Đó là lời mà Nguyễn Minh Tiến, Tân Cử nhân ngành Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông, với hai ngành phụ Lịch sử và Nghiên cứu Xã hội tại Fulbright, tâm sự với tôi. Bắt đầu chặng đường học tập ở Fulbright năm 21 tuổi, Tiến từng nghĩ mình “chậm” hơn 3 năm so với phần đông bạn bè cùng trang lứa.
Sau ba năm gắn bó với một trường đại học khác ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không cảm thấy hạnh phúc, Tiến nảy ra suy nghĩ muốn bắt đầu lại. Nỗi sợ lớn nhất của chàng thanh niên 21 tuổi khi đó là sợ “bị tụt lại” so với bạn bè; nhưng hơn ai hết, Tiến khát khao một ngôi trường có thể cho bạn sự tự do trong học thuật. Gạt qua nhiều lo lắng, năm 2020, Tiến trở thành sinh viên năm nhất của Fulbright, trong khi vẫn duy trì việc học ở ngôi trường trước đó với mong muốn hoàn thành bằng cử nhân đầu tiên.
Di chuyển một vòng thành phố đi học mỗi ngày
Để có thể học cùng lúc hai trường đại học, Tiến đã vật lộn với khoảng cách địa lý lẫn thời gian. Mỗi sáng, cứ đúng 5 giờ 30 phút, cậu bạn chạy xe máy từ quận 7 sang quận 1, gửi xe máy, rồi từ quận 1 đón xe buýt qua Thủ Đức học tiết đầu tiên vào lúc 7 giờ. Đến 11 giờ trưa, con đường ấy lặp vòng theo chiều ngược lại để cậu bạn kịp về tham dự lớp học buổi chiều tại Fulbright vào lúc 13 giờ 30 phút. Việc di chuyển hơn 50 cây số mỗi lần đến trường kéo dài trong vòng một năm đến khi Tiến hoàn thành tấm bằng cử nhân đầu tiên.
Thời gian thấm thoắt trôi. Ngày 8/6 vừa rồi, Tiến chính thức trở thành Tân Cử nhân ngành Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông, với hai ngành phụ Lịch sử và Nghiên cứu Xã hội tại Fulbright. Cầm trên tay tấm bằng cử nhân thứ hai, Tiến bồi hồi nhớ lại những tháng ngày rong ruổi khắp các con đường ở Sài Gòn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu học tập của bản thân.
“Mình đã từng suy nghĩ phải vô trường ‘top’ mới gọi là đi học. Nhưng giờ mình quan tâm nhiều hơn đến việc mình thực sự muốn, thích gì. Bởi việc chọn trường đại học cũng giống như chọn gắn kết với một người đồng hành trong khoảng thời gian lâu dài. Người bạn đồng hành ấy phù hợp với mình về sứ mệnh, định hướng, sở thích, từ đó giúp mình kiến tạo nên nhiều giá trị ý nghĩa hơn cho tương lai của bản thân, cho người bạn ấy, và cho xã hội”.
Đam mê văn hóa Hiphop và mong ước phát triển tri thức về nghệ thuật đường phố Việt Nam
Trái ngược với vẻ ngoài khá ít nói, Tiến sở hữu niềm đam mê “cực cháy” với văn hóa Hiphop. Với hơn một năm kinh nghiệm công tác ở Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, cùng với khả năng nghiên cứu dày dặn, cậu đã cho ra đời không ít những bài báo nghiên cứu, ấn phẩm truyền thông về dòng chảy hiphop trong sự phát triển của xã hội Việt Nam đương đại. Năm 2021, khi đang là sinh viên năm 2 của Fulbright, “nhà nghiên cứu trẻ” Minh Tiến đã hoàn thành chương sách “Sự hình thành và phát triển nhạc rap trong văn hoá Việt Nam đương đại”, in trong cuốn “Đa dạng văn hoá trong đời sống xã hội đương đại”, do NXB Khoa học Xã hội xuất bản.
Vào năm 2023, bài viết “Cảm nghĩ về nhóm hip-hop Joker Rock Crew tại Thành phố Hồ Chí Minh: khiêu vũ đường phố là quê hương của tự do ngôn luận” (For Ho Chi Minh City-based hip-hop collective Joker Rock Crew, street dance is the homeland of freedom of expression) của Minh Tiến được đăng tải trên trang web của Colors x Studio – một thương hiệu về âm nhạc có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Cũng trong năm đó, Minh Tiến cùng Việt Hiphop khởi xướng chuỗi Podcast “Từ trong Văn hóa” (In the Culture) cùng sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng để trao đổi về các vấn đề được thảo luận sôi nổi trong cộng đồng hip hop tại Việt Nam qua những góc nhìn mới.
Đề cập đến động lực để thực hiện các dự án này, Tiến bộc bạch: “Mình cảm thấy chúng ta đang sống trong thời đại của sự chuyển tiếp thế hệ, trong giao thoa mạnh mẽ giữa câu chuyện toàn cầu hóa (globalization) và nội địa hóa (localization). Đó là cơ hội để tiếp xúc với những kiến thức từ bên ngoài, nhưng đồng thời cũng là thách thức khi chúng ta đứng trước câu hỏi ‘làm cách nào để tìm được tiếng nói riêng của thanh niên Việt Nam trong cộng đồng người trẻ thế giới?’. Trong dòng chảy của vô vàn kiến thức, mình chọn nghệ thuật đường phố để trả lời câu hỏi này.
Với mình, kiến thức cơ bản là nền tảng quan trọng nhất để duy trì và làm phong phú thêm bất kỳ loại hình văn hóa nào. Mình muốn mọi người biết nhiều đến nghệ thuật đường phố Việt Nam thì phải chứng minh trong lịch sử, tiến trình phát triển của thể loại này, Việt Nam có điều gì đặc biệt. Mình đã, đang, và sẽ học cách dung hòa giữa nghiên cứu, thực hành để đem tiếng nói của bản thân đi xa hơn.”
Sở hữu bằng cử nhân với một ngành chính, hai ngành phụ, và khát khao học tập suốt đời
Vừa qua, Minh Tiến sánh bước cùng 128 sinh viên khóa 2024 của Đại học Fulbright Việt Nam lên sân khấu nhận bằng cử nhân. Là gương mặt quen thuộc ở vị trí trợ giảng của nhiều lớp học tại Fulbright, Tiến tốt nghiệp loại xuất sắc ở ngành chính Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông, và hai ngành học phụ là Lịch sử và Nghiên cứu Xã hội sau 4 năm. Với bạn, kiến thức ở Fulbright không hề tách riêng theo từng khối ngành mà bổ trợ rất chặt chẽ cho nhau, mở ra cho Tiến một góc nhìn tổng quan về nghệ thuật ở nhiều góc độ lịch sử, trong nhiều bối cảnh xã hội.
“Mình nghĩ khi nghiên cứu một tác phẩm nghệ thuật, ngoài việc đặt tác phẩm vào tương quan thẩm mỹ giữa đẹp và không đẹp, thì việc xem xét bối cảnh xã hội ở thời điểm nó được hình thành là một yếu tố rất cần thiết. Yếu tố ấy giúp chúng ta biết được sâu sắc hơn về nội dung của tác phẩm, từ đó trả lời cho câu hỏi ‘khán giả hay tìm đến nghệ thuật bằng cách nào?’.
Ngành Lịch sử còn cung cấp cho mình kiến thức về tiến trình phát triển của các hình thức nghệ thuật khác nhau, giúp mình nhận ra tiêu chuẩn thẫm mỹ của Chủ nghĩa Thực dân (Colonialism) vẫn còn tác động lên các nhóm người và cộng đồng hiện tại. Hiểu được nguồn gốc của các tác nhân cấu thành nên nghệ thuật, câu hỏi ‘nên thực hành nghệ thuật như thế nào?’ của mình được lý giải”.
Đại học Fulbright Việt Nam chúc Minh Tiến đạt nhiều may mắn trong chặng đường sắp tới!
Như Ý