Do những diễn biến dịch bệnh Covid, như các đại học trên thế giới, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã có một mùa tuyển sinh khởi đầu (từ Tháng 4/2020) hạn chế tiếp cận với công chúng, đối tượng quan tâm do thực thi quy định giãn cách xã hội. Những dấu hiệu khả quan trong kiềm chế dịch bệnh thành công của Chính phủ đã tạo điều kiện cho phép xã hội vận hành trở lại bình thường. Trong không gian an toàn, sáng 27/6, Trường Fulbright đã tổ chức sự kiện tuyển sinh ngoại tuyến đầu tiên tại Đại học Fulbright Việt Nam. Như truyền thống, trường đón các đối tượng quan tâm chương trình tuyển sinh năm học 2020 và đặc biệt là các cựu học viên của trường. Những câu chuyện của các cựu học viên chia sẻ là sự xác thực sống động nhất về chất lượng đào tạo và những giá trị mà Fulbright kiến tạo cho người học.
Tháng 11/2019, Nguyễn Xuân Hà quyết định giã từ môi trường làm việc của các công ty 100% vốn nước ngoài sau hơn 20 năm để chuyển sang làm cho một công ty tư nhân quy mô nhỏ của Việt Nam. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương chuyên ngành kinh tế đối ngoại, như một duyên cơ, anh gia nhập công việc trong ngành vận tải vận tải quốc tế (shipping), hậu cần (logistics) và giao nhận quốc tế (freight forwarding) và trở thành người kỳ cựu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Sự nghiệp của Xuân Hà cũng thăng tiến theo thời gian. Khi làm việc trong các hãng vận tải quốc tế tên tuổi, anh đã trải qua nhiều vị trí quản lý, từ Trưởng phòng Kinh Doanh, Trưởng bộ phận thu mua đến Giám đốc Thương mại…
Dày dặn kinh nghiệm quản lý, nhưng anh không thể tính được việc rời một tập đoàn của Đức đứng đầu thế giới về dịch vụ logistic sang làm Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần tiếp vận chăm sóc hàng hoá (Cargo Care Logistics Corp), một công ty tư nhân Việt Nam có quy mô khoảng 70 nhân viên lại trúng ngay một thử thách khốc liệt. Lúc này, anh cũng bận rộn bước vào giai đoạn làm luận văn, chuẩn bị kết thúc việc học chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý (Lớp MPP2020) ở Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.
“Đó là một thời khắc đầy khó khăn. Chỉ 2 tháng sau khi nhận vị trí này, dịch bệnh Covid ập đến. Toàn bộ nền kinh tế, chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với ngành dịch vụ hậu cần vận tải, chúng tôi đã ít nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Khi Covid xảy ra trên toàn cầu, các doanh nghiệp giao vận vận tải, nhất là những công ty có quy mô nhỏ thực sự lao đao” – anh chia sẻ.
Đứng trước thử thách duy trì doanh nghiệp trụ vững, anh định hình bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như đánh giá lại hiệu quả, quy trình tạo năng suất lao động của nhân viên. Trong khi luận văn tốt nghiệp còn chưa làm xong, Xuân Hà đẩy ngay việc thực hành các kiến thức lãnh đạo, quản lý kinh tế học được từ Fulbright để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Anh chia sẻ, đó là giai đoạn cảm thấy thấm thía những kiến thức học được thực sự cần thiết và những kỹ năng ứng biến với thử thách, đổi thay, tư duy kiến thức học ở Fulbright đã trở thành điểm tựa để anh chèo lái doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng.
“Tất cả các kiến thức học được từ các thầy tôi vận dụng hết khả năng có thể”, anh nói. Nửa năm sau rung chấn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, doanh nghiệp do anh điều hành bắt đầu đi qua bão, ổn định và hoạt động tốt trở lại, bắt nhịp lại đà tăng trưởng.
Tinh thần, di sản đào tạo Fulbright
“Có nên học Thạc sĩ không và nên học ngành gì?” – đó là câu hỏi mà PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh với những ai đang cân nhắc việc tiếp tục học tập, bồi đắp kiến thức, kỹ năng nhằm thích ứng với những biến động thời cuộc, củng cố và phát triển hơn nữa di sản sự nghiệp của mình.
Chính sách công là một khoa học ứng dụng liên ngành, không phải là ngành học dành riêng cho khu vực nhà nước. Nhờ tính ứng dụng và tính liên ngành cao, ngành chính sách công đang ngày càng thu hút những người từ khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội theo học. Nguyễn Thị Xuân Hường, lớp MPP20 là một trường hợp như vậy.
Năm 2015, Xuân Hường nhận được học bổng Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) được tổ chức tại Trường Fulbright. Đó là lần đầu tiên cô biết đến trường Fulbright với ấn tượng sâu sắc về môi trường học tập năng động, hiện đại. Năm 2018, khi đang làm công việc tư vấn chiến lược truyền thông cho các NGO, Xuân Hường nhận ra sự thiếu hụt về kiến thức liên quan chính sách. Tìm hiểu Fulbright với thiện cảm ấn tượng về bề dày đào tạo và đội ngũ giảng viên uy tín hàng đầu Việt nam tại đây, nhưng cô lại đã trải qua những đắn đo quyết định thi vào trường. Lý do bởi chương trình Thạc sĩ của trường Fulbright vốn nặng về kinh tế và định lượng trong khi Xuân Hường xuất thân được đào tạo đại học báo chí với kiến thức chủ đạo về khoa học xã hội.
Sau những suy tính, cô quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển vào trường bởi lời khuyên đây là môi trường đào tạo chính sách chất lượng nhất. Khởi đầu học tập e dè trước các môn học nặng về kinh tế nhưng chương trình đào tạo bài bản khoa học tại Fulbright đã giúp Xuân Hường thu hẹp khoảng cách về kiến thức kinh tế. Với cường độ nỗ lực học tập nghiêm túc, Xuân Hường nhanh chóng trở thành một trong những học viên có thành tích nổi bật nhất khóa MPP2020.
“Cho dù bạn xuất thân từ lĩnh vực nào, kinh tế hay xã hội, bạn sẽ tìm thấy điểm phù hợp ở môi trường Fulbright. Nền tảng đại học của mình là xã hội, học về báo chí nhưng ở môi trường này, mình không bị bỏ rơi. Từ tập thể lớp, thầy cô, họ thực sự truyền cảm hứng và dạy cho mình nhiều điều. Bí quyết để không bỏ cuộc hành trình học đầy thử thách đó là môi trường học tập, chỉ cần tìm được môi trường học tập lý tưởng, bạn sẽ chinh phục được tri thức”, Xuân Hường cho hay khi chia sẻ với các ứng viên đang chuẩn bị nộp hồ sơ.
Do lịch sử phát triển hình thành của Trường Fulbright có những giai đoạn khác nhau trong hơn 25 năm qua (từ một chương trình giảng dạy kinh tế ứng dụng: Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright – FETP, đào tạo một năm cấp chứng chỉ đến Chương trình Thạc sĩ Chính sách công nằm dưới Đại học Kinh tế TP.HCM và bây giờ là Chương trình đào tạo học thuật của Đại học Fulbright), trường cũng thu nhận nhiều trường hợp học viên theo đuổi lâu dài.
Anh Nguyễn Xuân Định, Phó Giám đốc Chi nhánh Đông Đồng Nai, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) từng là học viên K9 của FETP cách đây 16 năm. Sau khi trường thành lập Chương trình Thạc sĩ cấp bằng vào năm 2008, anh tiếp tục trở lại để theo học. Một trong những di sản Fulbright kiến tạo giúp cho các học viên hưởng lợi đó là cộng đồng mạng lưới cựu học viên của trường đa dạng thành phần, trải dài khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Họ có thể học các khóa khác nhau, không quen nhau nhưng tinh thần Fulbright, những giá trị nhất quán trong giáo dục của Fulbright là một chất xúc giúp họ nhanh chóng kết nối và ủng hộ, hỗ trợ cho nhau trong mọi hành trình sự nghiệp, cuộc sống.
Trong cuộc trò chuyện tại Ngày hội Tuyển sinh, anh Định chia sẻ lại những kỹ niệm của khóa K9 ở cơ sở đào tạo đầu tiên khiêm tốn của Fulbright trong một con hẻm nhỏ trên đường Võ Thị Sáu, Quận 3.
“Lớp chúng tôi có 70 học viên nhưng đến từ 56 tỉnh, thành, trải dài từ miền Bắc đến đất mũi Cà Mau. Hầu hết tỉnh nào cũng có một đến hai người. Chúng tôi học sống, học với nhau trong cùng ký túc xá suốt năm học, không ai dám về nhà vì học quá vất vả, cần phải ở gần trường để thuận tiện nhất có thể. Vì ở xa tụ lại nên chúng tôi đã gắn bó với nhau thân thiết, hơn cả thời học đại học. Sau này khi ra trường, dù mỗi người trở về một nơi nhưng vẫn luôn đồng hành, hỗ trợ nhau trong sự nghiệp. Cộng đồng học viên Fulbright có một điểm đặc biệt đó là dù có thể chưa từng quen, nhưng gặp nhau chỉ sau một vài câu chúng tôi có thể nhận ra là học ở Fulbright. Fulbright có một DNA giúp chúng tôi nhận ra nhau dễ dàng. Tôi đã có nhiều đối tác trong công việc từ chính các anh chị cùng học dưới mái trường này. Với tinh thần Fulbright, cứ đi đâu gặp nhau, chúng tôi biết chắc công việc sẽ luôn thuận lợi”.
Giữ vị trí tiên phong
Đối với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên Cao cấp của Trường, sự kiện tuyển sinh năm 2020 là dịp gợi nhắc ông một sự kiện quan trọng. Cùng tại sự kiện tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách công của năm ngoái, ông vinh dự đón nhận tin tức và chia sẻ với các ứng viên một dấu mốc lịch sử của trường. Đó là việc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhận kiểm định quốc tế của NASPAA (Mạng lưới toàn cầu các trường chính sách công, hành chính công và quản lý công). Đó là một bảo chứng vàng khi Fulbright trở thành trường đào tạo chính sách công đầu tiên của Đông Nam Á và một trong số 11 viện đào tạo nằm bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ được chứng nhận về chất lượng giáo dục.
Chia sẻ với các ứng viên về tầm nhìn của Fulbright, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh một nguyên tắc cốt lõi mà trường luôn theo đuổi đó là tiên phong, đi đầu trong giảng dạy và nghiên cứu chính sách công. Theo đó, Fulbright gắn kết cộng đồng, cả khu vực công và khu vực tư nhân, xã hội dân sự trong môi trường đào tạo chính sách công của mình.
“Từ cơ cấu môn học đến cơ cấu học viên, trường sẽ luôn đảm bảo sự gắn kết đa dạng của các khu vực trong ý đồ tạo ra một lớp học là phiên bản thu nhỏ của môi trường chính sách. Theo đó trong mỗi lớp học sẽ có đủ thành phần liên quan đến chính sách từ người làm chính sách ở Trung ương, địa phương, có giảng viên đại học, công ty tư nhân, người làm trong tổ chức NGO. Điều này giúp cho việc đào tạo chính sách công có không gian thảo luận mổ xẻ đa chiều, tạo ra bức tranh gần với hiện thực”
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cũng nhấn mạnh giá trị bản sắc trong đào tạo của Fulbright đó là mang tri thức toàn cầu đến Việt Nam, nhưng “nhiệt đới hóa” tri thức toàn cầu đó để phù hợp điều kiện và môi trường xã hội Việt Nam. Và học viên theo học tại Fulbright không chỉ học kiến thức cụ thể. Hơn cả đó là học cách nhìn, học một tư duy, thái độ với vấn đề thực tiễn của thời cuộc và đặt ra những giải pháp mang tính xây dựng, tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội Việt Nam.
Tại sự kiện tuyển sinh năm nay, lần đầu tiên trường Fulbright tổ chức hai lớp học thử (demo class) cho các ứng viên trải nghiệm chất lượng giảng dạy của các giảng viên. PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa đã đứng lớp giảng về nghiên cứu tình huống với thực tiễn mô phỏng là dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, Tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Giảng dạy từ nghiên cứu tình huống được Trường Fulbright tiên phong ở Việt Nam cách đây hơn một thập kỷ như một nét bản sắc của Chương trình đào tạo Thạc sĩ Chính sách công. Mặc dù, giảng dạy từ nghiên cứu tình huống đã phổ biến ở nhiều trường đại học Việt Nam ngày nay nhưng điểm độc đáo của Fulbright đó là kế thừa kho nghiên cứu tình huống của trường Harvard Kennedy và trường Kinh doanh Harvard, những bộ tình huống không chỉ của Mỹ mà là các tình huống toàn cầu, đặc biệt là các tình huống của Đông Nam Á, Đông Bắc Á.
Quan trọng hơn phương pháp này được kết hợp cùng bộ nghiên cứu tình huống ở Việt Nam do các giảng viên là các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam soạn đưa vào giảng dạy. Các bộ tình huống này luôn được cập nhật theo thực tế. Sự “hòa nhập toàn cầu và địa phương” này cho phép học viên tiếp cận các tình huống thực tiễn của nước ngoài để so sánh với các tình huống ở Việt Nam, qua đó phân tích các khung lý thuyết kinh tế kinh điển và bài học áp dụng vào thực tiễn sống động, phong phú.
Lớp học Kinh tế Vi mô 2 với chủ đề “Phúc lợi người tiêu dùng và Phân tích chính sách” do Tiến sĩ Lê Thái Hà, Giám đốc Nghiên cứu, giảng viên cao cấp về kinh tế giàu kinh nghiệm giảng dạy. Cô đã mang đến lớp học trải nghiệm một chủ đề nóng bỏng đang diễn ra liên quan đại dịch Covid-19 đó là các vấn đề chính sách xã hội. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Chính phủ các nước đã đưa ra các giải pháp, chính sách khẩn cấp và toàn diện nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp hạn chế tác động tiêu cực về con người và kinh tế của đại dịch này.
Trong bài giảng, Tiến sĩ Lê Thái Hà đi sâu phân tích tác động, hiệu quả của những chương trình trợ cấp của chính phủ, trong đó nhấn mạnh những chương trình trợ cấp của chính phủ tác động đến đường giới hạn ngân sách của người tiêu dùng và từ đó ảnh hưởng đến hành vi và phúc lợi của người tiêu dùng. Với trợ cấp, người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm và hàng hóa với chi phí rẻ hơn. Việc thiết kế các gói hỗ trợ này như thế nào đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính hiệu quả về khía cạnh chi phí cho chính phủ và phúc lợi của người tiêu dùng.
Hình ảnh Ngày hội Tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Chính sách Công 2020 ngày 27/6:
Xuân Linh