
Vào học kỳ mùa Thu năm nay, có một lớp học đặc biệt lần đầu tiên được ra mắt cộng đồng sinh viên tại Đại học Fulbright Việt Nam mang tên “Nhìn lại những di sản của chiến tranh Việt Nam qua các góc độ”. Là sự hợp tác giữa Fulbright và Đại học Utah (Hoa Kỳ), lớp Việt Nam học xuyên quốc gia (và xuyên văn hóa) này phân tích những sự kiện của cuộc chiến đã qua từ những lăng kính đa chiều và liên ngành. Sinh viên có cơ hội tìm hiểu về trải nghiệm thời chiến của những cựu chiến binh và cả những người dân thường, từ đó phân tích những di sản dài lâu mà cuộc chiến để lại trên cơ thể, tâm trí con người, văn hóa, cảnh quan, hệ sinh thái và xã hội ở mỗi quốc gia.
“Chiến tranh gây bi thương và kéo theo những thay đổi khủng khiếp, tác động không chỉ cục bộ mà còn gây xáo trộn toàn cảnh địa chính trị thế giới. Chiến tranh gây ra bạo lực và đảo lộn, chấm dứt cuộc sống của những người tham chiến và cả của thường dân. Chiến tranh khiến người người tha hương tị nạn, đẩy người lính vào chốn sinh tử khó lường, gây ra những nỗi ám ảnh day dứt mãi khôn nguôi cho cả người lính và người dân. Chiến tranh gây hao tổn nguồn lực, hậu cần để huy động quân sự và vũ khí. Chiến tranh tạo ra các khối đồng minh nhưng cũng tạo ra sự chia rẽ, thù địch. Chiến tranh gây ra những hậu quả to lớn đối với hệ sinh thái, sức khỏe thể chất và tinh thần, đạo đức và danh tính con người, các mối quan hệ trong gia đình và giữa các thế hệ, cũng như khát vọng tương lai của người trẻ.
Cá nhân hay cộng đồng từng trải nghiệm chiến tranh đều phải mang theo những di sản khôn nguôi, những vết thương mãi không lành dẫu cuộc chiến đã kết thúc, dẫu chiến thắng hay thất bại. Chiến tranh cũng có thể tạo ra sự kiên cường, mà với nỗ lực bền bỉ và đối thoại cùng nhau, các mâu thuẫn có thể có ngày được hòa giải. Nhìn một cách lạc quan, thời kì hậu chiến có thể mang lại những cơ hội quý giá để chúng ta hàn gắn, để phần nào chữa lành những vết thương do sự thù địch chiến tranh gây ra.”
Trên đây là lời giới thiệu của lớp học kéo dài hai học kỳ mang tên “Nhìn lại những di sản của chiến tranh Việt Nam qua các góc độ” được chấp bút bởi hai giảng viên từ Đại học Utah là Tiến sĩ Kim Korinek – Giáo sư ngành Xã hội học, Giám đốc Trung tâm Châu Á và Tiến sĩ Stormy Shepherd – Giảng viên Khoa Lịch sử cùng với Tiến sĩ Nguyễn Nam – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Fulbright Việt Nam. Từ tháng 1 năm 2022, qua sự giới thiệu của một người đồng nghiệp, ba giảng viên đã bắt đầu quá trình xây dựng lớp học này. Qua các buổi họp trực tuyến trên Zoom hàng tuần, họ đã cùng nhau thiết kế giáo trình và các bài tập xoay quanh những di sản mà chiến tranh để lại.
Lớp học tập trung mang tới những bài giảng giúp các sinh viên trả lời 3 câu hỏi quan trọng – “Những bài học nào từ cuộc chiến mà chúng ta không được lãng quên?”, “Những di sản của chiến tranh nào nên được nghiên cứu và lưu trữ tốt hơn?”, và “Những phương pháp nào giúp hàn gắn những hậu quả sau chiến tranh và xây dựng hòa bình?” Trong suốt hai kỳ học, tập thể sinh viên tìm kiếm những câu trả lời một cách toàn diện từ cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong kỳ Thu này, các bạn đã tìm hiểu về những di sản của chiến tranh qua các nghiên cứu học thuật và các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh và các tiểu thuyết nổi tiếng. Cuối kỳ, sinh viên sẽ trình bày các đề xuất cho đề tài nghiên cứu mà các bạn sẽ triển khai trong học kỳ mùa Xuân. Các nhóm cũng sẽ phát triển một kế hoạch truyền thông để giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình đến độc giả của cả hai quốc gia.
Trong 10 ngày đoàn trường Utah tới thăm Việt Nam, Fulbright hân hạnh tiếp đón tám sinh viên và hai giảng viên Đại học Utah từ ngày 10 đến 14 tháng 10 năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh. Sinh viên hai trường đã có nhiều cơ hội tương tác trực tiếp với nhau và gặp gỡ các khách mời vốn đã đi qua thời chiến. Sinh viên tìm hiểu về chiến tranh qua các chuyến tham quan bảo tàng hay thực địa, qua các buổi học chung giữa hai trường, nổi bật có cuộc trò chuyện với bà Trần Tố Nga, một trong hàng triệu những nạn nhân Việt Nam nhiễm chất độc da cam và chuyến thăm Địa đạo Củ Chi, “một mê cung dưới lòng đất” vốn nhiều thập kỷ trước kia là hệ thống hầm trú ẩn phục vụ thời chiến.
Sau 5 ngày tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn sinh viên và giảng viên Utah tới Hà Nội và ghé thăm Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tổng hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam và nhiều địa điểm di tích lịch sử mang những dấu ấn của cuộc chiến tranh năm xưa. Các bạn còn có cơ hội xem bộ phim “Đừng Đốt” và trò chuyện với một trong những nhà làm phim tài năng nhất của Việt Nam, ông Đặng Nhật Minh.
Một phương pháp học tập xuyên quốc gia thời hậu chiến
Sự đặc biệt của lớp học phải kể đến giáo trình học tập thúc đẩy các trao đổi và hợp tác xuyên biên giới. Được xây dựng theo mô hình Lớp học kết nối (“Connected Course”) – một biến thể của phương pháp Học tập hợp tác quốc tế (“Collaborative Online International Learning”), lớp học mang tới cơ hội hợp tác chặt chẽ giữa không chỉ đội ngũ giảng viên mà cả cho tập thể sinh viên hai trường. Hàng tuần qua các cuộc họp trực tuyến trên Zoom, các nhóm nhỏ đã tìm hiểu về những dấu ấn của di sản chiến tranh trong cuộc sống, trong mỗi gia đình và xã hội. Sinh viên cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ và nhận xét của mình trên diễn đàn thảo luận, cùng nhau chuẩn bị đề xuất nghiên cứu theo nhóm để đào sâu và ghi lại một di sản của chiến tranh.
Không chỉ học được thêm nhiều điều về những di sản chiến tranh, các sinh viên còn trở nên thân thiết với nhau hơn và hiểu được những điểm nổi trội cũng như hạn chế của việc học nhóm trực tuyến khi các bạn sống cách nhau 12 múi giờ. “Bọn mình không có nhiều thời gian làm việc nhóm cùng nhau, mỗi người đều có thời gian biểu khác nhau, chưa kể đến việc lệch múi giờ giữa hai đất nước,” Sierra Young, sinh viên ngành Xã hội học tại Đại học Utah chia sẻ. “Lúc bắt đầu kỳ học, bọn mình gặp một chút khó khăn. Nhưng sau rồi, bọn mình thống nhất được thời gian gặp nhau và làm quen với việc họp nhóm hàng tuần vào thời gian đó. Kể từ đây, bọn mình chưa hề bỏ lỡ bất kì một buổi họp nào. Vì chúng mình chỉ có 1 tiếng rưỡi để làm việc cùng nhau hàng tuần, thành viên nào cũng đều chuẩn bị kĩ lưỡng. Trước mỗi buổi họp, chúng mình sẽ đọc các nghiên cứu, xem các phim tài liệu, và đào sâu tìm hiểu về những chủ đề mà mình quan tâm để khi gặp nhau, chúng mình có thể tận dụng từng phút một cách hiệu quả.”

“Bọn mình không có nhiều thời gian làm việc nhóm cùng nhau, mỗi người đều có thời gian biểu khác nhau, chưa kể đến việc lệch múi giờ giữa hai đất nước,” Sierra Young, sinh viên ngành Xã hội học tại Đại học Utah chia sẻ.
“Các bạn tại trường Fulbright đã giúp đỡ mình rất nhiều. Nếu không nhờ các bạn ấy, mình sẽ khó có thể hiểu thật kĩ và sâu về một vấn đề trong khoảng thời gian ngắn đến vậy. Đây là lần đầu mình được tham gia vào một lớp học với các sinh viên quốc tế. May có các bạn ấy, nếu không thì mình không thể tự tìm kiếm và đọc hiểu hết các tài liệu bằng tiếng Việt được. Dù hầu hết thời gian chúng mình cách nhau nửa vòng trái đất, chúng mình vẫn rất thân thiết với nhau ngoài khuôn khổ lớp học.”
Thường xuyên trao đổi cùng nhau để hoàn thành các bài tập được giao, các sinh viên đã trau dồi được các kĩ năng giao tiếp đa văn hóa, cộng tác qua các nền tảng trực tuyến và làm việc nhóm để tối ưu hóa quá trình hình thành kiến thức. Chuyến đi của đoàn Utah tới Đại học Fulbright Việt Nam cũng giúp thắt chặt tình bạn thân thiết giữa các sinh viên.
“Trước khi tới Việt Nam, sinh viên Utah đã có những hiểu biết cơ bản về cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng chỉ khi đặt chân tới đây, gặp gỡ trực tiếp với sinh viên Fulbright và tham quan các di tích lịch sử thì các bạn mới thực sự kết nối sâu sắc với lịch sử, văn hóa và những nét đẹp của Việt Nam nơi này,” Tiến sĩ Shepherd chia sẻ. “Từ khi bắt đầu gặp nhau trực tuyến qua Zoom và sau đó là trực tiếp tại Việt Nam, các sinh viên dần trở nên thân thiết với nhau hơn. Các bạn giúp nhau tìm tòi và nghiên cứu kĩ hơn về các di sản chiến tranh. Là một giảng viên, tôi cảm thấy thật tự hào khi có thể áp dụng phương pháp giảng dạy mà sự cộng tác xuyên biên giới kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến là yếu tố chủ đạo. Tôi cảm thấy thật may mắn khi các sinh viên của cả hai trường tôn trọng nhau, luôn thân mến và không ngừng tò mò, học hỏi từ nhau. Ngoài khuôn khổ lớp học, tình bạn của sinh viên cũng được xây dựng và bồi đắp. Đây chính là tinh thần không thể thiếu khi chúng ta cùng nhau thúc đẩy công tác hòa giải thời hậu chiến giữa hai quốc gia.”
Một cách tiếp cận hòa giải đa chiều, đa hướng
Dựa trên chương trình giảng dạy, lớp học xoay quanh các sự kiện chính theo dòng thời gian của cuộc chiến tranh Việt Nam, tập trung phân tích những di sản của chiến tranh dưới góc nhìn của những người từng tham chiến, những nhà hoạt động phản chiến và rất nhiều những người dân thường ở bên lề của cuộc chiến, dù không tham chiến nhưng vẫn chịu vô số những ảnh hưởng nặng nề. Thông qua các tài liệu, các bộ phim, các bài hát, các bức ảnh, và các cuộc thảo luận giữa các sinh viên với nhau, lớp học đã giúp các bạn hiểu toàn diện hơn về những trải nghiệm của các cựu quân nhân và cả những người dân thường không tham chiến, từ những kí ức của họ về cuộc chiến tới những ám ảnh kinh hoàng và cách mà họ vượt qua những nỗi đau này. Dẫu cuộc chiến được tuyên bố là chiến thắng hay thất bại, di sản mà chiến tranh để lại có muôn vàn chiều góc, từ chính trị, môi trường, văn hóa tới tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở thời điểm đó và cả sau này.
Hơn thế nữa, việc giảng dạy và học tập xuyên quốc gia đã giúp các sinh viên cùng nhau hình thành một nguồn tài liệu đa chiều được ghi lại bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Bằng việc phân tích một sự kiện cụ thể, chẳng hạn như sự kiện Vịnh Bắc Bộ (1964), nhiều góc nhìn từ những người trải qua cuộc chiến và sống sót kể lại đã được đưa vào các cuộc thảo luận. Qua việc tìm hiểu nguyên nhân đằng sau mỗi quyết định từ cả hai phía trong chiến trận, sinh viên có thể phân tích kĩ lưỡng những diễn biến của chiến tranh và chủ động hình thành các quan điểm của riêng mình.
Đối với nhiều sinh viên, đây là lần đầu họ được tìm hiểu về góc nhìn lịch sử của nước bạn về cùng một cuộc chiến. Sierra Young chia sẻ “Được nghe về quan điểm của phía Việt Nam về diễn biến của chiến tranh là một trải nghiệm mở mang tầm mắt với bản thân mình. Mãi đến giờ mình mới biết được rằng có nhiều góc nhìn khác nhau về cùng một sự kiện lịch sử đến vậy. Mình chưa bao giờ có cơ hội được tìm hiểu về suy nghĩ của người dân Việt Nam cả. Chiến tranh không chỉ có những con số và số liệu. Mình đặc biệt quan tâm đến khía cạnh xã hội học, chẳng hạn như những dằn vặt trong lương tâm của người lính trong thời chiến. Mỗi người đều có một niềm tin, ước mơ, và sợi dây liên kết với gia đình và cộng đồng của họ một cách rất riêng biệt. Đó là lí do vì sao họ có những quan điểm khác nhau, mà trong tình huống xấu nhất đó, họ ở hai bên chiến tuyến khiến những mâu thuẫn ngày một leo thang. Mình nghĩ lớp học này đã giúp mình suy xét lại những giả định của bản thân và cho mình hiểu rằng mình cần cẩn trọng hơn khi tin tưởng một điều là đúng đắn một cách quá chóng vánh.”
Lớp học còn mời đến một số diễn giả khách mời từng sống trong thời chiến để trò chuyện cùng các sinh viên. Trong số đó, bà Trần Tố Nga đã để lại nhiều khoảnh khắc xúc động khi chia sẻ về những trải nghiệm của cá nhân mình. Bà Nga là một nhà hoạt động người Pháp gốc Việt, bà từng có thời gian làm phóng viên của báo Thông tấn xã Giải phóng, nay là Thông tấn xã Việt Nam. Trong khoảng thời gian làm phóng viên tại chiến trường, bà bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống, gây nên nhiều căn bệnh và sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Cả ba người con gái của bà đều bị nhiễm độc, trong đó con gái đầu đã mất khi mới 17 tháng tuổi, hai người con còn lại và cháu ngoại của bà cũng mắc nhiều bệnh do ảnh hưởng của dioxin. Vào năm 2014, thông qua tòa án Pháp, bà đệ đơn kiện 26 công ty Mỹ đã cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ chất độc da cam để sử dụng trong Cuộc chiến tranh Việt Nam những năm 1960-1970. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2021, Tòa án Evry đã tuyên bố “không có thẩm quyền xét xử” đối với vụ kiện của bà. Ở tuổi đã gần 80 và mang trong người đủ thứ bệnh do ảnh hưởng của chất độc da cam, bà vẫn thường xuyên đi về giữa hai nước Pháp – Việt để đấu tranh đòi công lý và hơn hết là lan tỏa khát vọng sống cho nạn nhân chất độc da cam.
“Mình vô cùng xúc động trước những chia sẻ của bà Nga. Cho dù tới hôm nay, những vết sẹo mà bà và gia đình phải hứng chịu do hậu quả chiến tranh vẫn còn chưa lành, bà vẫn hiểu rằng chiến tranh là một thảm kịch khủng khiếp tới người dân hai đất nước, cả Việt Nam và Mỹ, tất cả những người đã phải trải qua thời kì đó,” Đồng Thị Hải Yến (Khóa 2024), một sinh viên khiếm thị tại Fulbright chia sẻ. Yến và ba người thân trong họ hàng của mình đều bị khiếm thị bẩm sinh. “Thật ra, mình cũng không biết chắc tình trạng của mình có phải do chất độc da cam gây ra hay không. Ông nội mình đã tham gia chiến đấu trong thời chiến. Nhưng y học ngày nay vẫn không thể tìm ra dioxin trong cơ thể con cháu của những người trực tiếp bị nhiễm chất độc da cam.”
“Hành trình đi đòi công lý cho nạn nhân da cam của bà Nga đã truyền cảm hứng cho mình rất nhiều. Mặc dù bà không thắng trong vụ kiện chống lại các công ty hóa chất của Mỹ, nhưng có khoảng 200 bài báo bằng nhiều thứ tiếng đã đưa tin về vụ việc. Đối với mình, đó là một chiến thắng lớn. Bà đã giúp cả thế giới biết tới một di sản chiến tranh, một cơn ác mộng mà cho đến ngày nay, hàng triệu người Việt Nam và người Mỹ vẫn phải gánh chịu. Bà Nga đã giúp mình nhận ra rằng mình cần phải quan tâm giúp đỡ gia đình và cộng đồng của mình nhiều hơn. Mình sẽ tiếp tục đóng góp sức mình vào công tác hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Mình sẽ góp phần thúc đẩy việc thực thi các bộ luật tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc, tự tạo công ăn việc làm một cách bình đẳng và bảo vệ họ trong môi trường lao động.” Hải Yến cho hay.

“Mình vô cùng xúc động trước những chia sẻ của bà Nga.” Đồng Thị Hải Yến (Khóa 2024), một sinh viên khiếm thị tại Fulbright chia sẻ.
Những bài học đáng giá của một lớp học lịch sử phi truyền thống
Lớp học xuyên quốc gia với những cách tiếp cận lịch sử đa chiều và đa hướng là một trải nghiệm giáo dục chưa từng có tiền lệ với tập thể giảng viên và sinh viên ở cả hai trường. “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia quá trình đồng thiết kế và giảng dạy một lớp học kết nối với một ngôi trường nước bạn,” Tiến sĩ Korinek hào hứng chia sẻ. “Với vai trò là một người giảng viên, tôi không khỏi cảm thấy tự hào vì được dẫn dắt một trải nghiệm học tập xuyên biên giới, đa văn hóa và một quá trình tiếp thu kiến thức phong phú khuyến khích những góc nhìn đa chiều về lịch sử và các di sản do chiến tranh để lại.”
“Tôi rất ấn tượng với những kiến thức chuyên sâu mà các sinh viên đã tìm tòi và chia sẻ khi phân tích về những sự kiện quan trọng cũng như qua các bức ảnh chụp từ thời chiến. Các bạn đã cùng nhau nhận định, mô tả và phân tích chi tiết những cột mốc lịch sử quan trọng như Chiến dịch Khai Quang, hay cuộc Thảm sát Mỹ Lai. Hàng tuần, chúng tôi có một buổi chuyên đề 3 tiếng để thảo luận cùng nhau và lúc nào các sinh viên cũng bàn bạc sâu sắc về những hậu quả nghiêm trọng mà chiến tranh để lại ở cả hai quốc gia nói chung, và với những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu cùng gia đình, cộng đồng của họ nói riêng.”

“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia quá trình đồng thiết kế và giảng dạy một lớp học kết nối với một ngôi trường nước bạn,” Tiến sĩ Korinek hào hứng chia sẻ.
Chứng kiến những nghiên cứu độc lập của các sinh viên về âm nhạc và phim ảnh thời chiến, Tiến sĩ Korinek tự hào: “Lớp học càng trở nên bổ ích hơn khi các sinh viên không ngừng tham gia trao đổi sâu sắc với nhau về quá trình tìm tòi của mình. Ở cả hai trường Utah và Fulbright, các bạn chia sẻ với nhau những những kiến thức mình mới tìm ra một cách hào hứng và nhiệt thành. Đây là một điểm cộng lớn khi sinh viên tự làm chủ trải nghiệm học tập của mình.”
Là một sinh viên, Lương Ngọc Chung (Khóa 2025) trân trọng tình bạn của mình với các sinh viên Utah. Chung cho biết: “Thành thật mà nói, ban đầu mình khá lo lắng khi biết rằng chúng mình phải làm việc trực tiếp với nhau. Chúng mình có văn hóa và phong cách học tập rất khác biệt. Nhưng qua thời gian, mình nhận ra rằng những người trẻ chúng mình cũng chia sẻ với nhau rất nhiều mối quan tâm và sở thích tương đồng. Từ một chút lo lắng và hoài nghi lúc đầu, giờ mình thực sự rất háo hức mong chờ đến buổi họp nhóm hàng tuần. Khi các bạn sinh viên Utah đến TP. Hồ Chí Minh tuần vừa rồi, chúng mình lại càng thân thiết với nhau hơn. Ngoài việc học ở trên lớp, chúng mình còn nói chuyện với nhau về đủ thứ trên đời.”

Với Tiến sĩ Nguyễn Nam, đây là một cơ hội tuyệt vời để sinh viên tìm hiểu về bản chất của hòa giải và hàn gắn vết thương của chiến tranh.
Với Tiến sĩ Nguyễn Nam, đây là một cơ hội tuyệt vời để sinh viên tìm hiểu về bản chất của hòa giải và hàn gắn vết thương của chiến tranh. “Tham gia lớp học này, sinh viên có thể phát triển được khả năng thông hiểu người khác một cách chân thành. Có rất nhiều góc độ và chiều hướng của một câu chuyện. Câu chuyện đó được kể lại như thế nào thì lại hoàn toàn dựa vào góc nhìn của người kể câu chuyện. Đây là một lớp học đặc biệt, một lớp học chứng kiến nhiều những “lần đầu tiên” của sinh viên ở cả hai đất nước, Việt Nam và Mỹ. Không phải ngày nào các bạn cũng có cơ hội lắng nghe góc nhìn lịch sử của đối phương, chưa nói đến việc các bạn được khuyến khích trao đổi với nhau một cách thoải mái dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Chỉ khi các sinh viên hiểu được góc nhìn của nhau, thì các bạn mới có thể thật lòng thấu cảm với nhau. Từ đó, các bạn mới có thể thúc đẩy các công tác hòa giải và hàn gắn ở cả hai đất nước.”
Phương Mai