Theo đại diện trường, “tinh thần chinh phục” tại đây là khuyến khích mọi người vượt qua giới hạn bản thân, điều kiện kinh tế hay trình độ ngành nghề địa phương và nhận diện cốt lõi vấn đề. Khi đó, thành viên trong Hội đồng Tín thác, sinh viên, giảng viên hay nhân viên nhà trường đều có thể đưa ra sáng kiến có tầm ảnh hưởng, không giới hạn trong khuôn mẫu rập khuôn nào.
“Đó là tinh thần chinh phục trường bồi dưỡng qua từng thế hệ. Chúng tôi trang bị cho sinh viên cách ứng dụng kiến thức vào đời sống, đồng thời, gắn kết các thành viên để tạo nên sức mạnh lan tỏa cộng đồng”, đại diện Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định.
Sinh viên khai phóng bản thân
Trong thế giới biến động và công nghệ phát triển nhanh chóng, việc lắng nghe bản thân là điều khó khăn với nhiều bạn trẻ. Do đó, Đại học Fulbright Việt Nam xây dựng nền giáo dục khai phóng, trao cơ hội cho sinh viên khám phá tiềm năng, rèn luyện tư duy phản biện, tư duy liên ngành và kỹ năng học tập suốt đời. Từ đó, các bạn có thể thấu hiểu khả năng và đam mê của bản thân trước khi chọn một chuyên ngành để theo học.
Thừa hưởng tư duy “không giới hạn” trong hành trình khám phá bản thân, Phúc Ngân (cử nhân ngành Tâm lý học) liên tục tận dụng mọi nguồn lực từ nhà trường để thử sức trong nhiều lĩnh vực như kinh tế học, Việt Nam học, khoa học xã hội… Cuối cùng, cô tập trung theo đuổi ngành Tâm lý học khi nhận thấy bản thân có hứng thú với việc tìm hiểu nội tâm, trải nghiệm tâm lý của những người xung quanh mình.
Hành trình trưởng thành của Ngân gắn liền với những cuộc trò chuyện thường ngày. Cô trò chuyện cùng ba mẹ để tìm hiểu vì sao sự gắn kết giữa hai thế hệ trong gia đình lại có rào cản. Nữ sinh tâm sự cùng bạn bè và hiểu điều này là mẫu số chung của nhiều gia đình Việt Nam. Từ đó, Phúc Ngân cùng giảng viên đào sâu nghiên cứu, phỏng vấn nhiều nhân vật để tìm hiểu về những chấn thương tâm lý liên thế hệ này.
Thời điểm tìm kiếm ngành học phù hợp cũng là lúc Phúc Ngân phát triển tư duy liên ngành kết hợp giữa hai lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học máy tính. Cô liên tục đảm nhiệm công việc trợ lý nghiên cứu cho các tiến sĩ của Đại học Fulbright Việt Nam, Đại học Stanford, Đại học New York… Dù chưa tốt nghiệp đại học, nữ sinh năm tư đã tích cực ghi tên mình vào nhiều nghiên cứu xoay quanh nhóm dân số Đông Nam Á, đặc biệt là làn sóng di cư tại đây.
Mùa thu này, Ngân sẽ trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học Phát triển tại Đại học Minnesota (Mỹ) khi chỉ mới tốt nghiệp chương trình cử nhân.
Phúc Ngân là một trong những sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp của Đại học Fulbright Việt Nam, cũng là minh chứng cho nền giáo dục khai phóng tại đây. Đại diện trường chia sẻ, mỗi bạn trẻ đều có một câu chuyện chinh phục riêng, dù đó là khám phá bản thân hay vượt qua những thử thách, định kiến.
“Với tư duy liên ngành vững chắc, các bạn sẽ viết nên những trải nghiệm sống ý nghĩa”, vị đại diện khẳng định.
Truyền động lực “chinh phục”
Là thành viên trong Hội đồng Tín thác tại Đại học Fulbright Việt Nam, bà Lê Diệp Kiều Trang thường xuyên trò chuyện với sinh viên về ý nghĩa của học tập trọn đời và sự can đảm tạo nên những thay đổi tích cực cho thế giới, định nghĩa của mình về “thành công”.
Bà từng vượt qua định kiến “học giỏi thường không thành công” để từng bước chinh phục con đường học thuật và mang đến những sản phẩm có tác động tích cực tới xã hội. Bà Kiều Trang được nhiều người biết tới với biệt danh “cô gái vàng trong giới startup” khi bán thiết bị đo vận động Misfit Wearables cho Tập đoàn Fossil với giá 260 triệu USD. Tuy nhiên, bà không coi việc làm giàu là thước đo thành công.
Từ tư duy này, bà tiếp tục tìm kiếm nguồn lực từ yếu tố con người. Nữ thành viên Hội đồng Tín thác tại Đại học Fulbright Việt Nam nhận thấy năng lực khoa học của trí thức Việt Nam rất tốt nhưng ít có cơ hội phát triển khi thị trường trong nước chỉ manh mún ở mảng kỹ thuật số với các công ty thương mại điện tử, gọi xe, công nghệ tài chính. Vì vậy, bà lên kế hoạch đặt những viên gạch đầu tiên cho hệ sinh thái công nghệ, nơi trí tuệ Việt có thể xuất khẩu mạnh mẽ.
Theo đó, bà đồng sáng lập Quỹ đầu tư Alabaster để rót vốn vào 30 dự án khởi nghiệp có tác động tích cực ở cấp độ toàn cầu, trong đó có Harrison.ai. – đơn vị phát triển phần mềm tự động phân tích các hình ảnh X-quang và hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán cho bệnh nhân theo thời gian thực. Bà tìm các bác sĩ Việt Nam để dạy cho AI học cách đọc.
Song song, bà Kiều Trang mang công nghệ in 3D về Việt Nam, xây dựng nhà máy ở quận 9, TP.HCM để khuyến khích kỹ sư Việt ứng dụng vào dây chuyền sản xuất thực tế, giúp giảm giá thành phẩm.
Nữ doanh nhân chia sẻ, thế mạnh của bà là có thể tận dụng nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trí thức của Việt Nam và giúp phát triển nhóm này.
Đây cũng là triết lý thôi thúc bà trở thành thành viên của Hội đồng Tín thác tại Đại học Fulbright Việt Nam. Nhà trường và hội đồng đều muốn hướng các bạn trẻ đến hành trình sử dụng tri thức để chinh phục những giới hạn mới, có giá trị cộng đồng.
Thành viên bồi đắp tinh thần chinh phục
Không chỉ thành viên Hội đồng Tín thác hay giảng viên, cán bộ nhân viên nhà trường cũng là nguồn cảm hứng về tinh thần chinh phục tại Đại học Fulbright Việt Nam. Bà Phạm Hà Phương – cán bộ Tuyển sinh cấp cao đã gắn bó với Fulbright từ những ngày đầu tiên thành lập trường.
“Câu chuyện của cô là một hành trình marathon chinh phục những cung đường để rèn luyện thể lực và vượt qua những rào cản để lập thân của cô gái tỉnh lẻ”, đại diện trường nhận định.
Năm 2016, cô là một trong 800 bạn trẻ Việt Nam đối thoại với nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tại sự kiện này, nữ cán bộ chứng kiến vị cựu Tổng thống tuyên bố sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ trong việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam, khi ấy chỉ mới là một dự án. Sau đó, cô gia nhập Fulbright và trở thành một trong những nhân viên đầu tiên tại bộ phận Tuyển sinh và Hỗ trợ Tài chính.
Hà Phương chia sẻ, cô hiểu các gia đình nông thôn phải vượt qua những khó khăn nào khi chọn lựa con đường giáo dục cho tương lai của con. Khi còn nhỏ, cô đã chứng kiến nhiều bạn bè phải bỏ dở việc học. Hay dù may mắn được đi học đại học, cô cũng lâm vào hoang mang khi đối mặt với tương lai bất định. Từ chính những trải nghiệm này, Hà Phương giúp Fulbright xây dựng một bộ hồ sơ ứng tuyển đánh giá ứng viên toàn diện và công bằng.
Nữ cán bộ tuyển sinh kể lại, chuyện đau lòng nhất trong quá trình làm nghề là nghe học sinh chia sẻ: “Fulbright sẽ mãi là một giấc mơ không thành sự thật”. Các bạn hối hận không biết tới trường sớm hơn để có thời gian chuẩn bị bộ hồ sơ hoàn thiện. Theo cô, việc tiếp cận với thông tin là một đặc quyền không phải học sinh nào cũng có được.
Do đó, để mang cơ hội giáo dục đại học cho tất cả học sinh Việt Nam, Hà Phương đã đi tới 40 tỉnh thành trên cả nước, dành hàng nghìn giờ để trò chuyện với các bạn trẻ và phụ huynh. “Từ đó, tôi khuyến khích học sinh theo đuổi cuộc sống lý tưởng với bản thân và ý nghĩa cho cộng đồng”, cô nói thêm.
Mới đây, Hà Phương đã đạt Học bổng Thạc sĩ Fulbright danh giá. Mùa thu tới, cô sẽ đến Mỹ để theo đuổi tấm bằng Thạc sĩ ngành Phát triển Giáo dục Quốc tế.
Nguồn: VnExpress.net