
Đại học Fulbright Việt Nam vinh dự thông báo một bước tiến đáng kể trong nghiên cứu về Việt Nam thông qua hợp tác tiên phong với Đại học Columbia. Nhờ khoản tài trợ trị giá 600.000 đô la Mỹ từ Quỹ Henry Luce, bước tiến này hướng tới thay đổi việc tiếp cận và nghiên cứu nguồn di sản phong phú của Việt Nam và tài nguyên học thuật toàn cầu thông qua công nghệ kỹ thuật số.
Dự án mang tên “Số hóa Việt Nam: Tương lai số của Việt Nam Toàn cầu và Nghiên cứu Việt Nam” được triển khai nhằm xây dựng một cơ sở hạ tầng hiện đại cho lĩnh vực Nghiên cứu Việt Nam, tập trung vào việc phát triển một trung tâm tích hợp cho nghiên cứu nhân văn số (DH). Sáng kiến này không chỉ hỗ trợ bảo tồn mà còn tăng cường quyền truy cập vào một lượng lớn các bộ sưu tập bản thảo thời kỳ tiền hiện đại, cùng với một danh mục toàn diện về các bộ sưu tập lưu trữ và thư viện của thời kỳ hiện đại ở Việt Nam.
Qua bốn năm triển khai, dự án dự kiến sẽ có những ảnh hưởng trên ba cấp độ như sau:
Kho dữ liệu số
Giai đoạn này tập trung vào việc cho ra các nguồn tài nguyên kỹ thuật số mới và các công cụ nhân văn số, mà đây là kết quả của quá trình cộng tác làm việc của giới học giả tạo ra. Điều này sẽ tạo ra những biến đổi tích cực trong các lĩnh vực Nghiên cứu Việt Nam, Nghiên cứu Đông Á và Nghiên cứu Đông Nam Á, vốn là những lĩnh vực hiện đang ít được nghiên cứu trong bối cảnh toàn cầu.
Giảng dạy về Việt Nam
Một loạt các bản dịch, hình ảnh được tuyển chọn, bài học và các tài nguyên khác sẽ được cung cấp cho các mục đích sư phạm. Mục tiêu ở cấp độ này là nâng cao giáo dục toàn cầu về các chủ đề liên quan đến Việt Nam.
Hiểu về Việt Nam
Để thay đổi nhận thức và hiểu biết chung về Việt Nam, dự án sẽ tham gia vào các hoạt động tiếp cận cộng đồng khác nhau. Các bài giảng trực tuyến, podcast, hội thảo và nhiều sự kiện khác sẽ được thiết kế để giới thiệu Việt Nam đến đông đảo khán giả.
Dự án bao gồm các vai trò chủ chốt như sau: Giám tuyển số từ Đại học Columbia, Thủ thư Kỹ thuật số từ Đại học Fulbright Việt Nam Kỹ sư giải pháp công nghệ thông tin thuộc cả hai bên Columbia và Fulbright. Giám tuyển số làm việc tại Thư viện Columbia, sẽ giám sát việc xây dựng, thu thập, tuyển chọn và quản lý trung tâm kỹ thuật số. Trong khi đó, Thủ thư Kỹ thuật số tại Fulbright sẽ kết nối Thư viện Fulbright với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Fulbright nhằm đảm bảo khả năng tích hợp thông tin và vận hành xuyên suốt. Vai trò này cũng sẽ mở rộng để liên lạc với các tổ chức khác nhau trên khắp Việt Nam, tạo ra một mạng lưới hỗ trợ việc tận dụng tri thức học thuật và sử dụng công cụ DH do dự án này phát triển. Bên cạnh đó, kỹ sư giải pháp công nghệ thông tin sẽ quản lý các công cụ chú thích cho lĩnh vực nhân văn số, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và sinh viên, tăng cường phân tích dữ liệu và cung cấp các phương pháp học tập mang tính tương tác cao cho sinh viên.
Hợp tác lần này giữa Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Columbia đánh dấu bước ngoặt trong nghiên cứu lĩnh vực nhân văn số, đặt ra tiêu chuẩn mới cho các hợp tác học thuật toàn cầu. Bằng cách số hóa và tăng tính tiếp cận của các kho dữ liệu văn hóa và lịch sử Việt Nam, dự án hứa hẹn sẽ nâng cao sự hiểu biết và đánh giá toàn cầu về nền di sản phong phú của Việt Nam. Đại học Fulbright Việt Nam tự hào dẫn đầu sự thay đổi này, tái khẳng định cam kết của trường về đổi mới và đảm nhiệm vai trò xuất sắc trong lĩn nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á.