Quỳnh Anh hiện đang là sinh viên năm Ba tại Đại học Fulbright Việt Nam và là một Thực tập sinh Kỹ sư Quy trình tại Intel. Trước đây, Quỳnh Anh từng là một người vốn chỉ muốn tìm hiểu về nhân học và rất sợ con số. Thế nên bạn luôn nghĩ bản thân chỉ phù hợp với những môn liên quan đến đọc và viết luận. Điều đó đã “dán nhãn” Quỳnh Anh bằng những định nghĩa, kỳ vọng của mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, trở thành sinh viên Fulbright là một bước ngoặt lớn. Fulbright đã đem đến cho Quỳnh Anh một niềm tin về việc không giới hạn bản thân, không ngại thử, đặc biệt là những điều trước đó bạn nghĩ mình không làm được. Quỳnh Anh chia sẻ: “Mình được học trong một môi trường mà bạn bè mình cũng đều rất “xê dịch” và táo bạo. Mình nhận ra không nên giới hạn bản thân bằng một nhãn dãn hay lĩnh vực nào cả. Từ đó, mình có cơ hội khám phá và làm những điều mình thích, có tiến bộ và hiểu rõ bản thân hơn từng ngày. Mình mạnh dạn đón nhận những khó khăn, thất bại như những bài học cho sự phát triển lâu dài của mình.”
Từ một người chỉ luôn tin mình phù hợp với các môn Xã Hội, giờ đây Quỳnh Anh đã chọn theo đuổi ngành chính Toán ứng dụng và ngành phụ Kỹ thuật Vị nhân sinh tại Fulbright. Bạn còn bắt đầu kỳ thực tập tại Intel tại vị trí Kỹ sư Quy trình. Hãy cùng lắng nghe những “trải lòng” về sự thay đổi của Quỳnh Anh tại Fulbright. Bên cạnh đó còn là những chia sẻ của bạn trên hành trình ứng tuyển thành công vị trí thực tập Kỹ sư Quy trình tại tập đoàn Intel!
Kỹ năng giải quyết vấn đề nhạy bén – Bí quyết để chinh phục vị trí thực tập Kỹ sư Quy trình tại Intel
Intel là một tập đoàn sản xuất công nghệ với sản lượng lớn và luôn cập nhật xu thế mỗi ngày. Khi làm việc, đội ngũ nhân sự cần đảm bảo tốt quy trình sản xuất, vận hành máy móc và tối ưu hóa quy trình để tăng năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Trong nhà máy, xảy ra vấn đề là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, một tư duy luôn sẵn sàng cải tiến và chủ động tìm cách giải quyết vấn đề luôn là điều Intel đánh giá cao ở nhân viên. Hiểu được điều này, khi ứng tuyển vị trí Kỹ sư Quy trình, Quỳnh Anh đã ghi được điểm cộng khi trang bị cho bản thân khả năng giải quyết vấn đề nhạy bén – điều mà bạn đã học và phát triển từng ngày ở Fulbright.
Khả năng giải quyết vấn đề đơn giản đến từ việc tìm cách để học những môn không phải thế mạnh của bạn. Quỳnh Anh đã kể lại trải nghiệm trong môn học Thiết kế mạch điện (Electrical Circuits & Design) của Tiến sĩ Lê Quân khi bạn bắt đầu với kiến thức nền về mạch điện bằng con số 0. Lúc mới đầu, Quỳnh Anh đã gặp khó khăn để hiểu bài giảng hoặc những khái niệm thầy đưa ra. Để hiểu bài hơn, Quỳnh Anh đã dành thời gian tìm nhiều cách khác nhau và liên tục tìm kiếm phương pháp học tập phù hợp cho bản thân.
Hơn nữa, hoạt động ngoại khóa tại Fulbright cũng mang đến cơ hội để Quỳnh Anh giải rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Vài tháng trước, Quỳnh Anh từng là Trưởng nhóm dàn hợp xướng trong buổi lễ Tốt nghiệp của khóa sinh viên đầu tiên tại Fulbright. Đây là lần đầu tiên đội hợp xướng được thành lập. Những thành viên chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa tham gia hợp xướng bao giờ. “Khi đó, mình đã phải tìm và thử nhiều cách để các bạn hát vững được phần của mình và hòa hợp về tổng thể. Mình chủ động sắp xếp và tìm kiếm những phương pháp phù hợp để vận hành đội hợp xướng, diễn tập nhiều lần để các thành viên học cách kết hợp với nhau. Dù là hoạt động lớn hay nhỏ, mình đều coi đó là một thử thách cũng như cơ hội cho bản thân để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề,” Quỳnh Anh chia sẻ.
Hành trình học hỏi không ngừng ở bất kỳ vị trí và cơ hội nào
Mục tiêu lớn nhất của Quỳnh Anh là học với bất kỳ cơ hội nào. Intel là một trải nghiệm quý giá để Quỳnh Anh được học tập và làm việc trong một tổ chức nơi các anh chị kỹ sư đều năng động, dày dặn kinh nghiệm với một tư duy cải tiến không ngừng. Mọi người luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ cho các thực tập sinh và tạo cơ hội để các bạn được tham gia dự án. Dưới sự hỗ trợ của các anh chị, Quỳnh Anh vừa được bổ sung kiến thức chuyên môn, vừa được trau dồi kinh nghiệm thực tiễn.
Đặc biệt, Intel có một nhà máy lắp ráp chip quy mô lớn với hệ thống tự động hóa tiên tiến – là nơi Quỳnh Anh dành nhiều thời gian trong kỳ thực tập. “Mình luôn tận dụng cơ hội làm việc ở nhà máy mỗi ngày để quan sát và học hỏi quy trình sản xuất, cách vận hành của máy móc, qua đó phát triển hơn về tư duy hệ thống. Bên cạnh đó, mình chủ động tham gia nhiều khóa đào tạo ở công ty về các công cụ, phương pháp để tư duy giải quyết vấn đề như Lean Methodology, A3, 5M+ E,” Quỳnh Anh chia sẻ về kế hoạch sắp tới của mình tại Intel.
Âm nhạc và kỹ thuật? Tưởng không hợp nhưng lại hợp không tưởng
Quỳnh Anh có sở thích sản xuất nhạc điện tử và thiết kế âm thanh. Trước khi học kỹ thuật, bạn chỉnh sửa nhạc dựa vào cảm nhận và hướng dẫn từ những chỉ dẫn trên mạng, mà không thực sự hiểu rõ về mỗi nút điều khiển hoặc ý nghĩa của từng phím bấm.
Tuy nhiên, sau khi được học các lớp kỹ thuật tại Fulbright, Quỳnh Anh đã bất ngờ khi nhiều thuật ngữ trong kỹ thuật âm thanh tương tự như những khái niệm học ở các lớp kỹ thuật. Lúc đó, Quỳnh Anh mới hiểu rõ hơn về những khái niệm như cut-off frequency, low-pass filter, high-pass filter (tạm dịch: tần số âm thanh, bộ lọc thấp, bộ lọc cao) và cách chúng hoạt động.
“Chỉnh sửa âm nhạc nhưng hiểu rõ về những nguyên lý hoạt động của từng kỹ thuật sẽ giúp mình tự tin thiết kế âm thanh, tạo cho mình nhiều không gian sáng tạo và theo đuổi sở thích hơn,” Quỳnh Anh hào hứng chia sẻ.
Thanh Mai