Gương mặt Fulbright

Dạy máy tính trồng cây, sinh viên nhận được đầu tư từ startup triệu đô

image

Dạy máy tính trồng cây là dự án của Nguyễn Phùng Nhật Khôi – sinh viên năm cuối Đại học Fulbright Việt Nam – được công ty Koidra rót vốn đầu tư để nghiên cứu và thực hiện.

Nguyễn Phùng Nhật Khôi được Koidra – startup về công nghệ nông nghiệp, thành công gọi vốn 4,5 triệu USD năm 2022 – đầu tư để phát triển đề án tốt nghiệp về công nghệ dạy máy tính trồng cây. Thông qua việc nhờ AI phân tích chỉ số canh tác cây trồng, máy có thể tự tính toán giờ giấc và liều lượng chất dinh dưỡng, giúp quá trình canh tác trở nên hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và các mô hình kinh doanh cây cảnh, vườn đô thị. Khi được phát triển thành công, phần mềm hứa hẹn nhận bằng sáng chế giá trị.

Với kinh nghiệm thực tập tại Singapore và phát triển nhiều dự án nghiên cứu độc lập chất lượng, Nhật Khôi được các công ty công nghệ săn đón từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chọn lựa khai phóng bản thân ở bậc đại học

Nhìn lại chặng đường đã qua, Khôi khiến nhiều người thán phục về sự thông minh và hơn hết là sự theo đuổi bền bỉ với “những bài toán khó”. Những năm tháng còn học phổ thông, Khôi là gương mặt quen thuộc trong cuộc thi học sinh giỏi các cấp, tích lũy dày thành tích, bằng khen, huy chương trong lĩnh vực Toán, Tin học trong và ngoài nước.

Nguyễn Phùng Nhật Khôi hiện là sinh viên năm cuối Đại học Fulbright Việt Nam.

Tưởng chừng lựa chọn hiển nhiên ở bậc đại học là phát triển chuyên sâu thế mạnh, Khôi lại cho bản thân khám phá vùng kiến thức mới mẻ, mang tính liên ngành tại Fulbright – một trong những trường đại học theo mô hình giáo dục khai phóng đầu tiên tại Việt Nam.

Vẫn giữ định hướng chuyên ngành Khoa học Máy tính và ngành phụ Toán học, Khôi tích hợp thêm kiến thức liên ngành với loạt môn tự chọn như Nhân văn Số học và Ngôn ngữ, Văn hóa và Tư duy. Những kiến thức khoa học xã hội giúp Khôi có góc nhìn thấu đáo hơn khi phát triển công nghệ.

“Mình rất thích khi được khám phá triết lý của khoa học xã hội và áp dụng vào công việc lập trình phần mềm. Với mình, công nghệ không thể tách rời khỏi đời sống thực tiễn”, Khôi chia sẻ.

Nguyễn Phùng Nhật Khôi trong lớp học robot tại Đại học Fulbright Việt Nam.

Từ năm nhất, Khôi thành lập đội thi để “càn quét” các cuộc thi lập trình lớn nhỏ. Phải kể đến huy chương mà nhóm bạn “thu hoạch” từ ICPC – cuộc thi lập trình quốc tế lâu đời và danh giá nhất dành cho sinh viên đại học và cao đẳng trên toàn cầu, được ví von như World Cup của giới lập trình.

“Mình cảm thấy bị cuốn hút bởi quá trình tính toán lập trình giàu tính lý thuyết, có thể làm toán và lập luận để tìm ra đáp án đúng sai. Quá trình cũng rất ‘quyền lực’ bởi nhờ đó, ta mới có những công nghệ hiện đại như ngày nay”, Khôi bộc bạch.

Với niềm đam mê khoa học, Khôi nắm bắt mọi cơ hội để phát triển qua các dự án nghiên cứu cũng như tham gia thực tập ở công ty khởi nghiệp.

Tận dụng những kết nối giá trị để chinh phục tương lai

Mùa hè năm 2019 cũng là lúc Khôi “ở trong cao trào guồng quay, muốn thử sức với mọi thứ”, vừa làm kỹ sư phần mềm tại công ty khởi nghiệp công nghệ, vừa tham gia dự án nghiên cứu tối ưu hóa các thuật toán. Dự án này đến từ kết nối của Khôi với thầy Raghuram Ramanujan – từng là giảng viên thỉnh giảng tại Fulbright, người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Từ đó, Khôi đầu tư thời gian tự học hàng tuần, phát triển nghiên cứu đề án dạy máy tính chơi game. Đây cũng là đề án giúp bạn giành được suất học bổng của TPBank dành cho nghiên cứu khoa học tiềm năng.

Với sự cố vấn trực tiếp của GS.TS Nguyễn Nhựt Tiến – Trưởng khoa Khoa học Máy tính tại Fulbright – cùng sự động viên, hướng dẫn của giảng viên trong trường, Khôi ngày càng khẳng định bản thân tại những hội nghị khoa học quốc tế.

Nhật Khôi (thứ hai từ trái qua) tại sự kiện kết nối sinh viên với startup, được tổ chức bởi Đại học Fulbright Việt Nam.

Năm 2022, Khôi tham gia hội nghị về “Nền tảng kỹ thuật phần mềm của châu Âu ESEC/FSE” ở Singapore. Năm nay, Nhật Khôi đại diện nhóm nghiên cứu liên quốc gia trình bày dự án tại hội nghị “Chuyên đề kỹ thuật về giáo dục khoa học máy tính tại Canada” – một trong những sự kiện về nghiên cứu, giáo dục ngành khoa học máy tính và tin học uy tín nhất thế giới.

Dự án Khôi mang đến Canada là đề tài nghiên cứu phát triển phần mềm nhận diện giọng nói cho những ngôn ngữ ít dữ liệu như tiếng Việt và tiếng Amharic (ngôn ngữ của Ethiopia). Công trình bắt nguồn từ phòng nghiên cứu xuyên biên giới (global lab) do TS Nanette Veilleux – học giả thỉnh giảng Fulbright dẫn dắt. Phần mềm của nhóm nghiên cứu đạt đến 95% độ chính xác của AI khi suy đoán và biểu diễn lời nói tiếng Việt dưới dạng chữ viết.

Nhật Khôi (ở giữa) cùng các thành viên trong nhóm đạt huy chương đồng trong cuộc thi lập trình quốc tế ICPC.

Cơ hội trình bày ở hội nghị quốc tế, sự săn đón của các công ty công nghệ phần nào chứng tỏ cho con đường phát triển sự nghiệp theo hướng liên ngành mà Khôi chọn là đúng đắn. Và hành trình chinh phục này của Khôi mới chỉ bắt đầu.

Nguồn: Zing News

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer