Gương mặt Fulbright

Hành trình chinh phục nghệ thuật và thi ca của Nguyễn Thành Minh Tâm, sinh viên Fulbright khóa 2023

image

Vào một đêm hè oi ả tháng Năm, đêm khai mạc triển lãm “Phổ Hiếu Kỳ” của Nguyễn Art Foundation rộn ràng khách khứa, những cái ôm thân tình cạnh những bó hoa tươi tắn, tiếng cười nói râm ran bên những ly rượu mừng. Giữa bầu không khí rôm rả ấy là cậu sinh viên Nguyễn Thành Minh Tâm, người đóng vai trò trợ lý giám tuyển cho triển lãm quy tụ 48 bộ/tác phẩm nghệ thuật từ 26 nghệ sĩ, được dàn trải ra hai khuôn viên của trường EMASI Nam Long và Vạn Phúc.    

Có chăng, khách tham dự triển lãm dẫu đã quá quen hay mới tìm hiểu về nghệ thuật trong nước đều có thể đoán Tâm – với dáng điệu phấn chấn phảng phất chút hồi hộp, quần tây chỉn chu với áo khoác tuyền đen – là một gương mặt mới trong giới nghệ thuật đương đại. Bởi tuy “Phổ Hiếu Kỳ” là triển lãm lớn đầu tiên mà Tâm có cơ hội tham gia đội ngũ giám tuyển, chàng trai 22 tuổi vẫn hiện là sinh viên năm ba chuyên ngành Nghiên cứu Truyền thông và Nghệ thuật tại Đại học Fulbright Việt Nam.      

Con đường đến với nghệ thuật 

Vài năm trước, Tâm tìm đến Fulbright với giấc mơ chinh phục cung đường tri thức mang tên “giáo dục khai phóng” – một mô hình giáo dục đại học tuy phổ biến ở các quốc gia phát triển trên thế giới, nhưng còn mới và ít nhiều xa vời với những học sinh vốn xuất thân từ một gia đình tỉnh nghèo như Tâm. Để rồi nơi đây đã nung nấu trong cậu ước mơ chinh phục chân trời bao la của nghệ thuật, và hình thành trong Tâm khát khao trở thành một phần đóng góp cho câu chuyện chưa kể của các thế hệ nhà văn, nghệ sĩ và học giả nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam.  

“Khi mới đặt chân đến Sài Gòn, em đã tìm đến mọi bảo tàng, ghé thăm những triển lãm trưng bày trong thành phố nhằm thỏa mãn sự tò mò,” Tâm chia sẻ. “Thực sự trước đây em cũng là một người thuộc về số đông, ít nhiều lạ lẫm với các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Nhưng chính vì vậy nên em càng muốn biết, càng muốn học. Ngoài các khóa học trên trường, em luôn tích cực tìm kiếm các dự án nghệ thuật cần tuyển tình nguyện viên, để hiểu sâu hơn về thế giới còn nhiều bí ẩn này.”  

Không gian triển lãm “Phổ Hiếu Kỳ”. ẢNH: Nguyễn Art Foundation

Nỗ lực và lòng nhiệt huyết của Tâm đã thu hút sự chú ý Tiến sĩ Pamela Corey, Giảng viên Nghệ thuật của Đại học Fulbright. Nhờ thư giới thiệu của cô, vào năm 2021, Tâm đã có cơ hội tham gia đội ngũ nghiên cứu và giám tuyển cho một dự án sách về Nhà Sàn Collective. Cuốn sách sẽ ghi lại quá trình hoạt động của Nhà Sàn Studio – không gian nghệ thuật ra đời năm 1998 tại Hà Nội và là tiền thân của Nhà Sàn Collective, với những đóng góp tiên phong cho nền nghệ thuật đương đại trong nước khi nhắc đến nghệ thuật trình diễn và thực hành thể nghiệm, và cũng là cái nôi nuôi dưỡng các thế hệ nghệ sĩ avant-garde tại Việt Nam.     

“Fulbright đã đem lại cho em nhiều cung bậc thăng hoa về tri thức, và hầu hết tất cả mọi thứ mà Fulbright cho em đều đến từ các giảng viên của trường,” Tâm nói. “Vốn kiến thức mà em có được trong lớp đều trở thành những kỹ năng thiết thực và công cụ hiệu quả khi làm việc trong dự án. Chính những tiết học lý thú về văn chương và điện ảnh của thầy Aaron Anderson [cựu giảng viên Fulbright], và sự tận tụy, đam mê của cô Pamela Corey với nghệ thuật đương đại đã khơi dậy trong em ham muốn trở thành một nhà lao động nghệ thuật thực thụ.”        

Poster chương trình “Terms and Conditions of Writing and Publishing Art in Southeast Asia”, nơi Tâm gặp gỡ hai nhà giám tuyển của triển lãm “Phổ Hiếu Kỳ”

Cuối năm 2021, Tâm ứng tuyển và sau đó được chọn để tham gia “Terms and Conditions of Writing and Publishing Art in Southeast Asia”, một chương trình workshop trực tuyến do Viện nghiên cứu Afterall tại trường Central Saint Martins thuộc Đại học University of the Arts London tổ chức. Chương trình quy tụ các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và cây viết trẻ đến từ Đông Nam Á với mong muốn phát triển các hình thức thử nghiệm và phương pháp thực hành mới trong phê bình, nghiên cứu nghệ thuật.   

Tại đây, Tâm đã có dịp kết nối với nhà nghiên cứu và giám tuyển nghệ thuật độc lập Ace Lê, cùng dịch giả/giám tuyển độc lập Dương Mạnh Hùng. Và sau này, khi “Phổ Hiếu Kỳ” còn đang trong giai đoạn rục rịch chuẩn bị, họ đã nghĩ đến Tâm như một nhân tố phù hợp để tham gia đội ngũ giám tuyển triển lãm. “Đây thực sự là một điều vô giá với một đứa sinh viên còn đang chân ướt chân ráo bước chân vào nghệ thuật như em,” Tâm cho hay. “Em cảm thấy vinh dự khi được các anh, các chị vốn đã làm việc lâu năm trong lĩnh vực nghệ thuật xem mình là bạn, là đồng nghiệp của họ.”    

Nghệ thuật là chìa khóa gắn kết quá khứ và tương lai 

Tham gia “Phổ Hiếu Kỳ”, Tâm dành phần lớn thời gian gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ sĩ nhằm soạn thảo nội dung cho cuốn catalogue của triển lãm. Đó là những ghi chép song ngữ tỉ mẩn về bối cảnh, đề tài, thủ pháp thực hành và miêu tả sơ lược các tác phẩm. Dẫu xem viết lách là thế mạnh của bản thân, nhưng cũng nhờ sự dẫn dắt và chỉ bảo của Bill Nguyễn, Giám đốc Nguyễn Art Foundation, mà Tâm có thêm cơ hội trau dồi những kỹ năng đặc thù khi viết về nghệ thuật.    

“Việc lạm dụng những biệt ngữ khó hiểu, thói quen sa đà vào những câu chữ đao to búa lớn sẽ tạo nên bức tường vô hình ngăn cách công chúng và tác phẩm,” Tâm nói. “Ở anh Bill Nguyễn, em học được cách viết về nghệ thuật sao cho thật gần gũi đến người đọc, nhưng đồng thời cũng lột tả trung thành ý đồ sáng tác của nghệ sĩ. Đó cũng là bài học mà cô Pamela Corey thường hay nhắn nhủ đến bọn em, khi cả lớp được giao bài tập viết tiểu luận, đề xuất ý tưởng triển lãm, hoặc viết bài bình luận về tác phẩm.”

Nguyễn Thành Minh Tâm, thứ hai từ phải qua, cùng các bạn sinh viên và giảng viên Fulbright tại triển lãm “Phổ Hiếu Kỳ”

Nhờ những trải nghiệm quý báu từ dự án sách của Nhà Sàn Collective và triển lãm “Phổ Hiếu Kỳ”, Tâm dần hình thành đam mê nghiên cứu về lịch sử và thực trạng lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. 

“Sau khi trò chuyện với các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, những người đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của nghệ thuật nước nhà, em đã nhận thức rõ ràng hơn về sự tản mát, mong manh của ký ức,” Tâm cho hay. “Bởi các nghệ sĩ cũng chính là chứng nhân lịch sử, là tiếng nói phê bình và phản ánh xã hội. Nếu một mai họ không còn, những ký ức của họ cũng sẽ phai mòn và biến mất nếu chúng ta không có hệ thống lưu trữ, bảo tồn nghệ thuật một cách bài bản và chuyên nghiệp. Chính vì vậy, thông qua những nỗ lực nghiên cứu và thực hành viết về nghệ thuật, em muốn mình trở thành cầu nối giúp lưu giữ, nâng niu, và trân trọng những ký ức vô giá ấy.”        

Thi ca là nghệ thuật

Tâm cũng xem những buổi trò chuyện kể trên là cái thú vui của người làm nghệ thuật, để biết thêm về phương pháp thực hành lẫn cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ, và tại sao nó lại có ý nghĩa với họ. Tâm cũng lấy những chia sẻ, câu chuyện của họ làm hệ quy chiếu của bản thân, để chiêm nghiệm và hiểu hơn vì sao nghệ thuật lại có ý nghĩa nhiều đến vậy đến mình.    

“Không quan trọng dù bạn là nghệ sĩ, nhà văn hay nhà nghiên cứu, một khi bạn tìm thấy đam mê đích thực, nó sẽ là thứ luôn hiện hữu trong từng nhịp thở, là điều luôn âm ỉ trong từng nhịp đập của cơ thể, và có thể khiến ta muốn sống chết vì nó,” Tâm nói. “Dần dà, nó sẽ trở thành thứ định hình nên con người bạn và cái cách mà bạn nhìn cuộc sống.”       

Tại chí văn học Dryland tại Los Angeles, Mỹ, đã đề cử sáng tác thơ của Tâm cho giải thưởng Pushcart 2021.

Hai năm trước, Tâm đã tìm ra lẽ sống trong thi ca. Không chỉ vậy, tài năng của Tâm đã phần nào được công nhận với những sáng tác bằng tiếng Anh được đăng trên các tạp chí và ấn phẩm văn học nước ngoài như Heavy Feather ReviewSoftblowdiaCRITICSMAYDAYOverheard, and Dryland. Trong một buổi đọc thơ gần đây tại Đại học Fulbright Việt Nam, nhà văn Khải Đơn đã ví những bài thơ của Tâm như “một đứa trẻ bảo bọc trong bụng mẹ, thì thầm về nỗi buồn của người cha, về hơi thở của vùng quê nhỏ còn đằng đẵng ký ức súng đạn và bom mìn nửa thế kỷ sau”.    

Thơ của Tâm luôn chất chứa dòng suy tư hoài cảm về gia đình, về nỗi u uẩn đau thương gắn liền với những cuộc xung đột chính trị, về bản ngã còn dang dở những hồi ức về tuổi thơ, hiện tại và một mối tình hè thuở nào. “Đầu năm 2019, em bắt đầu viết và đọc khá nhiều. Sức mạnh của ngôn từ là điều mà em xem là một thứ rất quý của thi ca. Bởi thơ có khả năng vượt qua hết mọi rào cản để chạm đến được tâm can của người đọc một cách chân thực, sâu sắc và lắng đọng nhất.”    

Nguyễn Thành Minh Tâm trong một buổi đọc thơ tại Đại học Fulbright Việt Nam

Tâm thừa nhận mình chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ nhà văn người Mỹ Maggie Nelson và nhà thơ người Mỹ gốc Iran Kaveh Akbar. Cách Maggie dệt nên tác phẩm bằng việc giao thoa nhiều thể loại viết như thơ, hồi ký, thư từ hay tiểu luận là điều mà Tâm mong muốn diễn đạt trong các sáng tác của mình. Còn với Kaveh, sau khi dành ra hàng giờ tìm đọc toàn bộ mọi tác phẩm và tư liệu về ông, Tâm đã học cách xâu chuỗi những ý tứ bất chợt thành một dòng chảy xuyên suốt trong các sáng tác thơ.   

“Em luôn mường tượng viết lách và viết thơ cũng giống như sáng tác nghệ thuật,” Tâm chia sẻ. “Mỗi khi em viết, và đây cũng là thói quen em học từ Kaveh Akbar, em sẽ lôi ra một chồng sách bất kỳ và dành ra tầm một tiếng đồng hồ để lật qua hết tất cả những trang sách ấy, bóc tách những phân đoạn mà em nghĩ là thú vị. Trôi theo dòng tiềm thức, em dần đặt bút viết, ban đầu đơn giản là đặt những con chữ lại với nhau, có lúc lại thử nghiệm với những chiều kích khác vụt hiện đến. Bài thơ cứ thế như tự viết nên chính nó, đôi lúc nhìn lại, bản thân em cũng không khỏi ngạc nhiên trước những gì đã được viết trên trang giấy.”    

Quyên Hoàng

Kết nối với chúng tôi

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'

logo_footer