môi trường.
  • Xây dựng mẫu thử nghiệm cho hệ thống được thiết kế dựa trên các mô-đun và vật liệu có sẵn trên thị trường.
  • Đưa ra quyết định dựa trên các nhận định về mặt kỹ thuật khi đối diện với những yếu tố không chắc chắn hoặc khi cần đánh đổi, ví dụ như khi có nhiều hơn một phương án hoặc giải pháp.
  • Xây dựng và triển khai thử nghiệm. Sau đó phân tích kết quả để kiểm chứng xem hệ thống thử nghiệm mẫu có đáp ứng các yêu cầu và thông số kỹ thuật đã đề ra không.

Lịch sử Triết học

Từ xưa đến nay, ở mọi thời kỳ và vị trí địa lý, con người luôn sử dụng văn học và nghệ thuật để lý giải thế giới. Lịch sử Triết học là phần giới thiệu ngắn về các văn bản đã góp phần định hình lịch sử và nhận thức của loài người. Trong phạm vi của kỳ học và nguồn văn bản sẵn có, chúng ta sẽ cùng xem xét những ý tưởng, luận điểm và thời kỳ quan trọng trong lịch sử thế giới. Bài học đầu tiên về “Tri thức luận Cổ điển” xem xét những câu hỏi sơ khai về định nghĩa của tri thức và cách con người tích lũy tri thức. Bài học thứ hai, “Quyền lực và Sự hình thành của Thế giới Hiện đại” nói về quá trình tái định hình thường không công bằng của các ranh giới xã hội và chính trị trong thời kỳ lập quốc, thuộc địa. Bài học thứ ba – “Kiến tạo tương lai” – khám phá quan điểm của các học giả về thế giới chúng ta đã và đang xây dựng, cũng như cách thức cải thiện trong tương lai. Bên cạnh việc đọc, xem những tác phẩm và bộ phim kinh điển, sinh viên sẽ được làm quen và giảng dạy về những kỹ năng học thuật cần thiết để phục vụ hành trình tại Fulbright và cuộc sống sau này.

  • Kỹ năng đọc: Phát triển kỹ năng đọc văn bản, bao gồm khả năng đọc văn bản với tư duy phản biện, công bằng, kết hợp với hiểu biết về bối cảnh lịch sử.
  • Kỹ năng viết: Phát triển các kỹ năng viết học thuật như cách viết luận điểm thành công; biết cách cấu trúc một bài luận bao gồm phần mở bài, thân bài và kết luận; và trích dẫn các dẫn chứng văn bản liên quan để bổ trợ cho luận điểm.
  • Kỹ năng giao tiếp bằng lời nói: Phát triển các kỹ năng giao tiếp bằng lời nói, bao gồm kỹ năng lắng nghe chủ động, trình bày rõ ràng và bảo vệ luận điểm.
  • Xây dựng thái độ trân trọng đối với hành trình khám phá tri thức, cộng đồng tri thức và áp dụng những ý tưởng đa dạng này vào cuộc sống.

Văn hóa và Xã hội Việt Nam Hiện đại

Học phần này giúp sinh viên khám phá những ý tưởng, vấn đề và quan điểm phong phú xuất hiện trong thời kỳ Việt Nam hiện đại, với nội dung đa dạng về nhiều lĩnh vực – từ văn hóa – xã hội, kinh tế – chính trị cho đến những vấn đề về chủ nghĩa dân tộc, quan hệ quốc tế và toàn cầu hóa khi xem xét Việt Nam trong bối cảnh khu vực và toàn cầu.
Xuyên suốt học phần, sinh viên sẽ được học về những khái niệm cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn – những khái niệm giúp làm sáng tỏ môi trường xã hội, đồng thời khuyến khích sinh viên xem xét quan điểm của người khác với tâm thế cởi mở nhưng vẫn có tư duy phản biện. Văn hóa và Xã hội Việt Nam Hiện đại sẽ nâng cao nhận thức về chính trị và bản sắc văn hóa của sinh viên, khuyến khích sinh viên tham gia tích cực vào cộng đồng địa phương, khu vực và toàn cầu.

Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên sẽ xây dựng được các năng lực sau:

  • Hình thành quan điểm đa chiều về Việt Nam trong quá khứ và đương đại thông qua các phương pháp, khái niệm trong lịch sử, văn học, triết học và khoa học chính trị.
  • Hiểu rõ về văn hóa, xã hội Việt Nam,… với một tâm thế cởi mở nhưng có suy xét.
  • Nhận diện đợc các vẫn đề mấu chốt thông qua nhiều cuộc thảo luận, xây dựng luận điểm vững chắc dựa trên những bằng chứng xác thực, giải quyết các vấn đề đã xác định bằng phân tích và lập luận logic.
  • Triển khai một dự án nghiên cứu phù hợp theo cá nhân hoặc theo nhóm.
  • Trình bày các kết quả của dự án nghiên cứu một cách thuyết phục và sáng tạo với nhiều hình thức như bài luận, thuyết trình, phim và thiết kế trang web.
  • Có nhận thức, tôn trọng tính đa dạng của các cộng đồng và văn hóa ở Việt Nam.
  • Củng cố ý thức công dân – là một công dân tích cực của Việt Nam và thế giới.

Lý luận Định lượng cho Thời đại Số

Công nghệ số hoàn toàn thay đổi cuộc sống của chúng ta: từ cách chúng ta di chuyển, phương pháp và công cụ chúng ta dùng để thanh toán tiền, đến cách chúng ta “quẹt” trái, “quẹt” phải để tìm kiếm nửa kia. Toán học và khoa học máy tính chính là căn nguyên của những thay đổi về xã hội, văn hóa và kinh tế này. Thế nhưng chúng ta làm thế nào để thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và xây dựng thuật toán thúc đẩy những tiến bộ này và tạo ra tác động trong cuộc sống?
Học phần “Lý luận Định lượng cho Thời đại Số” không chỉ giúp sinh viên phát triển các kỹ năng nền tảng về toán học và khoa học máy tính, mà còn minh họa cách lập trình máy tính và tư duy thuật toán giúp con người phát hiện vấn đề trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như kinh tế, tâm lý học, lịch sử và triết học.
Thông qua hiểu biết về cách lý luận định lượng và xã hội hiện đại ảnh hưởng lẫn nhau, sinh viên sẽ học được cách tự đặt câu hỏi cho các giả định của bản thân về dữ liệu lớn, nhỏ và tư duy phản biện về nguồn thông tin định lượng phong phú góp phần giúp chúng ta đưa ra quyết định.

Học phần “Lý luận Định lượng cho Thời đại Số” trang bị cho sinh viên kiến thức về các phương pháp định lượng, thống kê và lý luận thuật toán, nguyên lý lập trình máy tính. Sinh viên sẽ làm việc theo nhóm để khám phá cách các mô hình toán học miêu tả hành vi con người, tiến hành kiểm thử các mô hình này bằng cách thiết kế câu hỏi nghiên cứu, thu thập dữ liệu và học cách đánh giá dữ liệu, nhận biết sự tương đồng trong bối cảnh xã hội rộng lớn hơn.
Thông qua việc vận dụng các kỹ năng này, sinh viên sẽ hình thành thói quen tư duy và áp dụng cách tư duy này vào các ngành khác; dùng số liệu để xây dựng và phân tích suy luận các luận điểm dựa trên bằng chứng; hiểu rõ ưu/nhược điểm của việc sử dụng lý luận định lượng trong thời hiện đại.

Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên các năng lực sau:

  • Thiết lập các câu hỏi nghiên cứu và thu thập dữ liệu phù hợp để giải đáp các câu hỏi này.
  • Nghiên cứu và nhận diện các khuynh hướng tương đồng trong dữ liệu định lượng.
  • Trình bày rõ ràng các thông tin định lượng.
  • Làm việc nhóm hiệu quả.

Khám phá Khoa học

Từ những nguyên tử nhỏ nhất đến ngôi sao xa xôi nhất – chúng ta biết gì về vũ trụ? Tại sao chúng ta biết được những điều này? Học phần “Khám phá Khoa học” mở ra cánh cửa để sinh viên khám phá cách loài người xây dựng vốn kiến thức nền tảng về các ngành khoa học.
Học phần này giới thiệu các phương pháp khoa học thông qua các thí nghiệm đột phá của những nhà khoa học lỗi lạc như Galileo, Newton và Pavlov. Đồng thời, học phần cũng mang lại trải nghiệm thực tế thông qua các dự án mô phỏng những vấn đề trong đời sống thực tế về sinh học, hóa học, vật lý, khoa học trái đất và khoa học thần kinh.
Thông qua việc áp dụng cách tiếp cận theo dự án và câu hỏi để trả lời những câu hỏi khoa học trong nhiều lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên, sinh viên sẽ hiểu được cách thiết lập, giải thích và phản biện các tuyên bố khoa học một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Học phần này tập trung vào cách khám phá khoa học bổ trợ cho các ý kiến tranh luận trong quá khứ và hiện tại. Với những liên kết với các học phần khác trong Chương trình Đào tạo Nền tảng, học phần này không chỉ giúp sinh viên hiểu về thế giới từ góc nhìn khoa học, mà còn giúp các bạn hiểu được sự hình thành của quan điểm khoa học cũng như cách các quan điểm này bị ảnh hưởng bởi các sự kiện trên thế giới.

“Khám phá Khoa học” đưa sinh viên vào thế giới khoa học bằng cách áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học vào các ví dụ thực tiễn. Sinh viên sẽ được học các lý thuyết và bài thực hành nền tảng về sinh học, hóa học và vật lý. Từ đó, các bạn sẽ hiểu được các quá trình cần có khi nghiên cứu một kiến thức khoa học mới, đồng thời có thể áp dụng các quá trình này để tìm câu trả lời cho các câu hỏi khoa học đương đại.
Trong suốt học phần, sinh viên sẽ nghiên cứu những đề tài quan trọng liên quan đến một số lĩnh vực khoa học nhất định, học cách phân biệt kiến thức khoa học và phi khoa học, thiết kế câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu, kiểm tra giả thuyết qua các thí nghiệm nhóm và trình bày kết quả bằng báo cáo nhóm và thuyết trình.

Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên xây dựng được các năng lực sau:

  • Thể hiện được hiểu biết về tiến trình phát triển của các ý tưởng khoa học chủ chốt thông qua ngôn ngữ viết;
  • Đánh giá các tuyên bố khoa học thông qua các hình thức diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết.
  • Áp dụng quy trình tìm hiểu khoa học thông qua việc hình thành các câu hỏi và giả thuyết khoa học cũng như thu thập, phân tích, giải thích và báo cáo dữ liệu;
  • Thể hiện năng lực phân tích dữ liệu định lượng cơ bản bằng cách áp dụng các kỹ năng liên quan cho một dự án.
  • Hiểu những điểm tương đồng và khác biệt giữa khoa học với các lĩnh vực văn hóa khác.
Fulbrighters tiêu biểu

Chia sẻ về Chương trình Đào tạo Nền tảng

avatar
“Một trong những mục tiêu của môn Lịch sử Triết học là bình thường hóa trải nghiệm của người Việt Nam bằng cách giúp sinh viên thấy được nét tương đồng trong trải nghiệm của những người rất khác nhau trên toàn thế giới. Từ đó, sinh viên có thể xây dựng sự đồng cảm với các nền văn hóa khác và thấy được trải nghiệm chung của con người về sự thay đổi.”
Tiến sĩ Andrew Bellisari, Giảng viên bộ môn Lịch sử, một trong những giảng viên chính của học phần Lịch sử Triết học
avatar
“Học phần Khám phá Khoa học tập trung vào tư duy khoa học hơn là giới thiệu các nguyên lý cụ thể trong khoa học tự nhiên. Với tôi, trọng tâm của học phần này là các phương pháp khoa học. Do đó, tôi để các bạn sinh viên linh hoạt lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu, miễn là các bạn thể hiện được hiểu biết
Nguyễn Thị Trang, Giảng viên môn Khám phá Khoa học
avatar
“Em nhận ra kiến thức về văn hóa và xã hội Việt Nam của em vẫn còn hạn chế và cần phải bồi đắp thêm. Học phần này thúc đẩy em tìm kiếm tri thức mới và tìm hiểu các khái niệm mới. Đồng thời, học phần cũng giúp em hiểu được một điều rất quan trọng, đó chính là bản sắc dân tộc làm nên con người Việt Nam. Em cũng nhận ra rằng mình sẽ không lạc lối trong thế giới hiện đại.”
Quách Minh Phát, Sinh viên Khóa 2024
avatar
“Đây không phải một lớp học kỹ thuật thông thường - lớp học này không theo một cấu trúc cứng nhắc. Thay vào đó, các nội dung và hoạt động rất linh hoạt, chú trọng vào trải nghiệm tự khám phá của sinh viên. Một số nội dung kiến thức hoặc bài tập được giao cho sinh viên tự dạy lẫn nhau. Giảng viên không áp đặt cách suy nghĩ hoặc cách làm mà khuyến khích chúng em tự học.”
Thái Thanh Mi, Sinh viên Khóa 2023

Kết nối với chúng tôi

Khám phá tương lai đang chờ
đón bạn ở Fulbright

Tìm hiểu cách nộp đơn

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer