Mùa hè năm nay, Fulbright mang đến một môn học đặc biệt mang tên Multicultural Psychology (tạm dịch: Tâm lý học Đa Văn hóa). Môn học được hợp tác xây dựng bởi giảng viên ngành Tâm lý học của Fulbright và Chương trình Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng và Tư vấn Sức khỏe Tâm thần của Đại học John Carroll, Hoa Kỳ.
Chương trình giảng dạy kết hợp lý thuyết chuyên môn và trải nghiệm thực tiễn
Các giảng viên của hai trường đã phát triển môn học xoay quanh các lý thuyết và mô hình về tâm lý học đa văn hóa, phát triển bản sắc văn hóa và công bằng xã hội. Qua đó, các sinh viên có thể phân tích và đánh giá tác động của văn hóa, thái độ, niềm tin và trải nghiệm lên nhận thức cá nhân.
Nửa kỳ đầu, các sinh viên sẽ học tại trường. Sau đó, sáu sinh viên hệ Thạc sĩ ở trường Đại học John Carroll đã sang Việt Nam vào giữa tháng 6 để học cùng các sinh viên Fulbright trong vòng 2 tuần.
Ngoài các buổi học trên lớp, các sinh viên được tham gia:
- Chuyến đi thực tế đến hai công ty Tư vấn Tâm lý tại TP. Hồ Chí Minh;
- Các buổi hội thảo với các chuyên gia ngành Tâm lý;
- Trình bày nghiên cứu tại Hội nghị International Association of Marriage and Family Counselors Conference – IAMFC (tạm dịch: Hội nghị của Hiệp hội Quốc tế các Chuyên gia Tâm lý Hôn nhân và Gia đình) về chủ đề Bridging Cultures: Vietnamese and American Family Dynamics (Gắn kết văn hóa: Khuôn mẫu và nếp sống của gia đình Việt Nam và Mỹ).
Kiến thức và trải nghiệm đa văn hóa – chìa khóa để phát triển kỹ năng Tâm lý học trong bối cảnh toàn cầu hóa
“Trong Tâm lý học, sinh viên không chỉ học tập các kiến thức chuyên môn mà cần những trải nghiệm thực tế từ môi trường đa văn hóa,” Tiến sĩ Nathan Gehlert, giảng viên Tâm lý học tại Fulbright chia sẻ.
Theo lẽ tự nhiên, con người thường có những định kiến và rào cản khi tiếp xúc với môi trường và văn hóa khác biệt. Vì thế, các sinh viên cần được học về cách nâng cao kỹ năng nhận diện và giải quyết các rào cản, định kiến và phân biệt đối xử trong quá trình hỗ trợ các nhóm khách hàng đa dạng.
Môn học Multicultural Psychology giúp sinh viên hiểu sâu về sự đa dạng văn hóa và có cơ hội suy ngẫm về những trải nghiệm đó. Trong từng tiết học, sinh viên có cơ hội chia sẻ trải nghiệm cá nhân và tích lũy kiến thức từ nhiều nền văn hóa khác nhau, qua đó, phát triển kỹ năng hỗ trợ khách hàng hiệu quả trong sự nghiệp Tâm lý học sau này.
“Xuyên suốt quá trình học, mình thấy không có ranh giới hay khoảng cách nào giữa sinh viên từ các quốc gia khác nhau. Chúng mình cùng học, cùng chia sẻ những khó khăn và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Khoảng cách không còn quan trọng khi chúng mình có chung một mục đích và mở lòng để đón nhận những khác biệt của nhau,” là những ấn tượng của Quỳnh Phương, sinh viên Khóa 2025.
Học cách thấu hiểu và chia sẻ về văn hóa của hai quốc gia thông qua Hội nghị IAMFC
Trong 2 tuần học tại Việt Nam, sáu sinh viên từ Đại học John Carroll được phân chia vào các nhóm để thực hiện một bài thuyết trình với chủ đề Bridging Cultures: Vietnamese and American Family Dynamics tại hội nghị IAMFC. Các bạn trẻ có cơ hội chia sẻ và trao đổi góc nhìn, trải nghiệm và văn hóa của hai quốc gia, từ đó điều chỉnh lý thuyết và thực hành tâm lý học theo ngữ cảnh đa văn hóa.
“Bài thuyết trình đã giúp mình bất ngờ nhận ra nhiều điểm tương đồng với các bạn Việt Nam về cách giao tiếp, quá trình trưởng thành và duy trì giá trị văn hóa gia đình,” chia sẻ từ Angelina Wright, sinh viên hệ Thạc sĩ tại Đại học John Carroll.
Các bạn sinh viên hai trường đã tìm hiểu về:
- Những khó khăn sau ly hôn của cha mẹ và con cái;
- Vai trò và kỳ vọng giới tính trong gia đình;
- So sánh quan hệ giữa các thế hệ;
- Các phong cách và phương pháp nuôi dạy con cái trong giáo dục giới tính;
- Các mô hình giao tiếp và giải quyết xung đột trong gia đình;
- Các ứng dụng nhắn tin giữa các nền văn hóa.
Nhóm Quỳnh Phương chọn khai thác chủ đề: Các mô hình giao tiếp và giải quyết xung đột ở các gia đình Việt Nam và Mỹ vì tin rằng giao tiếp có thể giúp con người vượt qua những khác biệt và rào cản ở các quốc gia. “Cha mẹ và con cái không hiểu nhau luôn là vấn đề mà nhiều gia đình gặp phải. Chắc chắn sẽ có sự khác biệt trong văn hóa gia đình ở hai nước, nhưng điểm chung là cha mẹ đều yêu thương và muốn bảo vệ con cái. Vì thế, giao tiếp chính là chìa khóa quan trọng để từng thành viên có thể chia sẻ, thấu hiểu và thông cảm,” Quỳnh Phương chia sẻ.
Văn Tâm, sinh viên Khóa 2025, cùng nhóm đã thuyết trình về các phong cách và phương pháp nuôi dạy con cái trong giáo dục giới tính của gia đình Việt Nam và Mỹ. “Giáo dục giới tính là một vấn đề quan trọng nhưng chưa được nhiều phụ huynh quan tâm đúng mức. Qua bài thuyết trình tại hội nghị, chúng mình mong muốn chủ đề này sẽ được chú trọng hơn trong nghiên cứu và thực hành ở các nền văn hóa,” Văn Tâm tâm đắc về tầm quan trọng của giáo dục giới tính.
Multicultural Psychology đánh dấu sự hợp tác giữa Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học John Carroll. Trong tương lai, hai trường sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động trao đổi sinh viên nhằm tăng cường môi trường học đa văn hóa.
Thanh Mai