Giảng viên chính về Công nghệ và Đổi mới của Học viện YSEALI tại Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ về khóa học mới xoay quanh chủ đề Số hóa Niềm tin, tốc độ phát triển thần kỳ của công nghệ, và những định hướng cần thiết nhằm xây dựng tương lai bền vững ở Đông Nam Á.
Sau 7 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Tiến sĩ Vladimir Mariano – nhà khoa học máy tính, doanh nhân và nhà giáo – đã xem nơi đây là nhà, và TP. HCM là quê hương thứ hai của mình. Với ông, vùng đất đôn hậu này là một phần không thể tách rời trong hành trình gắn bó và cống hiến cho công nghệ trong suốt 34 năm qua. Hành trình ấy bắt nguồn từ những phút giây đầu tiên khi Vladimir được học và làm quen với ngôn ngữ lập trình – khi ông mới 14 tuổi, và nơi dạy cho ông những bài học vỡ lòng về công nghệ là một trại hè tại quê nhà Philippines. Niềm đam mê đó được hun đúc mãi về sau khi Vladimir hoàn thành bằng Tiến sĩ ngành Khoa học và Kỹ thuật Máy tính tại trường Pennsylvania State University (Mỹ), và tiếp đó, ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại các trường đại học và công ty công nghệ, khởi nghiệp ở Mỹ, Philippines và Việt Nam.
Dẫu vậy, khi nhắc đến vai trò mới của mình là Giảng viên chính về Công nghệ và Đổi mới của Học viện YSEALI tại Đại học Fulbright Việt Nam, Tiến sĩ Vladimir Mariano không khỏi bày tỏ niềm hân hoan đặc biệt: “Tôi luôn mơ về ngày được gia nhập cộng đồng Fulbright, ngay từ lúc trường chính thức thành lập nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016. Trong tôi là niềm hào hứng vô bờ, bởi Fulbright không chỉ đơn thuần là một trường đại học mới, mà là dấu mốc quan trọng cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ,” ông chia sẻ. “Và nay, với cơ hội trở thành một phần đóng góp cho lịch sử đang được viết nên giữa hai nước, đối với riêng tôi, đó không khác gì giấc mơ thành hiện thực. Tôi cũng không khỏi hạnh phúc vì Đại học Fulbright cũng là nơi gắn kết tôi lần nữa với nước Mỹ, nơi tôi từng theo học và nhận bằng Tiến sĩ, và cũng là miền đất nơi tôi và gia đình được chào đón nồng hậu.”
Tầm nhìn và kỳ vọng mà Tiến sĩ Vladimir Mariano dành trọn cho tương lai giáo dục vốn được nhen nhúm từ năm 1995, khi Internet lần đầu du nhập vào Philippines. “Khi ấy, tôi và bạn bè đã hình dung đây sẽ là công cụ giúp đem lại những cải cách tích cực cho giáo dục, đồng thời giúp dân chủ hóa kiến thức cho toàn thể người dân,” ông chia sẻ. “Tiếc thay, ngành giáo dục đại học vẫn chưa thực sự đổi mới và theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ. Những phương pháp dạy và học truyền thống vẫn chiếm ưu thế trên giảng đường, vốn nhấn mạnh vào thành tích, điểm số, và bằng cấp.”
Và nay, khi chứng kiến những tác động nặng nề của đại dịch, Tiến sĩ Vladimir Mariano lại càng đau đáu hơn về thực trạng bất bình đẳng trong giáo dục, khi những nhóm học sinh, sinh viên nghèo ở vùng sâu vùng xa sẽ khó theo đuổi việc học – bởi để hộ gia đình có đường truyền internet ổn định, để các em học sinh có trong tay máy tính hay chiếc điện thoại thông minh, vẫn còn là điều gì đó quá xa xỉ. “Khi tìm hiểu về Đại học Fulbright, và đặc biệt hơn là sứ mệnh của Học viện YSEALI tại trường, tôi tin rằng đây sẽ là nơi tạo ra những chuyển biến, đổi mới tích cực như những gì mình hằng ấp ủ cho phương pháp dạy và học,” ông cho hay.
Trong buổi trao đổi, trò chuyện của chúng tôi với Tiến sĩ Vladimir Mariano, vai trò của giáo dục trong thời đại công nghệ mới luôn là đề tài ông nhấn mạnh vào và đi sâu: rằng làm cách nào để các nhà quản lý giáo dục có thể chắp cánh cho thế hệ trẻ mai sau nhằm đương đầu, thích ứng với thế giới đầy biến động, luôn đổi thay, bất định, phức tạp và mơ hồ – là câu hỏi mà ông mong muốn tìm ra lời giải với Học viện YSEALI nói riêng và Đại học Fulbright nói chung.
“Các nhà lãnh đạo tương lai của khu vực Đông Nam Á cần trang bị cho mình góc nhìn thấu đáo về công nghệ”
Từ thuở niên thiếu ở quê nhà Philippines cho đến nay, Tiến sĩ Vladimir Mariano đã và đang không ngừng dõi theo những bước tiến vượt bậc của khoa học và công nghệ. “Tôi còn nhớ mãi năm 1988, tôi và bạn bè bắt đầu mày mò làm quen với máy tính. Được quan sát cỗ máy có thể xử lý rất nhanh nhiều thông tin ra sao, đó không khác gì là bạn đang tận mắt chứng kiến một phép màu,” ông hồi tưởng. “Ngay từ lúc đó, tôi đã đinh ninh trong lòng rằng tương lai của mình sẽ gắn liền với công nghệ, để bản thân mình luôn được đồng hành với cỗ máy vô cùng lý thú này.”
Dẫu vậy, sau hơn ba thập niên nghiên cứu, giảng dạy và làm việc trong lĩnh vực công nghệ, Tiến sĩ Vladimir Mariano thừa nhận rằng dù bản thân là chuyên gia, ông vẫn không thể đoán trước được tương lai công nghệ sẽ đi về đâu. Bởi đơn giản, tốc độ phát triển của công nghệ trong những năm gần đây là quá nhanh, với những tác động và đổi thay thần tốc đến mọi mặt kinh tế, xã hội, và con người. “Vào năm 2030, con trai tôi sẽ tròn 26 tuổi. Thế nhưng, tôi không thể nào cho con biết tương lai sẽ đòi hỏi ở ta những công việc, kỹ năng gì để bắt đầu từ bây giờ,” ông chia sẻ. “Tất cả những điều đó đều phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của công nghệ. Và với điều chắc chắn duy nhất là thế giới sẽ luôn đổi thay, công nghệ sẽ luôn phát triển, chúng ta cần quán triệt, ngay từ bây giờ, rằng công nghệ đang ảnh hưởng và tác động ra sao đến đời sống, tinh thần và nhận thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng.”
Dựa trên những quan sát và mối lưu tâm của ông về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), và cụ thể hơn, học máy (machine learning) và thị giác máy tính (computer vision) – hai mảng nghiên cứu chính của ông trong quá trình giảng dạy tại các trường đại học lẫn kinh nghiệm vận hành các công ty khởi nghiệp về công nghệ, Tiến sĩ Vladimir Mariano đã quyết định “Số hóa Niềm tin” sẽ là chủ đề của khóa học tiếp theo về Công Nghệ và Đổi mới ở Học viện YSEALI, hiện đang trong giai đoạn nhận hồ sơ ứng tuyển từ các cán bộ trẻ, cán bộ quản lý cấp cơ sở và cấp trung, trong độ tuổi từ 25 tới 40 ở Đông Nam Á, và dự kiến diễn ra từ ngày 30/05 đến 10/06/2022.
“Thế nào là niềm tin trong thời đại số?” là một trong những câu hỏi quan trọng mà Tiến sĩ Vladimir Mariano mong muốn các nhà lãnh đạo tương lai của khu vực Đông Nam Á cùng định nghĩa, thảo luận, và đào sâu với các học giả, chuyên gia đầu ngành đến từ khắp nơi trên thế giới khi tham gia khóa học mới của Học viện YSEALI. “Được kỳ vọng là những nhà lãnh đạo trẻ của khu vực, bạn sẽ không chỉ đơn thuần theo đuổi những mục tiêu riêng vạch ra cho bản thân, mà cần liên kết con đường bạn chọn đến những giá trị chung phụng sự cho cộng đồng,” ông nhấn mạnh. “Và để thuyết phục, dẫn dắt mọi người xung quanh cùng hướng tới sứ mệnh chung vì cộng đồng, bạn sẽ cần đưa ra những quyết định đúng đắn. Và những quyết định trên, không đâu xa, cần dựa trên giá trị nền tảng của chân lý và sự thật.”
Như bộ phim tài liệu “The Social Dilemma” (2020) đã chỉ ra, mạng xã hội hiện đang bóp méo nhận thức, gây ra những tác động tiêu cực đến thế giới quan của người dùng về môi trường xung quanh. Sự thao túng này xảy ra khi các tập đoàn công nghệ đã chọn giải pháp thiết kế, lập trình và đưa vào hoạt động những thuật toán và tính năng “gây nghiện” trên các ứng dụng thân quen. Để khiến người dùng không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại, họ sẽ khuếch đại “khuynh hướng” sẵn có trong bạn: những ai vốn dễ tin vào thông tin thiếu xác thực sẽ càng thấy nhiều hơn trên trang mạng xã hội của họ những luồng thông tin trên; những góc nhìn phiến diện, những “tin tức” thiếu bằng chứng khẳng định của giới khoa học, sẽ càng được “ưu tiên” xuất hiện nhiều hơn trên trang mạng xã hội của người dùng.
Hay như Tiến sĩ Vladimir Mariano giải thích: “Không ít người trong chúng ta tin rằng thuật toán AI luôn mang tính trung lập, rằng nó không bị chi phối bởi bất kỳ thành kiến nào của con người. Nhưng thực tế lại cho thấy, AI đang được vận hành bởi thành kiến. Thành kiến này phục vụ cho ai, và vì mục đích gì? Trong trường hợp này, AI đang phục vụ cho mục đích thu thập dữ liệu của người dùng, và tối đa hóa lợi nhuận quảng cáo cho các công ty điều hành ứng dụng – những người đang lập trình nên thuật toán để AI vận hành.”
Ông cũng chia sẻ thêm: “Mặc dù internet đã đem lại nhiều lợi ích giúp chúng ta có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nhưng nay, AI đã khuếch đại thông tin xác thực, và cả thông tin sai lệch, đến người dùng.” Thực tế mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng quan sát được, theo Tiến sĩ Vladimir Mariano, là ngày nay, đời sống sinh hoạt và làm việc của mỗi người gần như không thể tách rời với những thiết bị thông minh sẵn có trong tầm tay. Đồng thời, không ít các luồng giao dịch của nền kinh tế toàn cầu nay gắn liền với những công cụ trực tuyến và các loại hình công nghệ mới. Chính vì vậy, ông kỳ vọng khóa học mới của Học viện YSEALI sẽ đóng vai trò như chất xúc tác quan trọng, giúp các học viên có được góc nhìn thấu đáo và tinh thần phản biện sâu sắc về tầm ảnh hưởng của AI đến cộng đồng và xã hội.
“Là những nhà lãnh đạo tương lai của khu vực Đông Nam Á, bạn cần suy nghĩ về câu hỏi: mình nên ứng phó như thế nào trước thực trạng trên?” ông chia sẻ. “Làm cách nào để bạn định hướng cho mình con đường đúng đắn trước sự quá tải thông tin trong thời đại này? Làm cách nào để bạn phân biệt được thông tin chính thống giữa muôn vàn thông tin sai lệch, và đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân và cộng đồng xung quanh mình? Đó là điều tôi mong muốn nhấn mạnh và truyền đạt đến các học viên trong khóa học mới của Học viện YSEALI.”
Thúc đẩy công nghệ vì đổi mới giáo dục
Dù Tiến sĩ Vladimir Mariano đã có nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò đồng sáng lập và CTO (Giám đốc Công nghệ) ở nhiều công ty công nghệ ở Philippines và Việt Nam, khi bàn đến giáo dục, ông vẫn xem đây là niềm đam mê đích thực của bản thân. “Tôi luôn nhớ mãi khoảng thời gian gắn bó và giảng dạy sinh viên ở Philippines nhiều năm về trước. Lúc ấy, các bạn vẫn còn lạ lẫm với khái niệm, hay thực tế ngoài kia, rằng kiến thức học được trên ghế nhà trường sẽ giúp ích rất nhiều cho việc bạn tạo ra sản phẩm công nghệ thiết thực cho người dùng, và đồng thời, bạn cũng sẽ tạo dựng được sự nghiệp và kiếm được lợi nhuận từ sản phẩm bạn làm ra nữa,” ông chia sẻ.
“Mọi kinh nghiệm mà tôi có được khi làm việc trong ngành, tôi luôn chia sẻ đến học sinh, sinh viên của mình. Tôi thường hay bảo các bạn rằng: ‘Công thức, thuật toán này đúng là quan trọng. Nhưng nó quan trọng không phải vì các em cần ghi điểm số cao trong bài kiểm tra sắp tới. Nó quan trọng vì tôi đã ứng dụng nó tại công ty của tôi để giải quyết thành công vấn đề ngoài kia.’ Nhờ đó, tôi cảm thấy vui khi biết rằng các học sinh của tôi sẽ luôn ghi nhớ bài học, dẫu cho họ đạt số điểm như thế nào đi chăng nữa trong các bài kiểm tra cuối khóa học.”
Cũng từ niềm đam mê lớn dành cho công nghệ và giáo dục, Tiến sĩ Vladimir Mariano đã khởi xướng MakerSpace Kids – không gian nơi các em nhỏ ở TP. HCM có thể cùng nhau học cách chế tạo robot và thiết kế trò chơi điện tử thông minh. Ông tin rằng đây là những hoạt động sáng tạo và định hướng bổ ích, giúp ươm mầm ở thế hệ trẻ sự thích thú tự nhiên với toán học, vật lý, lập trình và nghệ thuật số (digital art). Thông qua những món đồ chơi vốn dĩ các em đã quá quen thuộc, tò mò và yêu thích, ông hy vọng MakerSpace Kids sẽ giúp thế hệ trẻ hứng thú hơn với tiềm năng vốn có của khoa học và công nghệ, với những khả năng và ý tưởng mà bản thân các em hoàn toàn có thể phát kiến cho tương lai sau này.
Ngoài ra, với kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực AI và nghiên cứu hình ảnh kỹ thuật số, Tiến sĩ Vladimir Mariano cũng đang hợp tác với đội ngũ nghiên cứu thuộc trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright trong dự án phân tích ảnh chụp vệ tinh tại Việt Nam. Kết quả từ quá trình nghiên cứu của dự án sẽ giúp đội ngũ chuyên gia ở Đại học Fulbright tổng hợp và xâu chuỗi những hiện trạng đổi thay về môi trường, diễn biến hoạt động nông – lâm nghiệp, v.v. ở mặt đất, và từ đó, đưa ra những tư vấn hợp lý cho các cơ quan, bộ ngành nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
“Công nghệ vốn dĩ luôn có hai mặt tốt – xấu, song song với những lợi ích đem lại là những rủi ro chúng ta cần nhận biết và kiểm soát,” ông nhấn mạnh. “Ở mặt tích cực, tôi cho rằng công nghệ hoàn toàn có thể phục vụ những mục đích tốt vì nhân loại. Một trong những định hướng quan trọng cho tầm nhìn đó chính là Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.”
“Đông Nam Á vốn là khu vực dễ bị tổn thương bởi những tác động đến từ biến đổi khí hậu, xu hướng đô thị hóa mạnh kéo theo nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường và an sinh xã hội, v.v. Chính vì vậy, tôi tin rằng Học viện YSEALI sẽ là nơi đào tạo và truyền cảm hứng đến những nhà lãnh đạo tương lai trong khu vực,” Tiến sĩ Vladimir Mariano khẳng định. “Thay vì bị phân tâm bởi những ứng dụng bắt mắt trên điện thoại, tôi và bạn cần dành thời gian suy ngẫm về câu hỏi: làm cách nào để chúng ta có thể khiến công nghệ phục vụ và giải quyết những vấn đề nổi cộm ở Đông Nam Á ngay lúc này?”
“Để làm được điều đó, chúng ta cần đoàn kết, chung tay và hợp lực, dẫu bạn hay tôi đến tôi quốc gia nào đi chăng nữa. Chúng ta cần sự nhận thức rõ ràng về sức mạnh và tác động của công nghệ đến đời sống xung quanh. Và để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và tích cực, chúng ta cần nắm quyền kiểm soát công nghệ về tay mình, không ngừng học hỏi và thích ứng với thế giới luôn đổi thay. Dẫu bạn là ai hay đến từ nơi nào, tôi tin rằng chúng ta không chỉ đơn thuần là những người tiêu dùng công nghệ, mà cùng nhau, chúng ta hoàn toàn có thể là những người đổi thay công nghệ,” Tiến sĩ Vladimir Mariano kết lời.
Bảo Quyên