Lịch trình những ngày này của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh thực rất bận rộn. Vừa là giảng viên tại Đại học Fulbright Việt Nam, thầy còn đang hoàn tất các công đoạn tiền sản xuất để chuẩn bị bấm máy dự án điện ảnh “Ngày xưa có một chuyện tình” vào tháng 12 này.
“Một đoàn làm phim không có sự tách rời mà giữa các bộ phận luôn có sự cộng tác với nhau, hiểu nhiệm vụ của nhau”, thầy nói thêm. Do đó, trước tiên nhất, học về tổ chức sản xuất phim là học về hợp tác, về sắp xếp công việc, những kỹ năng cần thiết trong mọi lĩnh vực ngành nghề. Ngoài ra, làm phim là một lĩnh vực đòi hỏi kiến thức đa ngành, trong vấn đề kỹ thuật lẫn sáng tạo và xã hội. Sự làm chủ về kỹ thuật giúp người đạo diễn có những thước phim với góc quay, màu sắc, và bố trí mãn nhãn. Kiến thức xã hội giúp họ khai thác những chủ đề hấp dẫn, gai góc, đem lại các bộ phim có giá trị xã hội và nhân văn. Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông là một ngành học hết sức có ích cho sinh viên, dù theo đuối dưới dạng chuyên ngành, ngành phụ, hay đơn giản là thường thức.
Những bài học nền tảng về làm phim từ đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh
Tại Fulbright, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã và đang giảng dạy môn “Introduction to Video and Film Production” (Nhập môn Sản xuất Video và Phim), và “Narrative” (Kể và dẫn truyện). Học kỳ sau, thầy sẽ dạy môn “Documentary Filmmaking and Video Journalism” (Sản xuất phim Tài liệu và Báo chí) hứa hẹn sẽ thu hút nhiều sinh viên đăng ký. Trong “Introduction to Video and Film Production”, sinh viên được tiếp cận với các kỹ thuật làm phim cơ bản, học về biên kịch, sử dụng hình ảnh, âm thanh và dựng phim để kể chuyện. Qua những bài tập nhỏ và dự án thực hành sản xuất một bộ phim ngắn cuối kỳ, sinh viên hiểu về quá trình tổng quan của việc sản xuất một bộ phim. Qua đó, các bạn không chỉ phát triển kiến thức về sản xuất phim mà còn có kiến thức về sáng tạo, kể chuyện, quản lý dự án, và quản lý nhân sự, v.v.. Với “Narrative”, sinh viên học kỹ năng kể chuyện (là một nghệ thuật phát triển xuyên suốt lịch sử của nhân loại, thường xuyên được áp dụng trong công việc và trong đời sống). Sinh viên sẽ sử dụng kỹ năng này để ứng dụng vào việc sản xuất nội dung trên các phương tiện truyền thông khác nhau.
“Học Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông trong khuôn khổ giáo dục khai phóng cho người học cách tiếp cận và suy nghĩ liên ngành, luyện tập ứng dụng kiến thức đa lĩnh vực, phát triển kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng lãnh đạo tại Fulbright mở cửa cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho các bạn sinh viên”, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh tìm kiếm những người học chủ động, tò mò, dám dấn thân
Trong quá trình giảng dạy của mình, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhận thấy sinh viên Fulbright rất ham học và luôn chủ động. Đặc biệt, các bạn “không ngại việc đọc, xem; đối với các bạn đó là những điều tiên quyết. Với mình, đây là điều rất đáng quý ở người học”.
Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông tìm những sinh viên “có sự tò mò, mở lòng với cái mới, ngay cả với những cái mới mà bản thân không thích, nhưng quan trọng là phải mở lòng để đón nhận trước, vì nó sẽ gợi ý cho mình, giúp mình va chạm, mài dũa những gì mình muốn theo đuổi”. Thầy nói thêm: “Sự “va chạm” ở đây còn bao hàm việc nghe phản hồi, được đứng cùng những tác phẩm khác, được nhìn thấy những cách thực hành khác nhau, để từ đó phát triển thêm cho nghệ thuật của bản thân”. Đây là những sự va chạm về giác quan, về trí tuệ để người làm phim có thêm suy ngẫm, càng lúc càng nâng cao chất lượng tác phẩm.
Giáo dục khai phóng là một nền tảng hoàn hảo để sinh viên phát triển kiến thức và kỹ năng về nghệ thuật và truyền thông
Với thầy Trịnh Đình Lê Minh, mô hình giáo dục khai phóng của Fulbright tạo không gian để ngành học Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông có thể mang lại lợi ích cho sinh viên nhiều nhất.
Người nghệ sĩ không chỉ ngồi trong phòng để vẽ hay viết mà luôn cần sự tiếp xúc với cuộc sống và kiến thức liên ngành về kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, v.v., để giúp họ tìm ra đề tài và hoàn thiện tác phẩm. Giáo dục khai phóng tại Fulbright cho sinh viên ngành Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông một nền tảng kiến thức đa dạng, cùng kỹ năng tự tìm tòi, nghiên cứu mà các bạn có thể mang theo trong quá trình công tác về sau. Hơn nữa, cho dù sinh viên tốt nghiệp không làm chuyên về nghệ thuật, họ có thể làm việc trong đa dạng các mảng ngành như tìm kiếm công chúng, marketing, quản lý, v.v. cần kiến thức liên ngành khá cao với nghệ thuật. Ngoài ra, sinh viên các ngành như Tâm lý học, Xã hội học, quản trị kinh doanh, v.v., khi theo học môn về Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông lại có thể phát triển khả năng thẩm mỹ cũng như tư duy quản lý. Thực sự, đây là một ngành có rất nhiều ứng dụng.
Trích lời Tiến sĩ Pamela Nguyễn Corey, Giảng viên Điều phối ngành Nghiên cứu Nghệ thuật và Truyền thông tại Fulbright, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh giải thích tiếp: “Người nghiên cứu ‘phải hiểu ứng dụng thực tiễn’, mà người làm sản xuất cũng phải ‘am tường lịch sử nghệ thuật, phân tích nghệ thuật, hiểu được các dòng chảy nghệ thuật đã tới, ở lại, và đi như thế nào,’ để từ đó làm được những điều mới”.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh làm phim để khám phá cuộc sống
Cá nhân thầy Lê Minh không chìm đắm vào một trường phái nghệ thuật nhất định, nhưng thầy luôn nhận được cảm hứng từ các đạo diễn đi trước: đó là sự thúc đẩy về vẻ đẹp của nghệ thuật nói chung và của điện ảnh nói riêng. Một điều nữa hết sức quan trọng với thầy đó là sợi dây kết nối giữa khán giả và người làm phim, khi hai bên tìm thấy điểm chung trong cách nhìn nhận cuộc sống, hay khi người xem có sự rung động mạnh mẽ từ một xử lý nghệ thuật tinh tế từ người đạo diễn. Đây cũng là triết lý mà thầy chia sẻ với các bạn sinh viên tại Fulbright trong các giờ lên lớp.
Với đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, dù cho đã làm bao nhiêu phim, mỗi bộ phim luôn là một trải nghiệm không lặp lại: “Người đạo diễn luôn tìm kiếm, khám phá thế giới và nhân vật trong kịch bản. Bản thân góc nhìn của anh ta cũng thay đổi theo thời gian, nên cho dù cùng làm một câu chuyện thì mỗi bộ phim đều được nhìn qua một lăng kính khác nhau. Đó chính là điều mà tôi cảm thấy thú vị khi làm phim”. Theo quan điểm của thầy, “nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, nhưng nó cũng phản ánh những điều cuộc sống không thể phản ánh được”. Nghệ thuật là sự đào sâu tìm kiếm để nhìn rõ cuộc sống hơn, để kể tả những điều về cuộc sống mà bình thường có thể bị bỏ lỡ. Do đó, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh không chỉ làm phim để “thể hiện góc nhìn của mình về đời sống”, mà còn là để “khám phá những góc khác nhau của cuộc sống mà mình có thể đã bỏ qua nếu không làm bộ phim đó”. Những thăng hoa trong cảm xúc, hòa quyện với các phát kiến mới lạ về cuộc sống chính là điểm giao thoa khởi phát cho những thước phim đẹp và ý nghĩa.
Tháng 12 này, dự án phim “Ngày xưa có một chuyện tình” sẽ chính thức bấm máy. Đây là một câu chuyện tình yêu của lứa tuổi mười tám đôi mươi, lấy bối cảnh vào những năm 90, đầu 2000. Câu chuyện tình yêu muôn thuở sẽ liên quan đến các bạn sinh viên bây giờ, nhưng bối cảnh vào những thập kỷ trước sẽ giúp các bạn hiểu và trân trọng hơn cách mà bố mẹ mình đã đến với nhau. Các bạn trẻ sẽ thấy bố mẹ cũng đã trải qua tuổi thanh xuân giống như mình, rồi đã tìm được nhau. Một câu chuyện tuy cách đây đã 25, 30 năm nhưng chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều sự liên hệ.