Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một cơ hội để chúng ta cùng tri ân và ôn lại những kỷ niệm đẹp bên thầy cô của mình. Không chỉ là người truyền đạt tri thức, các thầy cô còn là người chắp cánh cho ước mơ, hoài bão trong mỗi chúng ta. Nhân dịp 20/11 đang cận kề, hãy cùng nghe sinh viên Fulbright chia sẻ về những kỷ niệm khó quên với thầy cô nhé!
Ngọc Hà – Khóa 2025
Một trong những giảng viên mà mình ấn tượng là Tiến sĩ Trần Vĩnh Linh của ngành Toán Ứng dụng. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức một cách rất dễ hiểu mà còn rất quan tâm đến học sinh. Thầy luôn gần gũi và sẵn sàng lắng nghe, giải đáp mọi thắc mắc của mình. Điều này tạo cho mình một cảm giác thoải mái và tự tin khi học tập.
Sau mỗi lần tham dự các cuộc thi hay chương trình lớn nhỏ cùng thầy, mình lại có thêm những kỷ niệm thật đẹp. Trong những chuyến đi ấy, dù là ở bất kì nơi đâu, thầy cũng có thể giới thiệu cho chúng mình những quán ăn ngon tuyệt. Những buổi đi ăn cùng thầy không chỉ đơn thuần là để thưởng thức món ngon hay trải nghiệm văn hóa, mà còn là dịp để chúng mình gần gũi, trò chuyện với thầy. Những câu chuyện thú vị về cuộc sống, về trải nghiệm, về hành trình học vấn của thầy đã tiếp động lực cho mình rất nhiều trong chặng đường học tập tại trường Fulbright.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, em chúc thầy luôn vui vẻ, tràn đầy năng lượng và có một chiếc “bụng” khỏe để khám phá mọi ngóc ngách ẩm thực, cả trong và ngoài nước.
Thảo Vy – Khóa 2026
Bạn đã từng bao giờ cảm thấy tràn đầy sức sống và muốn thực hiện ngay ý tưởng sau khi gặp thầy cô chưa?
Đó là cảm xúc của mình sau mỗi lần có cơ hội trò chuyện với thầy cô ở Fulbright ngoài giờ học. Trong môn Sản xuất Âm nhạc (Music Production), mình đã có đi gặp với thầy để phát triển bản nhạc mình đang thực hiện. Mình có hỏi thầy: “Liệu có công thức hay nguyên tắc nào để phát triển phần nhạc cụ trống cho bản nhạc không?” Thầy đã nói một điều mà mình rất tâm đắc đến tận bây giờ: “Đối với thầy, tay trống trong ban nhạc là người tận hưởng, họ nghe âm thanh từ những nhạc cụ khác, và tạo ra nhịp điệu ứng với cảm quan của họ”. Quan điểm này đã giúp mình thay đổi góc nhìn và tư duy sáng tạo thoải mái hơn khi làm nhạc.
Ở những lớp học làm phim, nghệ thuật đa phương tiện, hay nghiên cứu, mình cũng nhận ra những điều tương tự. Khi học ở Fulbright, những sinh viên như mình luôn được thầy cô khuyến khích phát triển sự “độc đáo” bằng cách tự soi chiếu bản thân cùng những kiến thức học được và tư duy phản biện. Bên cạnh việc truyền tải kiến thức, thầy cô còn là người nâng đỡ và giúp sinh viên thực hiện hóa những ý tưởng của mình. Nhờ như vậy, cá nhân mình tự tin phát triển độc lập, học được cách trân trọng sự đa dạng trong cộng đồng và mong muốn được truyền cảm hứng đến thế hệ sau.
Nhân ngày 20/11, em xin phép được chúc tất cả các thầy cô ở Fulbright thật nhiều sức khỏe và niềm vui ạ. Em biết ơn thầy cô vô cùng!
Vĩnh An – Khóa 2027
Để nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất với một giảng viên, mình xin kể về “chị” Lan, giảng viên bộ môn Giới thiệu về Tâm lý học (Introduction to Psychology). Cô Lan luôn nhiệt huyết, tận tình và quan tâm tới sinh viên. Một điều mình đặc biệt ấn tượng là cô Lan thường xuyên chuẩn bị những món ăn nhẹ như bánh, sữa và trà cho chúng mình trước mỗi bài kiểm tra nhỏ. Cô làm vậy một cách rất nhiệt tình và chân thành. Nhờ có những món quà nhỏ của cô, mình cảm thấy thoải mái và tự tin hơn rất nhiều khi làm bài.
Mình không phải là một người giỏi làm bài kiểm tra, nhưng trong môn Introduction to Psychology, cô không chỉ đánh giá mình qua điểm số. Cô luôn quan tâm đến sự tham gia của mình trong các hoạt động nhóm, những ý kiến đóng góp trong lớp học, và cả cách mình tương tác với bạn bè. Thậm chí, sau khi môn học kết thúc, mình còn may mắn được cô mời mình đi ăn. Những điều cô làm đã giúp mình cảm thấy mình được tôn trọng và là một phần của lớp học. Mình không chỉ học được kiến thức, mà còn học được những kỹ năng mềm quan trọng khi quan sát người giảng viên trong lớp học.
Gửi đến “chị” Lan: Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến cô. Hơn cả một người thầy, cô còn là một người “chị” gần gũi, tận tình và truyền cảm hứng cho em trên chặng đường học tập tại ngôi trường Fulbright.
Gia Huy – Khóa 2028
Xen lẫn sự hào hứng khi nhận được thư mời nhập của trường là lúc mình bắt đầu lo lắng về những tháng ngày sắp tới. Mình theo học tại một trường cấp ba ở tỉnh lẻ, nên việc lựa chọn mô hình giáo dục khai phóng, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, là một quyết định khá mạo hiểm.
Tuy có nền tảng tiếng Anh khá chắc, nhưng mình vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi diễn đạt những ý tưởng mới hay chứng minh cho một luận điểm. Trong những giây phút chơi vơi nhất, mình đã lo lắng rằng bản thân sẽ không thể theo được chương trình học tại Trường Fulbright.
Thế rồi, cơ hội tham gia Chương trình Cầu nối (Bridge program) đã đến. Đây là một bước đệm trước khi năm học chính thức bắt đầu, cung cấp cho các tân sinh viên các kỹ năng để làm quen với môi trường học thuật mới. Tại đây, mình đã gặp được cô Amanda Bradford, thầy Patrick Thoendel, cô Maria Frank và cô Lê Thị Minh Hiền, những giảng viên đầy nhiệt huyết và yêu giáo dục của phòng Learning Support (Hỗ trợ Học tập).
Vào những ngày đầu đến lớp, thầy cô đã dạy mình tư duy dám nghĩ, dám làm. Mình vẫn còn nhớ như in câu hỏi: “How can you know what you are good at if you have not tried?” (Tạm dịch: Làm sao mà em biết em giỏi ở lĩnh vực gì khi mà em chưa thử?) Chưa dừng lại ở đó, thầy cô còn truyền đạt cho mình rất nhiều kỹ năng mềm bổ ích để bổ trợ cho việc học sau này. Điều tuyệt vời nhất là đội ngũ hỗ trợ học tập sẽ tiếp tục đồng hành cùng mình ngay cả sau khi khóa học này kết thúc. Nhờ sự giúp đỡ từ thầy cô, mình đã vượt qua hai bài tập lớn của môn Global Humanities (Lịch sử Triết học) một cách tự tin hơn.
Gửi tới cô Amanda, thầy Patrick, cô Maria và cô Hiền, em xin chân thành cảm ơn thầy cô đã truyền lửa và trao em những hành trang cần thiết trên con đường khám phá học thuật!