Tiến sĩ Nguyễn Nam là Giảng viên Sáng lập và là một trong những giảng viên trụ cột của Ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Với gần 40 năm nghiên cứu và giảng dạy, thầy đã xây dựng khối lượng nghiên cứu đồ sộ về văn hóa lịch sử Việt Nam và mang kho tàng ấy đến với Trường Fulbright. Thầy không ngừng lan tỏa các giá trị của việc “Học Việt Nam, Hiểu Việt Nam, Yêu Việt Nam” thông qua các hoạt động trên giảng đường cũng như trong nhiều cơ hội kết nối dành riêng cho sinh viên Fulbright. Gần đây nhất là hành trình thầy dẫn dắt lớp “Việt Nam Trên Đường Phát Triển“ (Developing Vietnam) của Trường Đại học Fulbright Việt Nam sang Đại học Dartmouth, thuộc nhóm Ivy League tinh hoa và danh giá nhất Hoa Kỳ, để tham gia cộng tác nghiên cứu về Việt Nam.
Hành trình 40 năm miệt mài nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam
Với tình yêu và sự gắn kết bền chặt với đất nước, Tiến sĩ Nguyễn Nam đã chọn Việt Nam làm lĩnh vực nghiên cứu xuyên suốt bốn thập kỷ. Đối với thầy, nghiên cứu Việt Nam không chỉ tìm hiểu, đào sâu một đối tượng đơn lẻ mà đặt cả đất nước Việt Nam mình, con người Việt Nam mình tỏa sáng trong bối cảnh khu vực và toàn cầu. Và với hơn 4.000 năm bề dày lịch sử, việc tìm hiểu và nghiên cứu Việt Nam là công việc cả đời, là hành trình của nhiều thế hệ để khám phá nguồn gốc, lịch sử, văn hoá, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, thầy chia sẻ: “Có thể lấy một người ra khỏi đất nước của họ nhưng mà không thể lấy đất nước của chính con người đó ra khỏi bản thân họ. Sự kết nối thiêng liêng là nguồn động lực để tôi dành gần nửa thế kỉ khám phá đất nước mình.”
Trong suốt 40 năm nghiên cứu và giảng dạy, thầy đã đồng hành và chứng kiến những thăng trầm, chuyển động của đất nước mình, song hành với tình yêu và trách nhiệm lớn lên theo năm tháng. Từ đó, thầy thường xuyên mang những chuyển biến tích cực của xã hội, của đất nước vào bài giảng qua các góc nhìn khác nhau, từ văn chương nghệ thuật, điện ảnh đến lịch sử, xã hội, tôn giáo. “Với tôi, làm nghề giáo không chỉ trao truyền cho sinh viên kiến thức vì nó có thể rất dễ dàng tìm kiếm nhất là trong thời đại trí tuệ nhân tạo hiện nay. Điều quan trọng hơn cả là làm sao xây dựng cho sinh viên tư duy phản biện, tư duy mở, những kĩ năng cần thiết và sự sáng tạo để các bạn hoàn thiện chính mình và cống hiến cho cộng đồng, xã hội.”
Quan điểm giáo dục của Tiến sĩ Nguyễn Nam là luôn có sợi dây gắn kết vô hình giữa người dạy và người học. Vì thế, thầy luôn giảng dạy bằng cả lòng nhiệt huyết của mình, thổi hồn vào những kiến thức, câu chữ để từ đó, sinh viên tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu về mặt tâm hồn của những người con Việt Nam, được truyền cảm hứng mạnh mẽ và thổi bùng ngọn lửa tình yêu đất nước. Thầy chia sẻ về niềm hạnh phúc trong gần 40 năm giảng dạy chính là được quan sát, chứng kiến sự trưởng thành của sinh viên: “Mỗi khi được lắng nghe những chia sẻ của các bạn về sự thay đổi, trưởng thành hơn sau mỗi bài giảng; từ sự tin tưởng, yêu thương hơn đối với người thân, với cộng đồng mà mình thuộc về đến những cảm thức về trách nhiệm và nhu cầu đóng góp cho xã hội, tôi cho rằng đó là những khoảnh khắc đẹp đẽ và đáng nhớ nhất của một người làm công việc giáo dục.”
Nguồn cảm hứng đưa thầy Nguyễn Nam đến với Trường Đại học Fulbright Việt Nam
“Khi có thông tin về sự thành lập của Trường Đại học Fulbright Việt Nam với chương trình giáo dục khai phóng, tôi và mọi người trong giới học thuật đều rất kỳ vọng về một sinh khí mới của nền giáo dục nước nhà. Sau khi trở thành thành viên của Hội đồng Tín thác Trường Fulbright, tôi vinh dự được gặp gỡ và trò chuyện với những nhà giáo dục kỳ cựu khác về sứ mệnh của trường trong việc phụng sự xã hội Việt Nam và đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn. Điều đó đã nhen nhóm trong tôi khát khao được chung sức xây dựng và phát triển trường, đồng thời kết nối Trường Fulbright với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước.” – Thầy Nguyễn Nam chia sẻ.
Trong quá trình khám phá lịch sử Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Nam khẳng định mô hình giáo dục khai phóng đã tồn tại, gắn liền với văn hoá nước nhà từ rất sớm. Tư duy phản biện đã hiện hữu qua các cụm từ như “học” luôn gắn liền với việc “hỏi”, “nói có sách, mách có chứng”, “học thầy không tày học bạn”; hay nổi bật hơn là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở thế kỉ 20. “Được làm việc trong môi trường giáo dục quốc tế, hiện đại, đồng thời có cơ hội phát huy truyền thống giáo dục và văn hóa Việt Nam, tôi cảm thấy rất vinh dự khi đóng góp một phần trong việc thành lập và hoàn thiện chương trình giáo dục khai phóng ở Trường Đại học Fulbright Việt Nam.”
Luôn ấp ủ và mang đến những cơ hội rộng mở cho sinh viên Fulbright
Phát triển từ mối quan hệ thân thiết với Đại học Dartmouth (Hoa Kỳ), Tiến sĩ Nguyễn Nam đồng sáng lập lớp học “Việt Nam Trên Đường Phát Triển” nhằm thể hiện nỗ lực của giảng viên Fulbright trong việc tạo điều kiện cho sinh viên giao lưu, hợp tác với những trường đại học hàng đầu trên thế giới. Bằng môi trường học tập xuyên văn hoá, sinh viên Trường Fulbright có cơ hội kết nối với những người đồng trang lứa có nền tảng chính trị, văn hoá, xã hội khác nhau; từ đó nâng cao tư duy phản biện và hiểu thêm về Việt Nam từ những góc độ đa chiều. Bên cạnh đó, những dự án nghiên cứu Việt Nam đương đại của các sinh viên từ hai trường đã trau dồi, trang bị không chỉ kiến thức học thuật mà còn khả năng làm việc với truyền thông đa phương tiện khi các bạn có cơ hội thể hiện bài nghiên cứu của mình bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Bên cạnh những cơ hội trao đổi quốc tế, thầy Nam cùng cộng sự còn ra mắt chương trình Nhân văn Số (Digital Humanities) khi kết hợp kỹ thuật số vào việc khai thác dữ liệu khoa học nhân văn, đặc biệt là dữ liệu liên quan đến Việt Nam; nhằm phục vụ cho công việc nghiên cứu và giảng dạy. “Trong tương lai, với thời đại trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển hiện nay, tôi đang hướng tới Nhân văn Trí tuệ nhân tạo (AI Humanities) khi sử dụng AI như một công cụ, trợ thủ đắc lực của ngành Nhân văn nói chung và ngành Việt Nam học nói riêng.” – Tiến sĩ Nguyễn Nam chia sẻ về dự định tương lai.
Dành lời khuyên cho các bạn trẻ có hứng thú với ngành Việt Nam học, thầy Nam tâm sự: “Cơ hội việc làm của ngành học này rất rộng mở bởi vì các bạn không chỉ có nền tảng kiến thức về Việt Nam, về đất nước mình mà Fulbright còn trang bị những kiến thức và kỹ năng liên ngành vững chắc, để bạn tự tin thể hiện bản thân trong thời đại đầy biến động hiện nay. Bên cạnh đó, là công dân Việt Nam, là người con mang dòng máu nước mình thì việc học tập và nghiên cứu là điều cần thiết; từ học Việt Nam, hiểu Việt Nam nó sẽ lớn dần lên trở thành tình yêu Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước.”
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường Đại học Fulbright Việt Nam trân trọng biết ơn những nỗ lực và đóng góp của các giảng viên trong việc định hướng chương trình học và hỗ trợ trong hành trình phát triển của Trường. Trường Fulbright cùng các giảng viên luôn hướng tới nhiệm vụ đào tạo sinh viên, góp phần nâng cao nền giáo dục nước nhà và đóng góp xây dựng Việt Nam ngày một lớn mạnh hơn trên đường hội nhập quốc tế.
Phương Anh