Gương mặt Fulbright

Hai sinh viên Fulbright giành Học bổng Panasonic bằng lòng trắc ẩn và năng lực kiến tạo

image

Hai màu sắc cá tính khác biệt, hai định hướng phát triển bản thân rất khác nhau, nhưng cả Lê Kiều Oanh và Lê Quốc Chí, hai sinh viên Fulbright vừa giành Học bổng Panasonic, đều có một trái tim luôn hướng đến cộng đồng, mong muốn được cống hiến cho xã hội bằng năng lực của bản thân.

Ngày 27 tháng 9 vừa rồi, Lê Kiều Oanh và Lê Quốc Chí, hai sinh viên khóa Đồng kiến tạo của Đại học Fulbright Việt Nam đã xuất sắc giành được Học bổng Panasonic Bậc đại học năm 2022.

Vượt qua 350 hồ sơ của các ứng cử viên sáng giá đến từ 65 trường đại học trên khắp cả nước, Kiều Oanh và Quốc Chí là hai trong số 20 sinh viên nhận được gói học bổng trị giá 30,000,000 VNĐ. Bên cạnh đó, hai bạn còn có cơ hội được tham gia vào các buổi đào tạo do Panasonic tổ chức để phát triển nhiều kỹ năng chuyên nghiệp như truyền thông, giải quyết vấn đề, và quản lý thời gian.

Lê Kiều Oanh: “Em rất thích được nhìn thấy nụ cười của các em nhỏ”

Lê Kiều Oanh là cô gái sinh viên đầy nhiệt huyết và năng lượng. Còn trẻ tuổi nhưng em đã đảm đương các vị trí quan trọng của nhiều tổ chức. Oanh phụ trách phát triển kinh doanh cho EM-IN. Oanh nghiên cứu thị trường và quản lý bán hàng cho Nook Renovation. Oanh cùng McKinsey & Company đề xuất phương án quy hoạch lĩnh vực công. Oanh hỗ trợ bộ phận phát triển chiến lược và quản lý dự án của Koidra Inc. Oanh hỗ trợ thành lập nhiều câu lạc bộ và năng nổ tham gia các hoạt động Fulbright.

Trong số những công việc mình từng đảm nhiệm, cô sinh viên 22 tuổi Kiều Oanh gắn bó lâu nhất với EM-IN, một doanh nghiệp xã hội chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trò chơi Giáo dục Cảm Xúc. EM-IN ra đời từ những ngày đầu tiên của năm học Đồng kiến tạo 2018-2019 mà Oanh tham gia. Trong lớp “Đạo đức: Triết lý đạo đức Đông Á ở Việt Nam, khu vực và quốc tế,” do Tiến sĩ Nguyễn Nam – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Việt Nam giảng dạy, các sinh viên được yêu cầu triển khai một dự án hoạt động vì cộng đồng. Oanh, khi đó là thành viên Câu lạc bộ Tâm lý học của Trường, đã cùng các bạn của mình đi tới một mái ấm tình thương trên Đà Lạt để giới thiệu về trí tuệ cảm xúc cho 30 trẻ mồ côi.

“Chuyến đi đã để lại cho chúng em nhiều cảm xúc, có thương nhớ, có hạnh phúc và trên hết là tiếc nuối vì chẳng thể ở lại lâu hơn để giúp các em nhỏ hiểu thêm về trí tuệ cảm xúc,” Oanh chia sẻ. “Từ đó, nhóm sinh viên chúng em mới nảy ra ý tưởng phát triển một bộ trò chơi để các em nhỏ có thể tự học, tự chơi, tự rèn luyện kĩ năng trí tuệ cảm xúc của mình.”

Đây có lẽ cũng là cơ duyên thúc đẩy EM-IN phát triển từ bài tập môn học trở thành một doanh nghiệp xã hội. Oanh cùng các bạn của mình đã không ngừng nỗ lực để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm nhiều lần để cho ra mắt hai bộ trò chơi mang tên “Universal Children Day” (tạm dịch: Ngày Thiếu nhi Thế giới) và gần đây nhất là “Biết Mình Biết Ta”.

Với các thẻ bài cảm xúc, thẻ bài tình huống, cùng các câu hỏi, “Biết Mình Biết Ta” giúp cho việc học về cảm xúc như một phiêu lưu kì thú và kịch tính. Dù mục tiêu ban đầu chỉ là thúc đẩy trí tuệ cảm xúc ở các trẻ nhỏ từ 8-15 tuổi, bộ trò chơi thực tế đã giúp tất cả các thành viên trong gia đình trở nên gần gũi và thấu hiểu nhau hơn. Bởi vậy, EM-IN nhận được sự ủng hộ lớn từ các bậc phụ huynh, hỗ trợ dự án rất nhiều trong truyền thông và quảng bá đến tập khách hàng tiềm năng.

Trước đó vào tháng 9 năm 2021, EM-IN và Oanh đã nhận được Học bổng Những người Kiến tạo Thay đổi Cộng đồng của Fulbright với sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ hào phóng, trong số đó là Temasek để phân phối bộ trò chơi đầu tiên ra thị trường. Với mô hình hoạt động bền vững của một doanh nghiệp xã hội, EM-IN luôn dành phần lớn lợi nhuận của mình để đóng góp cho các mái ấm tình thương, trại trẻ mồ côi trên khắp Việt Nam.

Song song với việc phụ trách Phát triển Kinh doanh và Vận hành tại EM-IN, Oanh không ngừng dấn thân với nhiều vai trò trong các công ty khởi nghiệp và dự án vì cộng đồng. Đặc biệt, trong một năm hoãn lại việc học tập tại Fulbright, Oanh đã trở thành nhân viên cốt cán tại Nook Renovation, một doanh nghiệp trẻ ứng dụng các nền tảng công nghệ vào công việc cải tạo nhà cửa ở Việt Nam. Từ một nhân viên thực tập sinh phụ trách nghiên cứu thị trường trong những ngày ý tưởng kinh doanh còn chưa thành hình, Oanh không ngừng nỗ lực trong công việc để trở thành Quản lý Sản phẩm và sau này là Quản lý Bán hàng tại đây.

Oanh cũng từng có thời gian làm việc cùng McKinsey & Company, thông qua Manpower Group, để nghiên cứu và hoàn thiện một báo cáo đề xuất phương án quy hoạch tỉnh. Song song với việc học tại Fulbright, Oanh hiện đang là Quản lý dự án bán thời gian tại Koidra, một công ty khởi nghiệp có văn phòng đại diện tại Seattle (Hoa Kỳ) chuyên phát triển các ứng dụng công nghệ để tự động hóa hoạt động sản xuất tại các trang trại công nghệ cao và nhà máy công nghiệp.

Còn trẻ tuổi nhưng Oanh không ngại thử sức với nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể có cái nhìn bao quát nhất về bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp tại Việt Nam. “Em phụ trách nhiều công việc cũng chỉ vì muốn có thể liên tục trau dồi bản thân mình, để đóng góp được nhiều hơn cho các dự án ý nghĩa như EM-IN. Có lẽ vì là một sinh viên Fulbright, nên em luôn muốn bất kì những gì mình làm phải giúp ích được cho đời, và làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn,” Oanh bộc bạch.

Em mong rằng trong 5-7 năm tới, em sẽ có thể tích lũy nhiều kinh nghiệm làm việc và các mối quan hệ xã hội, cũng như phát triển khả năng tài chính để một ngày nào đó, em lại có thể góp sức tạo ra một EM-IN quy mô lớn hơn, giúp đỡ được cho nhiều em nhỏ hơn. Em thực sự rất thích được nhìn thấy nụ cười của các em nhỏ mà EM-IN đã có cơ duyên được gặp gỡ và hỗ trợ.”

Lê Quốc Chí: “Các chỉ số kinh tế chẳng có nghĩa lí gì nếu thiếu sự diễn giải bắt rễ sâu sắc vào thực tế cuộc sống của người dân Việt Nam”

Quốc Chí là sinh viên có một phong thái tự tin và đĩnh đạc hơn hẳn số tuổi thực của mình. Chí bền bỉ. Chí không ngừng rèn luyện sức bật của bản thân. Chí tự so sánh mình với một vận động viên marathon thực thụ. Và với Chí, chẳng có thử thách nào là quá gian lao.

Là một trong 54 sinh viên nhận được Học bổng Đồng kiến tạo, khi cùng các bạn của mình thiết kế chương trình học, Quốc Chí đã xây dựng mối quan hệ thân thiết với không chỉ thầy cô mà còn các thành viên của Hội đồng Trường, trong số đó là “cô Thủy” – Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright. Gần đây, Chí ấn tượng mạnh mẽ với câu nói của bà trong một bài phỏng vấn với Elle.vn: “Tôi muốn các bạn trong 4 năm học ở đại học Fulbright có thể thay đổi lựa chọn ngành nghề của mình từ 2 đến 3 lần, bởi vì điều đó chứng tỏ các bạn đã thử rất nhiều thứ và cân nhắc rất kỹ”.  Có lẽ đây chính là lời khích lệ cần thiết để cậu sinh viên trẻ dũng cảm thay đổi chuyên ngành của mình từ Khoa học Máy tính sang Kinh tế học.

Chí tự chủ động thiết kế một chương trình học cho chính mình. Song song với các môn học của chuyên ngành chính, Chí còn đăng kí học chéo các môn thuộc chuyên ngành Toán học Ứng dụng và Khoa học Xã hội để phát triển tư duy liên ngành. Từ đó, bạn rèn luyện được khả năng phân tích dữ liệu định lượng (quantitative data) và định tính (qualitative data), trau dồi khả năng diễn giải và liên kết dữ liệu.

Đặc biệt, lớp học “Sustainable Development: Science and Industry” (Tạm dịch: Phát triển bền vững: Khoa học và Công nghiệp) của cô Nguyễn Thị Trang, Giảng viên Khoa học Tích hợp đã truyền cảm hứng và thúc đẩy Chí tìm kiếm sự tương quan giữa những kiến thức kinh tế học vĩ mô với thực tế tình hình xã hội và kinh tế Việt Nam.

Kinh tế học giúp em đọc được những chỉ số phức tạp như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, giá năng lượng, hay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng chúng chẳng có nghĩa lí gì nếu thiếu sự diễn giải bắt rễ sâu sắc vào thực tế cuộc sống của người dân Việt Nam,” Chí khẳng định.

Trong nhiều chủ đề của Kinh tế học, Quốc Chí tập trung nghiên cứu về mười bảy mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng vào việc ứng dụng những năng lượng tái tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế. “Khi những chỉ số về kinh tế quá phức tạp để giải thích cho gia đình, em thường chia sẻ về lĩnh vực mình đam mê bằng bài toán về hóa đơn tiền điện,” cậu sinh viên trẻ bộc bạch.

“Có hai cách để hóa đơn tiền điện hàng tháng không còn là gánh nặng của đại đa số gia đình tại Việt Nam. Một, người dân phải sử dụng điện một cách hiệu quả hơn để giảm chi phí điện, ví dụ như tắt các thiết bị khi không sử dụng. Hai, lắp đặt các thiết bị ứng dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm điện.

Chí không ngừng tìm kiếm các cơ hội để trau dồi kiến thức của mình, điển hình như công việc trợ giảng cho Tiến sĩ Graeme Walker, Giảng viên Kinh tế học tại Fulbright. Trong học kì mùa thu 2021-2022 vừa rồi, Chí đã trở thành cầu nối gần gũi giữa thầy Walker và các sinh viên khóa dưới trong các hoạt động nhóm trên lớp trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo chất lượng giảng dạy khi đại dịch COVID-19 ập tới.

Không chỉ đảm bảo công việc học tập luôn đạt hiệu quả cao, Quốc Chí còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tennis tại Đại học Fulbright. Từ những ngày đầu tiên chỉ vỏn vẹn có vài thành viên, Chí đã chủ động kết nối và thành công tạo nên một cộng đồng những bạn trẻ đam mê hoặc có hứng thú với tennis. Chí liên hệ mời huấn luyện viên hướng dẫn, và tổ chức các buổi tập hàng tuần. Câu lạc bộ Tennis góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy lối sống cân bằng giữa học tập và thể thao, giữa sức khỏe thể chất và tinh thần trong cộng đồng Fulbright.

Quốc Chí là một những số ít những sinh viên được tuyển chọn kĩ lưỡng cho Chương trình Thực tập Khởi nghiệp (Venture Fellows Program – VFP) được tổ chức bởi Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo (CEI) tại Fulbright. Trải qua hai mùa hè đồng hành cùng chương trình, Chí có cơ hội thực tập và thử sức ở CoderSchool với vị trí Chuyên viên Nghiên cứu thị trường & Tư vấn và tại Tập đoàn VNG với vai trò Quản lý dự án. Dù rất khác nhau về quy mô cũng như tác phong làm việc, CoderSchool và VNG cùng chia sẻ triết lý khởi nghiệp trong phong cách vận hành.

“Hai mùa hè thực tập tại hai công ty khởi nghiệp công nghệ đã giúp em hiểu được vai trò của các doanh nghiệp này trong nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh việc là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, hai công ty này còn là nhân tố mũi nhọn tạo nên những sự thay đổi tích cực trong xã hội nhờ phương pháp đổi mới sáng tạo trong các sản phẩm công nghệ của mình.”

Khi được hỏi về những khó khăn mà Chí từng trải qua, cậu sinh viên trẻ ngập ngừng và khiêm tốn chia sẻ: “Với em, chẳng có thử thách nào là quá lớn mà chẳng thể vượt qua được”. Chí giải thích: “Em chấp nhận rằng mình đang sống trong một thế giới của những biến động, bấp bênh, phức tạp và mơ hồ. Và vì vậy, khó khăn là điều chẳng thể tránh khỏi. Nhưng em luôn cố gắng từng chút một mỗi ngày để hôm nay tốt hơn hôm qua. Như một vận động viên marathon, em đặt sức bền là yếu tố quan trọng hàng đầu.”

Phương Mai

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer