Nguyễn Trịnh Diễm Quỳnh là một trong 72 tân cử nhân đầu tiên của Fulbright vừa tốt nghiệp vào tháng 6/2023. Với ba lần chuyển ngành cùng kinh nghiệm thực tập, làm việc ngay từ năm nhất, hành trình tìm hiểu bản thân của Quỳnh đã giúp cô bạn chinh phục vị trí Hỗ trợ Phát triển Sản phẩm (Product Associate) tại Momo từ khi còn là sinh viên năm ba, và đảm nhiệm vị trí Hỗ trợ Quản lý Sản phẩm (Associate Product Manager) tại ShopeePay khi vừa tốt nghiệp.
Những lần chuyển ngành là cơ hội để khám phá bản thân
Khi bắt đầu học tập tại Fulbright, Quỳnh bồi hồi nhớ lại: “Tốt nghiệp lớp chuyên Vật lý ở cấp ba đã khiến mình “tự dán nhãn” bản thân rằng mình chỉ phù hợp với các lĩnh vực liên quan đến khoa học tự nhiên. Vì thế, trong suốt năm nhất đại học, mình gần như xác định sẽ học ngành Khoa học Tích hợp tại Fulbright”.
Thế rồi trong quá trình tiếp thu kiến thức và lắng nghe bản thân, được truyền cảm hứng về việc “tạo ra một sản phẩm” hay “giải quyết vấn đề của cộng đồng”, Quỳnh chuyển hướng sang ngành Tâm lý học với mong muốn được hiểu và lắng nghe nhu cầu của những người xung quanh. Từ đó, Diễm Quỳnh tin rằng kiến thức ấy có thể giúp bản thân trong quá trình nghiên cứu sản phẩm phù hợp với cộng đồng cô bạn quan tâm hoặc giúp họ giải quyết những khó khăn đang gặp phải.
Đến hai năm cuối đại học, Quỳnh nhận ra muốn tạo được sản phẩm chất lượng, việc hiểu tâm lý người dùng thôi là chưa đủ, mà còn cần thêm kiến thức về chiến lược, tính toán. Một lần nữa, Diễm Quỳnh quyết định chuyển sang ngành Kinh tế học, với ngành phụ là Khoa học Máy tính.
Với Quỳnh, những lần đổi ngành học là cơ hội để cô bạn đặt câu hỏi cho bản thân cũng như tự nhìn lại quá trình “lớn lên”. Quỳnh xúc động tâm sự: “Mình cảm thấy thị trường việc làm luôn chứa đầy biến động, đòi hỏi người lao động phải có kĩ năng đa dạng cũng như khả năng thích ứng nhanh. Do đó, mình tin việc trang bị kiến thức ở nhiều lĩnh vực là vô cùng cần thiết. Fulbright đã cho mình cơ hội để khám phá, thử nghiệm thật nhiều phiên bản của chính mình”.
Nuôi dưỡng một tâm hồn say mê học hỏi và nghiêm túc với mọi quyết định
Điều Diễm Quỳnh tiếc nuối nhất sau khi tốt nghiệp là phải rời xa một môi trường cho mình nguồn cảm hứng tự học mãnh liệt. Quỳnh bộc bạch: “Trong quá trình học tại Fulbright, cơ hội được kết nối với những người bạn, người thầy luôn say mê với việc học, giảng dạy là điều khiến mình vô cùng tự hào. Mình vẫn nhớ, mỗi lần bất kì người bạn nào của mình học được kiến thức hay, họ đều chia sẻ với mọi người thông qua những buổi trò chuyện tại kí túc xá. Nhờ đó, mình cũng được truyền cảm hứng về khát khao tìm kiếm tri thức mỗi ngày”.
Một trong những kiến thức “gối đầu giường” Quỳnh học được ở Fulbright là phương pháp khoa học (Scientific Methods) do thầy Đinh Vũ Xuân Hùng giảng dạy. Cụ thể là cách tư duy quy trình, rằng trước khi bắt đầu làm gì, Quỳnh được thầy khuyến khích học cách quan sát (Observation), từ đó xác định giả thuyết (Hypothesis), kiểm tra xem liệu giả thuyết đó có đúng hay không (Testing). Nếu kết quả (Proof/Justification) minh chứng được giả thuyết thì kết luận giả thuyết đúng. Nếu không, hãy thử lại các bước trên lần nữa. Chính tư duy logic đã giúp Diễm Quỳnh chinh phục các giải thưởng của những cuộc thi khởi nghiệp. Đến bây giờ, kiến thức ấy vẫn theo cô bạn trong suốt quá trình làm việc: “Sau này, trải qua nhiều dự án khi làm việc ở Momo hay Shopee, mình nhận ra dù vấn đề có thể lớn hơn, nhưng khung phương pháp được áp dụng vẫn sẽ xoay quanh những gì mình đã học ở Fulbright, đặc biệt là cách tư duy có trình tự”, Quỳnh chia sẻ.
Ngoài việc học, Diễm Quỳnh còn có một lòng đam mê rất lớn với âm nhạc. Cô bạn tâm sự, nhờ cách dạy học luôn khuyến khích mọi ý tưởng của giảng viên và sự khát khao kiến thức của sinh viên, Quỳnh được truyền động lực rằng phải nghiêm túc với bất kì sản phẩm nào mình làm ra, dù nó là một bài hát tự sáng tác, hay là cả một dự án khởi nghiệp trong các cuộc thi lớn, nhỏ.
“Thầy cô ở Fulbright là người giúp chúng mình học cách cho đi”
Những người thầy cô đầu tiên như thầy Kinho Chan, cô Pamela Corey hay các anh, chị nhân viên trong trường đã khởi xướng “văn hóa cho đi” tại Fulbright. Những thành viên Đồng kiến tạo (Co-Design) đầu tiên của ngôi nhà khai phóng, được các thầy cô khuyến khích chia sẻ những món đồ các bạn không còn dùng nữa, gửi cho những bạn khác cần hơn. Từ đó, cộng đồng “Tình làng nghĩa xóm” ra đời như một nơi để mọi người trao đổi, tặng nhau những món đồ. Đến các khóa tiếp theo, các bạn vẫn duy trì điều ấy như một nét văn hóa đẹp của đời sống sinh viên.
Với Quỳnh, khởi đầu của “văn hóa đáp đền tiếp nối” (pay-it-forward) tại Fulbright đã giúp cô bạn nuôi dưỡng một trái tim luôn học cách chia sẻ kiến thức. Cô bạn tâm sự: “Trong môi trường học thuật, ‘văn hóa cho đáp đền tiếp nối’ của Fulbright thể hiện ở việc chúng mình luôn luôn nhận được sự giúp đỡ bất kể khi nào chúng mình cần. Có những lúc băn khoăn về ngành nghề, công việc, mình nhận được sự giúp đỡ từ thầy Phan Tuấn Ngọc, thầy Kinho Chan hay các chị nhân viên tại Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo (CEI). Mọi người đã giới thiệu những cơ hội thực tập cũng như hướng dẫn mình những kỹ năng cần thiết để làm việc trong lĩnh vực mà mình quan tâm.”
Sau này trong quá trình học tập, làm việc, văn hóa ấy khuyến khích Quỳnh lan tỏa kiến thức cô bạn học được cho một cộng đồng lớn hơn. Quỳnh thích thú chia sẻ, trong một lần say sưa với kiến thức từ ngành Kinh tế, cô bạn quyết định quay video thảo luận về nó rồi đăng lên YouTube. Bất ngờ hơn, chiếc video ấy đạt tận mười nghìn lượt xem. Tại môi trường luôn khuyến khích tinh thần đáp đền tiếp nối, với Quỳnh, Fulbright là nơi an toàn để cô bạn thỏa sức với niềm đam mê được học, được chia sẻ điều mình đã học, và rồi được nhận lại kiến thức mới.
Như Ý