Tháng 6 này, Lý Minh Tú và Phan Cảnh Minh Phước sẽ tốt nghiệp Đại học Fulbright Việt Nam, nhưng trước đó hai sinh viên đã nhận lời làm việc tại top 3 tập đoàn tư vấn toàn cầu.
Ngành tư vấn chiến lược đặt ra yêu cầu toàn diện cho các ứng viên. Theo đó, nhân sự không chỉ cần kỹ năng chuyên ngành như giải quyết tình huống, tư duy kinh doanh, mà phải có triết lý sống ý nghĩa với cộng đồng và xã hội. Xuyên suốt chương trình học bốn năm tại Đại học Fulbright Việt Nam, Lý Minh Tú và Phan Cảnh Minh Phước liên tục được trau dồi các yếu tố này. Đây cũng là một phần lý do hai bạn trở thành ứng viên được mời làm việc tại hai trong ba tập đoàn tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới.
Fulbright chuẩn bị nền tảng cho sinh viên theo đuổi lĩnh vực tư vấn
Tỷ lệ cạnh tranh để trở thành nhân viên của một trong ba công ty tư vấn chiến lược quản trị lớn nhất thế giới gồm McKinsey & Company, Boston Consulting Group (BCG) và Bain & Company rất cao. Cơ hội càng trở nên hiếm hoi khi ứng viên là sinh viên chưa tốt nghiệp đại học.
Vượt qua nhiều ứng viên trong các vòng phỏng vấn, với những giải pháp chiến lược được đánh giá cao, Lý Minh Tú sớm trở thành tân binh của Bain & Company và Phan Cảnh Minh Phước ghi tên vào đội ngũ trẻ của BCG.
Tú thuyết phục hội đồng phỏng vấn với loạt giải pháp hợp lý, nhờ khả năng phân tích liên ngành từ STEM đến kinh tế và xã hội – điều mà cô thường xuyên rèn luyện trong các lớp học ở trường.
Đặc biệt, Tú cho rằng lớp Principle of Economics (Nguyên lý Kinh tế) giúp bản thân trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề – được xem là quan trọng nhất trong ngành tư vấn. Các sinh viên được giao đề xuất kế hoạch phát triển cho tỉnh/thành phố ở Việt Nam.
Bài tập không chỉ giúp các bạn nắm vững chỉ số quan trọng của kinh tế vĩ mô, mà còn dùng những chỉ số này để dự đoán xu hướng phát triển bền vững của tỉnh. Xuyên suốt quá trình làm bài theo nhóm và cá nhân, sinh viên được giảng viên hướng dẫn sát với phương pháp thực tế của các tập đoàn tư vấn. Kết quả bài tập cũng được đánh giá bởi chính tư vấn viên đến từ tập đoàn McKinsey.
“Nhóm mình may mắn được giải nhất và mình bén duyên với nghề tư vấn từ khoảnh khắc đó”, Tú chia sẻ.
Là thực tập sinh của ZaloPay nhờ mối quan hệ chiến lược giữa Fulbright và Tập đoàn VNG, Phước khẳng định đây là cơ hội thay đổi hoàn toàn cuộc đời. Nhờ cơ hội này, Phước được làm việc trực tiếp cùng các quản lý cấp cao, có nhiều năm kinh nghiệm ở nhiều tập đoàn tại Mỹ. Tại đây, Phước học được kỹ năng giải quyết vấn đề mà các nước phát triển trên thế giới đang áp dụng. Sau hơn một năm làm việc, Phước trở thành trưởng nhóm phát triển tính năng nhỏ tuổi nhất tập đoàn.
Fulbright ươm dưỡng tinh thần cộng đồng, triết lý sống cho sinh viên
Ngoài kỹ năng, tại Đại học Fulbright, sinh viên còn học về triết lý sống. Tú học được rất nhiều từ lớp Ethics in Practice (Đạo đức thực hành) khi thực hiện dự án khóa học lập trình cho các bạn khiếm thị.
Nhận thấy cơ hội nghề nghiệp dành cho người khiếm thị còn hạn chế và khó tiếp cận, Tú cùng nhóm sáng lập nảy ra ý tưởng xây dựng khóa học dạy lập trình, mở ra cánh cửa cơ hội mới cho đối tượng thiệt thòi trong xã hội mà cụ thể là người khiếm thị.
Qua dự án, Tú hiểu được tầm quan trọng của việc nhận biết vấn đề trong cộng đồng và vận dụng kiến thức để giải quyết. Theo Tú, giải pháp đóng góp cho cộng đồng là gắn lợi ích của cộng đồng vào những bài toán mình cần giải quyết.
Với Phước, tại ZaloPay, nam sinh viên hiểu tầm quan trọng của việc giúp đỡ lẫn nhau và chia sẻ kiến thức (mentorship). Phước thực hành lý tưởng đó trong cộng đồng ZaloPay, khi cùng quản lý cấp cao thiết kế khoá đào tạo phân tích dữ liệu đầu tiên cho nhân viên tập đoàn và tham gia đào tạo thực tập sinh. Còn tại Fulbright, Phước cùng giảng viên xây dựng lớp “Phát triển sản phẩm” đầu tiên.
Tú và Phước là những người trẻ điển hình chọn học liên ngành theo tư duy giáo dục khai phóng để tăng lợi thế cạnh tranh sự nghiệp và theo đuổi đam mê.
“Tú là thực tập sinh xuất sắc, đầy nhiệt huyết và linh hoạt. Tú chứng minh thực lực qua tất cả vị trí và dự án mà chúng tôi muốn thử thách. Fulbright nên gửi thêm nhiều thực tập sinh như vậy”, Stefano Pellegrino – Giám đốc Điều hành Công ty đa quốc gia Aspire, từng là cố vấn của Tú trong quá trình thực tập tại đây – cho biết.
Cùng quan điểm, bà Lê Lan Chi – Tổng giám đốc ví điện tử Zalo Pay – nhấn mạnh: “Tôi tìm kiếm ba điều ở nhân viên, một là tư duy logic, hai là khả năng giao tiếp hiệu quả và ba là thái độ tốt. Tôi nghĩ sinh viên Fulbright có đủ cả ba điều kiện này”.
Nguồn: Zing News